Tiến gần hơn tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

(KTSG Online) – Việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi phụ thuộc vào đánh giá khách quan của các tổ chức xếp hạng quốc tế thông qua trải nghiệm thực tế của các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, bên cạnh…

Fatz Admin lúc 2024-02-20

(KTSG Online) – Việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi phụ thuộc vào đánh giá khách quan của các tổ chức xếp hạng quốc tế thông qua trải nghiệm thực tế của các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực cao nhất của cơ quan quan quản lý, các chuyên gia cho rằng, để đem lại kết quả như kỳ vọng cần sự tham gia và quyết tâm của các bộ, ngành có liên quan và các thành viên thị trường.

Quyết định nâng hạng của FTSE Russels sẽ ảnh hưởng tới quyết định vốn của đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam những năm tới. Ảnh minh hoạ: Lê Vũ

Năm 2024 là giai đoạn nước rút trong tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam từ cận biên lên mới nổi, với hai vấn đề cần cải thiện để đáp ứng đủ tiêu chí nâng hạng là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và giới hạn sở hữu nước ngoài.

Trong chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15-2-2024 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) xử lý các vướng mắc thuộc lĩnh vực phụ trách để đáp ứng tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên thị trường mới nổi, báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện trước ngày 30-6-2024 để đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi vào 2025.

QUẢNG CÁO

Nhưng để hiện thực hóa mục tiêu này, theo các chuyên gia, điều cần làm không chỉ là cải thiện tiêu chí để đáp ứng yêu cầu từ các tổ chức như Morgan Stanley Capital International (MSCI), FTSE Russell.

Chặng nước rút với TTCK Việt Nam

Trên thế giới có ba tổ chức lớn về xếp hạng thị trường gồm Morgan Stanley Capital International (MSCI), FTSE Russell và S&P Dow Jones. Sự phân hạng thị trường của FTSE và MSCI là cơ sở tham chiếu đánh giá vị thế một quốc gia, thị trường và doanh nghiệp trong mắt các nhà đầu tư quốc tế và có ảnh hưởng lớn tới các chỉ số tiêu chuẩn toàn cầu. Trong đó, các tiêu chí của FTSE Russell có phần bớt khắt khe hơn so với MSCI.

Hiện FTSE Russell phân hạng các thị trường theo bốn nhóm, gồm thị trường phát triển (Developed Market), thị trường mới nổi tiên tiến (Advanced Emerging Market), thị trường mới nổi sơ cấp (Secondary Emerging Market) và thị trường cận biên (Frontier Market).

Cập nhật về lộ trình nâng hạng TTCK Việt Nam tại sự kiện Vietnam C-Suite Forum 2024 diễn ra cuối tháng 1, đại diện FTSE Russell cho rằng điểm mấu chốt là bỏ tiêu chí ký quỹ trước giao dịch (prefunding). Ngoài ra, tiêu chí về giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài (FOL), quy trình mở tài khoản cho nhà đầu tư nước ngoài cũng được xem xét, dù không nằm trong tiêu chí xếp hạng.

Bà Wanming Du – Giám đốc chính sách chỉ số, khu vực châu Á – Thái Bình Dương của FTSE Russel, cho rằng hạn chế sở hữu nước ngoài cũng là vấn đề gặp phải ở các thị trường lớn trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc, không riêng Việt Nam.

Tại báo cáo mới đây, các chuyên gia của Công ty chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) cho biết thị trường Việt Nam đang được xếp vào nhóm thấp nhất là thị trường cận biên (Frontier Market), theo tiêu chuẩn của cả 3 tổ chức xếp hạng.

Cụ thể, thị trường Việt Nam cơ bản đáp ứng được phần lớn các tiêu chí xếp hạng của FTSE cho thị trường mới nổi sơ cấp (Secondary Emerging) với 7/9 tiêu chí. Nhưng với tiêu chí nâng hạng của MSCI thì chỉ đáp ứng được 9/18 tiêu chí.

Với FTSE, tổ chức này đánh giá hai tiêu chí còn hạn chế là “chu kỳ thanh toán (DvP)” và “thanh toán – các chi phí liên quan đến giao dịch thất bại”. Hiện việc kiểm tra có sẵn tiền trước khi thực hiện giao dịch để đảm bảo an toàn là thông lệ tại Việt Nam.

Do đó, thị trường sẽ không có các giao dịch thất bại (failed trades), nên tiêu chí “thanh toán – các chi phí liên quan đến giao dịch thất bại” không được đánh giá.

Với MSCI, tổ chức này đánh giá thị trường Việt Nam vẫn chưa được đưa vào danh sách xem xét nâng hạng. Thậm chí, với các tiêu chí khắt khe so với FTSE Russell thì 9 tiêu chí thị trường Việt Nam chưa đáp ứng vẫn không có sự cải thiện trong giai đoạn 2021-2023.

MSCI cũng chỉ ra nhiều yếu tố Việt Nam cần thay đổi, trong đó có hai điểm có thể sớm được cải thiện, gồm quy trình đăng ký mở tài khoản cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) do hiện nay NĐTNN bắt buộc phải đăng ký giao dịch và thiết lập tài khoản cần có sự chấp thuận của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD); việc công bố thông tin về quy định pháp luật, doanh nghiệp bằng ngôn ngữ tiếng Anh để NĐTNN có thể tiếp cận và nắm bắt kịp thời – công bằng như nhà đầu tư trong nước.

Với bối cảnh trên, các chuyên gia của BSC cho rằng một số vấn đề chính cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện, điều chỉnh bao gồm thành lập trung tâm thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) – điểm mấu chốt khi cả FTSE và MSCI đều coi đây là nút thắt trong việc nâng hạng thị trường; cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao tính minh bạch cũng như chất lượng công bố thông tin của các doanh nghiệp trên thị trường (thời gian, ngôn ngữ bằng tiếng Anh); hoàn thiện cơ chế chính sách, quy định pháp luật; vấn đề liên quan đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài cũng như quy trình đăng ký tài khoản mở mới cho NĐTNN; tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra giám sát.

Để giải quyết những vấn đề hiện tại, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cho biết cơ quan quản lý đang ưu tiên giải quyết tiêu chí vừa được FTSE đề cập cùng với các vấn đề khác như FOL, giải pháp minh bạch thị trường. Theo đó, UBCKNN đang nghiên cứu và sẽ đề xuất sửa đổi một số văn bản pháp lý như Nghị định 155/2020 hướng dẫn Luật Chứng khoán và Thông tư 96/2020 về công bố thông tin, Thông tư 119/2020 về lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán, Thông tư 120/2020 (về giao dịch chứng khoán) của Bộ Tài chính.

Để tiết kiệm thời gian, dự kiến sẽ ban hành một thông tư sửa đổi cùng lúc ba thông tư. Hiện dự thảo thông tư sửa đổi đang được hoàn thiện để trình Bộ Tài chính, rồi lấy ý kiến các thành viên thị trường.

Với Nghị định 155/2020, việc sửa đổi cần tuân thủ quy định về việc ban hành nên sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Còn tại lễ đánh cồng khai trương giao dịch chứng khoán đầu xuân Giáp Thìn 2024, bà Nguyễn Thị Việt Hà, Quyền Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE), cho biết dự án công nghệ thông tin với nhà thầu Hàn Quốc (hệ thống KRX – PV) đã đạt được một số bước tiến đáng kể, thực hiện xong giai đoạn kiểm thử người dùng cuối cùng và tiến đến xem xét triển khai hệ thống trong thời gian tới.

Đây là hệ thống được kỳ vọng sẽ mang tới làn gió mới cho TTCK với các giải pháp mới về thanh toán, giao dịch, vốn được giới đầu tư mong chờ, như mua bán trong ngày, bán chứng khoán trên đường về, bán khống, rút ngắn thời gian thanh toán…

Với giả định Nghị định 155/2020 được sửa đổi xong trong tháng 9-2024, cùng việc hoàn thiện nền tảng công nghệ thị trường với giải pháp mới được triển khai sau đó, FTSE Russell sẽ cần thời gian lắng nghe phản ánh của nhà đầu tư về những điểm chưa được thực hiện, trước khi đưa ra ủy ban cố vấn quyết định cuối cùng.

Tổ chức xêp hạng này kỳ vọng bước cuối cùng sẽ thực hiện vào năm 2024. Với kịch bản lạc quan nhất, Việt Nam sẽ nằm trong thông báo tạm thời về nâng hạng vào tháng 3-2025, thông báo chính thức vào tháng 9 cùng năm. Như vậy, thời điểm có hiệu lực vào tháng 3-2026.

Với kịch bản khác, thời gian nâng được thông báo chính thức vào tháng 9-2025 và có hiệu lực vào tháng 3-2026 hoặc muộn nhất là tháng 9-2026.

Quyết định nâng hạng thị trường phụ thuộc vào trải nghiệm của nhà đầu tư ngoại

Để hoàn thành mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam đúng hẹn, các chuyên gia và đại diện UBCKNN đều đánh giá hai nhóm vấn đề trọng yếu cần tập trung cải thiện và có những biện pháp tháo gỡ, nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào TTCK trong thời gian tới là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và giới hạn sở hữu nước ngoài.

Nhưng việc tháo gỡ những trở ngại trên, theo chuyên gia của BSC, không chỉ phụ thuộc vào Bộ Tài chính, UBCKNN mà còn phụ thuộc vào các bộ, ngành khác, nhất là phía NHNN.

Với vấn đề ký quỹ, lãnh đạo VSD cho biết việc áp dụng mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) với sự chấp thuận của NHNN, trong đó ngân hàng lưu ký phải là thành viên bù trừ sẽ là phương án tối ưu để xử lý vướng mắc pre-funding. Do đó, vai trò của NHNN rất quan trọng trong việc triển khai CCP, cũng như mức độ linh hoạt trong việc điều hành chính sách tỷ giá.

Với tiêu chí tỷ lệ sở hữu nước ngoài, việc giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự thay đổi các quy định với từng ngành nghề, danh mục hạn chế tiếp cận thị trường đối với NĐTNN. Hiện quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài hiện nay đang được quy định tại một số văn bản pháp luật, gồm Luật Đầu tư và Nghị định 31/2021 hướng dẫn thi hành luật, Luật Chứng khoán và Nghị định số 155/2020 hướng dẫn thi hành luật.

Ngoài ra, việc nghiên cứu và thí điểm áp dụng chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR), vốn được TTCK Thái Lan triển khai khá thành công, cũng cần có cơ chế phù hợp với quy định tại Luật Doanh nghiệp

Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch UBCKNN, cũng cho biết cơ quan này đã tổ chức nhiều cuộc họp với các bộ, ngành; đồng thời tổ chức gặp gỡ, làm việc ở trong và ngoài nước với các tổ chức xếp hạng quốc tế, các định chế tài chính quốc tế lớn và các thành viên thị trường để cùng nghiên cứu, đề xuất giải pháp để tháo gỡ các nội dung còn vướng mắc trong công tác nâng hạng của thị trường Việt Nam. Những vấn đề này đều cần có sự phối hợp của các bộ, ngành có liên quan để tháo gỡ.

Ngoài ra, việc nâng hạng TTCK cũng phụ thuộc vào ý kiến đánh giá khách quan của các tổ chức xếp hạng quốc tế, thông qua trải nghiệm thực tế của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường Việt Nam. Do đó, rất cần sự chung sức của các thành viên thị trường trong cung cấp dịch vụ, các công ty niêm yết, đặc biệt là các tổ chức niêm yết lớn trong vấn đề công bố thông tin minh bạch, công bố thông tin bằng tiếng Anh, quản trị công ty theo thông lệ tốt…

Với các doanh nghiệp, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị yếu tố chất lượng nên được đề cao. Theo đó, số lượng doanh nghiệp niêm yết đáp ứng tiêu chí có thể ít hơn, nhưng chất lượng phải tốt hơn.

Để giải quyết yếu tố về chất, việc cần làm không phải thúc đẩy những doanh nghiệp đã làm tốt, mà cần tạo một giải pháp để có số lượng nhiều nhất công ty tuân thủ quy định trong nước, thậm chí có thể đáp ứng các thông lệ tốt nhất trên thế giới.

Thực tế, số lượng doanh nghiệp có tiêu chuẩn công bố thông tin, chuẩn mực kế toán cao nhất tại Việt Nam không nhiều. Hiện Bộ Tài chính dự kiến yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết có sắp xếp phù hợp nhất trong nửa đầu năm 2024, với mục tiêu nhóm doanh nghiệp này cơ bản phải công bố thông tin của mình theo quy định trên thị trường bằng hai thứ tiếng là Tiếng Việt và tiếng Anh tại thời điểm kết thúc năm 2024.

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.