Theo Thứ trưởng Bộ Tài Chính, hiện tượng các quỹ nước ngoài có sự điều chỉnh cơ cấu danh mục đầu tư là chuyện rất bình thường. Tại Hội thảo “Tạo động lực nâng hạng thị trường chứng khoán” do Báo Lao Động phối hợp cùng Bộ Tài chính, Ủy…
Tại Hội thảo “Tạo động lực nâng hạng thị trường chứng khoán” do Báo Lao Động phối hợp cùng Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) mới đây, các lãnh đạo cơ quan quản lý đã đưa ra quan điểm vấn đề bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian vừa qua và định hướng của cơ quan quản lí để thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian sắp tới.
Ông Bùi Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho rằng từ đầu năm đến nay, có hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài bỏ cổ phiếu trên thị trường. Hiện nay, số lượng tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư ngoài trên thị trường Việt Nam là 46 – 49 tỷ USD, trên 16% tổng vốn hóa trên thị trường. Việt Nam là thị trường có hạn chế về đầu tư nước ngoài nhưng tổng sở hữu vốn hóa của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nắm nhiều nhất khu vực Đông Nam Á.
Hiện tượng rút vốn trong thời gian qua không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn có Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan… Có thể thấy rõ, lãi suất đồng đô la duy trì quá cao, đồng đôla tăng giá, đồng Việt Nam hoặc trong khu vực có sự mất giá. Do vậy, một số quỹ thay đổi kế hoạch, chiến lược để đầu tư vào thị trường ít rủi ro hơn, có cơ hội lớn hơn trong ngắn hạn.
Lý do thứ hai là việc thị trường hồi phục khiến giá cổ phiếu tăng. Một số quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi, họ sẽ duy trì tỷ trọng nào đó với thị trường. Khi giá trị thị trường tăng lên, họ sẽ bán để đảm bảo mục tiêu đầu tư của quỹ.
“Ngoài ra, một số quỹ hết thời gian nên họ rút ra. Do vậy, câu chuyện bán ròng, rút vốn chưa phải hiện tượng tạo ra dư luận tiêu cực”, ông Bùi Hoàng Hải cho biết.
Cũng nêu quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Chi – Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng bất chấp biến động của thế giới, các chỉ số kinh tế Việt Nam vẫn tích cực. Hiện tượng các quỹ nước ngoài có sự điều chỉnh cơ cấu danh mục đầu tư là chuyện rất bình thường.
“Thị trường chứng khoán của nước ta cải cách, phát triển, tiến tới nâng hạng, có thể những nhà đầu tư rút ra lại tiếc nuối, lúc quay trở lại mất nhiều tiền hơn trước. Chính vì vậy, nhà đầu tư cần phân tích bản chất của hiện tượng để có sự nhìn nhận toàn diện để không có những ảnh hưởng không đáng có trên thị trường”, Thứ trưởng Bộ Tài Chính nhận định.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho rằng việc nâng hạng thị trường cần đi kèm với bài toán cần thêm những doanh nghiệp niêm yết chất lượng.
Về vấn đề “hàng hoá” chất lượng trên thị trường, ông Bùi Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh, hiện trên thị trường có 42 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường trên 1 tỷ USD. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện có những doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn đang chờ đợi TTCK nâng hạng mới niêm yết.
Trong thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa ra các giải pháp để tích hợp IPO và niêm yết. Việc này giúp doanh nghiệp lớn thu hút nhà đầu tư và nguồn vốn lớn. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang nghiên cứu và có giải pháp ban đầu, trong thời gian tới sẽ đưa vào các Dự thảo, Thông tư và Nghị định.
An ninh Tiền tệ