Chỉ 1 tháng trước khi tổ chức EGM năm 2022 của CTCP Tập đoàn Container Việt Nam (HoSE: VSC), nhóm T&D Group đã thoái hơn 32,6 triệu cổ phiếu VSC. Ít ai để ý EGM năm đó đã thông qua nội dung phát hành 40 triệu cổ phiếu riêng lẻ…
Hồi tháng 9/2022, CTCP Tập đoàn Container Việt Nam (HoSE: VSC) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ bất thường (EGM) năm 2023.
Nội dung quan trọng nhất được thông qua là tờ trình phát hành 40 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho CTCP Đầu tư và Dịch vụ Cảng biển TTD (20 triệu cổ phần) và CTCP Đầu tư và Dịch vụ Xuất nhập khẩu Thái Bảo (20 triệu cổ phần). Giá phát hành 20.000 đồng/CP. Trong đó, 600/800 tỷ đồng tiền huy động sẽ dùng để tăng tỷ lệ sở hữu của VSC tại CTCP Vận tải biển Vinaship (UPCOM: VNA) lên tối đa 49% và bổ sung vốn lưu động.
Tại EGM khi ấy, việc phát hành cổ phiếu mức giá quá thấp (xấp xỉ dưới 40% so với giá cổ phiếu VSC trên sàn thời điểm đó) đã khiến một số cổ đông đặt dấu hỏi và đề nghị làm rõ cơ sở. Dù nội dung này được thông qua, nhưng tỷ lệ tán thành chỉ đạt 85,71% (13,12% không tán thành).
Chưa kể, những xáo trộn về mặt cơ cấu cổ đông VSC cũng gây sự chú ý của thị trường. Cụ thể, trước EGM năm 2022 của VSC hơn 1 tháng (tức giữa tháng 8/2022), CTCP Tập đoàn T&D Group và nhóm pháp nhân/thể nhân có liên hệ gồm bà Đoàn Thị Tơ, CTCP Thành Đức Hải Phòng (nay là CTCP Thành Đức Holding), ông Đoàn Quang Huy, và bà Tạ Kim Chi đã bán hơn 32,6 triệu cổ phiếu VSC. Tính đến cuối năm 2022, bà Tơ chỉ nắm 0,22% và ông Huy nắm 2,85% vốn VSC, trong khi các cổ đông còn lại đều thoái hết.
Ít ai để ý, 2 nhà đầu tư chiến lược đề cập trong phần đầu bài viết có nhiều liên hệ tới chính nhóm T&D Group.
Theo đó, CTCP Đầu tư và Dịch vụ Cảng biển TTD được thành lập vào tháng 8/2022 (ít ngày trước khi VSC tổ chức EGM 2022) vốn điều lệ 450 tỷ đồng với các cổ đông sáng lập gồm: Bà Bùi Thị Phương Ngân (30%), ông Nguyễn Văn Bằng (40%), và bà Trịnh Thanh Nhàn (30%). Nhưng đến tháng 4/2023, bà Nhàn và bà Ngân chuyển nhượng cổ phần TTD cho 2 thể nhân khác đến từ Hải Phòng là bà Nguyễn Thu Hiền (30%) và ông Phạm Ngọc Cường (30%).
Như đã biết, cựu cổ đông Trịnh Thanh Nhàn hiện là Thành viên HĐQT CTCP Tập đoàn Thành Thái (HNX: KKC) – công ty thành viên của T&D Group. Bà cũng từng công tác ở Ban quản lý dự án T&D Group giai đoạn năm 2015-tháng 9/2021.
Trong khi đó, CTCP Đầu tư và Dịch vụ Xuất nhập khẩu Thái Bảo ra đời vào tháng 7/2022, vốn điều lệ 550 tỷ đồng với các cổ đông sáng lập gồm: Ông Phạm Sĩ Hưng (40%), ông Trần Tuấn Linh (30%) và bà Tạ Thị Nết (30%).
Theo tìm hiểu, ông Phạm Sĩ Hưng hồi tháng 3/2021 đã nhậm chức Giám đốc/Người đại diện theo pháp luật tại CTCP Xây dựng số 1 Hải Phòng, thay thế ông Phạm Văn Đức – con trai bà Đoàn Thị Tơ, Chủ tịch HĐQT T&D Group.
Ngoài ra, một cá nhân khác nắm 30% vốn Thái Bảo – ông Trần Tuấn Linh từng là cổ đông lớn nắm 823.000 cổ phiếu KKC (tỷ lệ 17,54%), song đã thoái hết vốn vào tháng 1/2022. Ông Linh hồi tháng 9/2020 trở thành CEO CTCP Đầu tư DKC Hòn La. Thời điểm đó, ông Phạm Văn Đức cũng là Chủ tịch HĐQT công ty này.
Tuy nhiên, chỉ 3 tháng sau EGM (tức tháng 11/2022), HĐQT VSC đã dừng phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ kể trên. Công ty cho biết đã cân đối được nguồn vốn khác thay thế cho việc huy động vốn từ phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
Nhóm T&D Group không còn trực tiếp nắm cổ phiếu VSC, song điều này không có nghĩa họ đã “buông” VSC.
T&D Group vào VSC từ khi nào?
Cuối năm 2020, bà Đoàn Thị Tơ cùng con dâu là bà Tạ kim Chi, cùng nhóm cổ đông có liên hệ đã bắt đầu mua vào cổ phiếu VSC. Cho đến cuối năm 2021, tỷ lệ sở hữu tại VSC của bà Tơ là 7,09%, T&D Group 5,19%, Thành Đức Holding 5,19%, ông Đoàn Quang Huy 6,22%, bà Chi 6,9%. Như vậy tổng sở hữu VSC của nhóm T&D Group là hơn 30%.
Trước đó, VSC là mã ưa thích của nhà đầu tư nước ngoài khi cổ phiếu này luôn rơi vào tình trạng kín “room” ngoại (tối đa là 49%). Nhiều quỹ nổi danh từng là cổ đông tại VSC như nhóm thuộc Dragon Capital, KWE Beteiligungen AG, Templeton Frontier Markets Fund…. Giai đoạn 2019 trở đi ghi nhận các quỹ này liên tục các bán ra cổ phiếu VSC. Điều này dẫn đến tỷ lệ sở hữu của các tổ chức/cá nhân nước ngoài bắt đầu giảm mạnh.
Theo đó, tỷ lệ của nước ngoài trong năm 2019 giảm xuống 36,25% (năm 2018 là hơn 42%), sau đó năm 2020 là 23,74%, năm 2021 còn 7,4%. Đáng chú ý, các tổ chức/cá nhân nước ngoài năm 2022 chỉ còn nắm vỏn vẹn 3,72% vốn VSC. “Cuộc chơi” tại VSC thời điểm này nằm trong tay các cá nhân “nhỏ lẻ” trong nước khi họ chiếm đến 91,69% cơ cấu cổ đông công ty.
“Ảnh hưởng” của nhóm T&D Group tại VSC
AGM năm 2023 của VSC ghi nhận 2 nhân sự mới được đề cử vào ghế Ban Kiểm soát bởi 2 nhóm cổ đông.
Cụ thể, ông Trương Lý Thế Anh được đề cử bởi một nhóm nắm 10,39% vốn VSC gồm bà Phạm Khánh Chi (4,36%), ông Phạm Sĩ Hưng (3,33%), và ông Nguyễn Văn Bằng (2,7%); bà Ngô Thị Thùy Lương đề cử bởi các ông Bùi Xuân Hoàng (2,59%), ông Trần Tuấn Linh (3,71%), ông Đàm Văn Huy (3,81%).
Như đã đề cập, các cổ đông Phạm Khánh Chi, Trần Tuấn Linh, Phạm Sĩ Hưng và Nguyễn Văn Bằng (cổ đông sáng lập TTD – đề cập phần đầu bài viết) đều là những cá nhân có nhiều liên hệ với T&D Group.
Trước đó, ở EGM năm 2022, 2 cổ đông cá nhân khác liên quan đến T&D Group là bà Phạm Khánh Chi (4,33%) và bà Trịnh Thị Thanh Nhàn (3,13% vốn) cũng kiến nghị HĐQT và Ban tổ chức EGM bổ sung nội dung miễn nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT VSC với ông Dương Tiến Dũng và bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT VSC cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2020-2025.
Những diễn biến kể trên phần nào cho thấy nhóm T&D Group vẫn có tiếng nói đáng kể tại VSC. Chi tiết trên cũng lý giải vì sao VSC dù không có một cổ đông lớn, song cơ cấu thực tế lại khá cô đặc. AGM năm 2023 ghi nhận có 54 cổ đông tham dự, đại diện cho 89,7 triệu cổ phần, chiếm 74,04% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Theo Điều lệ của VSC, nhóm cổ đông phải nắm giữ ít nhất 10% tổng cổ phần trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng để đề cử ứng viên vào Ban Kiểm soát, bổ sung tờ trình theo quy định. Điều này cho thấy tỷ lệ sở hữu của nhóm T&D Group ở VSC còn vượt xa ngoài con số 30% trên các báo cáo.
Với sức ảnh hưởng của mình, T&D Group và các thành viên có liên hệ đã thực hiện loạt giao dịch với VSC trong những ngày cuối của năm 2022.
Cụ thể, vào ngày 29/12/2022, Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Đoàn Huy và VSC đã thực hiện hợp đồng đặt cọc 1.000 tỷ đồng. Trong đó, VSC và Đoàn Huy đã đặt cọc lần lượt 300 tỷ đồng và 700 tỷ đồng để mua lại cổ phần tại một cảng mục tiêu. Nhiều khả năng, khoản đặt cọc này để phục vụ cho thương vụ M&A CTCP Cảng Nam Hải Đình Vũ từ CTCP Gemadept (HoSE: GMD).
Trong một báo cáo phát hành hồi tháng 4/2023, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho biết BCTC của GMD tại ngày 31/12/2022 ghi nhận khoản đặt cọc khoảng 1.000 tỷ đồng. BSC nhìn nhận khoản đặt cọc này liên quan đến thương vụ bán cảng Nam Hải Đình Vũ và đối tác mua là VSC, đồng thời ước tính thương vụ sẽ có giá trị vào khoảng 2.500 tỷ đồng.
Cùng ngày 29/12/2022, Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Đoàn Huy đã cho VSC vay 171,8 tỷ đồng. Thời hạn vay của khoản vay là 12 tháng tính từ ngày giải ngân khoản vay. Đáng chú ý, khoản vay này được miễn lãi đến ngày 31/3/2023 và được tính lãi kể từ 1/4/2023 đến hết thời hạn khoản vay.
Đoàn Huy thành lập vào tháng 4/2020, vốn điều lệ ban đầu là 2 tỷ đồng. Đến ngày 28/12/2022 (1 ngày trước khi Đoàn Huy thực hiện loạt giao dịch với VSC), đơn vị này tăng vốn lên 300 tỷ đồng. Theo tìm hiểu, ông Đoàn Quang Huy (SN 1994) vừa là Người đại diện theo pháp luật, giám đốc, kiêm chủ công ty.
Vị doanh nhân tuổi Tuất là một mắt xích thuộc nhóm T&D Group. Dữ liệu cho thấy ông là cổ đông nắm 0,5% vốn T&D Group của bà Đoàn Thị Tơ. Ngoài ra, như Nhadautu.vn từng đề cập, ông cũng nắm 45% vốn CTCP Thái – Holding – chủ dự án Khu nhà ở xã hội tại Tổng kho 3 Lạc Viên tại số 142 Lê Lai, phường Máy Chai và phường Cầu Tre, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng.
Trước đó hơn 1 tuần, CTCP Tập đoàn T&D Group ngày 21/12/2022 (cùng nhóm Đoàn Huy) đã cùng Công ty TNHH MTV Trung tâm Logistics Xanh và Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cảng Xanh – công ty con của VSC thực hiện việc hợp tác đầu tư, triển khai kinh doanh dự án khách sạn Hyatt Place Hải Phòng theo Quyết định Chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận Nhà đầu tư số 1045/QĐ-UBND ban hành bởi UBND TP. Hải Phòng đề ngày 4/4/2022.
Tổng vốn đầu tư của toàn bộ dự án là 1.423,6 tỷ đồng, trong đó các công ty con của VSC góp 823,6 tỷ đồng (mỗi công ty thực góp 411,8 tỷ đồng) và T&D Group góp 600 tỷ đồng. Tiền góp vốn gốc của nhóm VSC được chuyển cho T&D Group để thực hiện dự án đầu tư và được tập đoàn hoàn trả từ năm 2024 trở đi.
T&D Group được biết đến là một tập đoàn gốc Hải Phòng hoạt động đa ngành trong các mảng bất động sản, cảng biển, logistics. Thậm chí, một số thông tin nhìn nhận rằng Group này còn có tham vọng trong cả lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Nhà đầu tư