Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu trong ngày mai (11/4) thành lập đoàn đàm phán với phía Mỹ do Bộ trưởng Công Thương làm trưởng đoàn; xây dựng kịch bản, phương án phù hợp, tinh thần là bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi…
Mỹ đã đồng ý và tuyên bố đàm phán
Chiều 10/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp thứ 4 của Thường trực Chính phủ để thực hiện các kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của lãnh đạo chủ chốt và Tổng Bí thư Tô Lâm về việc ứng phó chủ động, kịp thời, phù hợp, linh hoạt, hiệu quả với chính sách thuế quan mới của Mỹ.
Các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp đánh giá, đến thời điểm này, việc nắm tình hình, phản ứng chính sách, thực thi chính sách của Việt Nam là kịp thời, phù hợp, linh hoạt, hiệu quả, với tinh thần bình tĩnh, sáng suốt, bản lĩnh, không cầu toàn, không nóng vội, coi trọng trí tuệ, thời gian và sự quyết đoán đúng thời điểm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Nhật Bắc
Thực tế cho thấy công việc này đã bước đầu có hiệu quả khi tiếp theo sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ đã đồng ý và tuyên bố đàm phán thỏa thuận về thương mại đối ứng với Việt Nam với mục tiêu giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước, bảo đảm cân bằng bền vững, lâu dài.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, công việc sắp tới, cần tiếp tục nắm chắc diễn biến tình hình phức tạp hiện nay và kịp thời đề xuất, thực thi chính sách. Về mục tiêu, phải tiếp tục ổn định tình hình trong nước, ổn định lòng dân, ổn định các nhà đầu tư, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Về quan điểm, Thủ tướng lưu ý, phải đặt công việc này trong tổng thể chung phát triển đất nước, quan hệ quốc tế của Việt Nam, không để ảnh hưởng tới tổng thể 17 hiệp định thương mại tự do ( FTA) đã ký kết với trên 60 thị trường trên thế giới; xử lý vấn đề này không ảnh hưởng vấn đề khác, ứng xử với đối tác này không để ảnh hưởng tới đối tác khác.
Thủ tướng yêu cầu không để xảy ra thất nghiệp; rà soát các đối tượng bị ảnh hưởng, nhất là trong các ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản, kế thừa các chính sách trước đây để thiết kế các chính sách hỗ trợ phù hợp, bảo đảm đối tượng hỗ trợ chuẩn xác, có trọng tâm, trọng điểm.
Ổn định tỷ giá , giảm mặt bằng lãi suất
Về chính sách tài khóa, các giải pháp giãn, hoãn thuế thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành thì làm ngay; các chính sách miễn, giảm thuế thì tiếp tục nghiên cứu, đề xuất ngay Quốc hội ban hành nghị quyết, việc này cần làm nhanh trong tổng thể quan hệ kinh tế đối ngoại, hội nhập…
Thủ tướng yêu cầu thành lập đoàn đàm phán với phía Hoa Kỳ do Bộ trưởng Công Thương làm trưởng đoàn. Ảnh: Nhật Bắc.
Về chính sách tiền tệ, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục ổn định tỷ giá, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất thông qua giảm chi phí, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; thực hiện khoanh nợ, giãn, hoãn nợ ; đề xuất, triển khai các giải pháp, như các gói tín dụng ưu đãi với một số lĩnh vực, mặt hàng như gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho hạ tầng, khoa học công nghệ, kích cầu tiêu dùng trong nước…
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Nghị quyết của Chính phủ, phấn đấu năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh.
Về chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, Thủ tướng chỉ đạo rà soát, đề xuất hỗ trợ số lao động bị ảnh hưởng; tiếp tục các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người có công, người nghèo, bảo hiểm xã hội, giải quyết chính sách thất nghiệp; việc này cần làm sớm, báo cáo Chính phủ trước ngày 20/4; hỗ trợ người sử dụng lao động, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ giải quyết việc làm…
Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động hỗ trợ đoàn viên công đoàn trong các ngành bị ảnh hưởng mạnh. Đồng thời, các doanh nghiệp tích cực, chủ động, chuyển đổi thích ứng tình hình mới, ứng dụng khoa học công nghệ, các bộ ngành, cơ quan tích cực hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường, vốn, quản lý, mẫu mã, bao bì, bản quyền sở hữu trí tuệ…
Thủ tướng yêu cầu trong ngày mai, thành lập đoàn đàm phán với phía Mỹ do Bộ trưởng Công Thương làm trưởng đoàn; xây dựng kịch bản, phương án phù hợp, tinh thần là bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Các Bộ Công Thương, Tài chính, Ngoại giao tiếp tục tham khảo ý kiến bạn bè quốc tế; đồng thời bảo đảm thực hiện các cam kết của Việt Nam với các nước và không để gian lận thương mại.
Tiền Phong