(KTSG Online) – Tăng trưởng tín dụng cán mốc chỉ tiêu đặt ra của nhà quản lý, nhưng chỉ tăng đột biến trong tuần cuối cùng của tháng. Các nhà băng đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm. Ảnh minh họa: LÊ VŨ Tăng đột biến…
(KTSG Online) – Tăng trưởng tín dụng cán mốc chỉ tiêu đặt ra của nhà quản lý, nhưng chỉ tăng đột biến trong tuần cuối cùng của tháng.
Tăng đột biến vào cuối tháng 6
Thông tin mới đây cho thấy Mới đây, Vụ Tín dụng NHNN cho biết tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 6% tính đến cuối tháng 6, đạt gần 14.4 triệu tỷ đồng. Con số này tương đương với khoảng hơn 810.000 tỉ đồng đã được bơm thêm vào nền kinh tế từ đầu năm đến nay.
Số liệu này cũng tương tự tại TPHCM, nơi chiếm gần 30% tổng dư nợ cả nước. Theo đó, tăng trưởng tín dụng trong tháng 6 lên đến 2,03% so với tháng trước, tăng mạnh so với con số 0,61% trong tháng 5. Như vậy, dư nợ tại đầu tàu kinh tế cả nước đã tăng 4% so với cuối năm ngoái.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, con số tăng trưởng này được đánh giá là phù hợp với bức tranh tăng trưởng của TPHCM trong sáu tháng đầu năm. Theo đó, chỉ số GRDP tăng trưởng 6,46%, con số ấn tượng trong 5 năm qua. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ tín dụng trên địa bàn vẫn đang được các ngân hàng giải ngân khá tốt.
Theo đánh giá của nhóm phân tích Công ty chứng khoán Maybank, con số tăng trưởng tín dụng 6% này là “ngoài dự đoán”. Trong khi đó, mức tăng trưởng 4% cũng đã là con số phù hợp với bối cảnh hiện nay, tương ứng với mức tăng 13% so với cùng kỳ. Còn với con số tăng trưởng 6% cũng đồng nghĩa hệ thống đã tăng trưởng lên đến 15,2 % so với cùng kỳ.
Trước đó, theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê (GSO), tăng trưởng tín dụng đến ngày 24-6 chỉ mới tăng 4,45% so với đầu năm, tức đã tăng thêm 1,55 điểm phần trăm chỉ trong tuần cuối của tháng 6, tương ứng với con số hơn 200.000 tỉ đồng.
Một điều thú vị nữa là con số 6% này vừa đúng với mục tiêu mà Chính phủ đặt ra trong cuộc họp thúc đẩy tín dụng với các nhà băng trong tháng 6 vừa qua. Cũng trong cuộc họp này, lãnh đạo NHNN nói rằng sẽ xem xét đánh giá các nhà băng tăng trưởng chậm, chuyển cơ hội sang cho các ngân hàng có khả năng tăng trưởng.
Trong năm ngoái, ngân hàng cũng rơi vào tình trạng tăng trưởng tín dụng chậm vào giai đoạn đầu năm, chỉ tăng mạnh vào cuối năm với mức tăng tín dụng đạt 13,78% vào gần cuối quí 4.
Áp lực giải ngân
Như KTSG Online đã phản ánh trước đó, các nhà băng đang đứng trước áp lực giải ngân trong bối cảnh môi trường lãi suất thấp, nhưng nhu cầu thị trường lại suy giảm mạnh.
Trong các cập nhật gần nhất, các ngân hàng thương mại quốc doanh vẫn đang “đi chậm” với quy mô tài sản và cả thị phần cho vay lớn nhất thị trường. Trong khi đó, ước tính tăng trưởng của trong báo cáo quí 2 gần đây của các nhà băng cho thấy đa phần tăng trưởng quanh mức 6-9% trong nửa đầu năm nay, nghĩa là cao hơn mức trung bình một chút.
Tại các ngân hàng, áp lực thu hồi nợ vẫn còn lớn trong bối cảnh áp lực nợ xấu vẫn còn. Tuy nhiên, đầu tháng 6 thì tín hiệu tích cực là tăng trưởng tín dụng tăng tốc trở lại cũng đã xuất hiện, như nhiều lãnh đạo nhà băng đã chia sẻ ngoài lề.
Theo kết quả cuộc điều tra Xu hướng kinh doanh quí 3-2024 của Vụ thống kê thuộc Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng kỳ vọng dư nợ hệ thống tăng bình quân 3,7% trong quí 3 và tăng 14,1% trong cả năm 2024. Con số dự báo được tăng thêm 0,47 điểm phần trăm so với kỳ điều tra trước.
Trong nửa cuối năm, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng thị trường sẽ diễn biến tích cực hơn, sức cầu hồi phục trong bối cảnh thị trường bất động sản sôi động hơn, các pháp lý được điều chỉnh hay các chương trình hỗ trợ của chính phủ…đi vào thực tế.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, tăng trưởng tín dụng quá nhanh trong một thời gian quá ngắn cũng để lại nhiều vấn đề. Bên cạnh việc con số này có thể chưa phản ánh đủ bức tranh lớn nhu cầu thị trường, mà dòng tiền cho vay cũng sẽ phải đi đúng mục đích, chứ không phải vì áp lực giải ngân mà dòng tiền chảy vào các tài sản mang tính đầu cơ cao.