(KTSG) – “Tín dụng tiêu dùng có tỷ lệ nợ xấu cao, thế nên, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng phải song song với các biện pháp kiểm soát rủi ro. Việt Nam nên học theo mô hình đánh giá tín nhiệm xã hội của Trung Quốc”, PGS.TS. Nguyễn Hữu…
(KTSG) – “Tín dụng tiêu dùng có tỷ lệ nợ xấu cao, thế nên, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng phải song song với các biện pháp kiểm soát rủi ro. Việt Nam nên học theo mô hình đánh giá tín nhiệm xã hội của Trung Quốc”, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TPHCM trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.
Đánh giá tín nhiệm, tiền đề của tín dụng tiêu dùng
KTSG: Thưa ông, trong thời gian gần đây, đẩy nhanh tín dụng tiêu dùng là một trong những chỉ đạo thường xuyên được đề cập. Điều này có thể được lý giải như thế nào? Ông đánh giá như thế nào về thị phần tín dụng tiêu dùng trong tổng dư nợ tín dụng tại Việt Nam hiện nay?
– PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân: Để thúc đẩy tổng cầu, có ba trụ cột chính là đầu tư công, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Trong thúc đẩy tiêu dùng nội địa, so với các loại tín dụng khác như tín dụng bất động sản dù có nhu cầu thực nhưng vẫn mang nhiều yếu tố đầu tư, tín dụng tiêu dùng có tính thực tiễn hơn. Nói cách khác, để tăng lực cầu trong ngắn hạn, cần tập trung đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng.
Bên cạnh đó, hiện nay, cơ cấu của tín dụng tiêu dùng trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế còn tương đối khiêm tốn. Dù dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đã đạt khoảng 2,8 triệu tỉ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tại một cuộc hội thảo tổ chức vào giữa tháng 7-2024, nhưng trong số này, có một phần không nhỏ là cho vay bất động sản núp bóng. Nghĩa là, tín dụng tiêu dùng vẫn chưa tương xứng tiềm năng và còn nhiều dư địa phát triển.
Tuy nhiên, nếu muốn tín dụng tiêu dùng kích cầu bền vững cho nền kinh tế, phải hướng được dòng tín dụng này vào việc mua sắm, sử dụng hàng hóa, dịch vụ “thuần Việt”. Hàng hóa Việt Nam đang chịu sức ép rất lớn từ hàng ngoại nhập, đặc biệt là hàng hóa từ Trung Quốc…
KTSG: Trên thực tế, vẫn còn một khoảng cách giữa bên vay và bên cho vay. Bên vay muốn thủ tục đơn giản, thông thoáng nhất trong khi bên cho vay cần phải đảm bảo khả năng thu hồi nợ, đặc biệt khi nợ xấu vay tiêu dùng có xu hướng gia tăng. Ông nhìn nhận như thế nào về thực tế này? Liệu nên làm thế nào để tối đa hóa mong muốn của cả hai bên, thưa ông?
– Ngân hàng thương mại (NHTM), công ty tài chính luôn muốn cấp tín dụng cho những khách hàng tốt, trong khi đó, nếu tài chính dư dả, không ai muốn đi vay làm gì. Bên cho vay không biết về tình trạng tài chính, khả năng và thiện chí trả nợ của bên vay, đó là tình trạng thông tin bất cân xứng, trong kinh tế học được thể hiện bằng lý thuyết “vấn đề chanh” – “lemon problem” của nhà kinh tế học George A. Akerlof.
NHNN cởi trói nhưng NHTM có cởi mở hơn hay không lại là quyết định của chính họ. Nếu nhận thấy khoản vay tiềm ẩn rủi ro, họ có quyền không phê duyệt. Xét đến cùng, họ là người chịu trách nhiệm cuối cùng về hoạt động kinh doanh, tỷ lệ nợ xấu…
Đối với nhóm khách hàng khác, để giảm thiểu rủi ro cho thông tin bất cân xứng, một mặt, bên cho vay sẽ đưa ra các tiêu chuẩn tiếp cận tín dụng nghiêm ngặt, ai đủ điều kiện thì mới được duyệt vay. Mặt khác, các khoản vay tín dụng tiêu dùng được áp dụng một mức lãi suất rất cao, đối với thẻ tín dụng của các NHTM, lãi suất lên tới 28%/năm, còn với các công ty tài chính, công ty công nghệ tài chính (FinTech), mức lãi suất có thể lên tới 70-80%/năm. Hóa giải được mâu thuẫn này cực kỳ khó bởi lẽ NHTM hay công ty tài chính đều ưu tiên bảo vệ an toàn vốn.
Ở các thị trường tài chính tiêu dùng lâu đời và hoàn thiện hơn, người ta đã sử dụng công nghệ để đánh giá tín nhiệm khách hàng. Ngoài điểm tín dụng CIC, NHTM sử dụng dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI)… để đánh giá về khả năng và thiện chí trả nợ của khách hàng.
KTSG: Nhìn vào kinh nghiệm của thế giới, Việt Nam có thể học hỏi như thế nào, thưa ông?
– Tại Mỹ, thu nhập của người dân tuyệt đại đa số được minh bạch. Thị trường tín dụng tiêu dùng vận hành dựa trên sự minh bạch đó và với những cá nhân không tuân thủ thông lệ này, họ sẽ không có khả năng tiếp cận các khoản tín dụng tiêu dùng. Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa thể áp dụng mô hình này.
Chúng ta nên học theo mô hình của Trung Quốc. Trung Quốc sử dụng hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội (social credit). Theo đó, mỗi cá nhân sẽ được cộng hay trừ điểm tín nhiệm xã hội tương ứng với các hành vi ứng xử của người đó trong đời sống hàng ngày. Nếu anh ta vượt đèn đỏ, xả rác, anh ta sẽ bị trừ điểm tín nhiệm. Khi có điểm tín nhiệm xã hội thấp, cá nhân đó sẽ không được tiếp cận với các dịch vụ chất lượng tốt, không được vào những nhà hàng tốt, không được đi máy bay…
Trong những hạng mục chấm điểm xã hội, hành vi quỵt nợ sẽ bị trừ điểm rất nặng. Nếu đã vi phạm điều này, người ta sẽ phải cố gắng rất nhiều để phục hồi điểm tín nhiệm xã hội. Vì vậy, người ta không dám quỵt nợ.
Việt Nam đã có hạ tầng định danh điện tử, có thể tích hợp các tài khoản khác để đánh giá hành vi xã hội của từng người. Chúng ta đang đẩy mạnh chống tham nhũng, chống rửa tiền…, là động lực để phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là những điều kiện thích hợp để nghiên cứu xây dựng hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội cho từng người dân.
Nếu ngân hàng thương mại chưa mặn mà…
KTSG: Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 12/2024, trong đó, điểm đáng lưu ý là khách hàng không cần phải cung cấp phương án sử dụng vốn vay khả thi với khoản vay dưới 100 triệu đồng. Ông đánh giá như thế nào về sự thay đổi này? Động thái này có giúp khơi thông phân khúc tín dụng tiêu dùng?
– Ngân hàng Nhà nước cởi trói nhưng NHTM có cởi mở hơn hay không lại là quyết định của chính họ. Nếu nhận thấy khoản vay tiềm ẩn rủi ro, họ có quyền không phê duyệt. Xét đến cùng, họ là người chịu trách nhiệm cuối cùng về hoạt động kinh doanh, tỷ lệ nợ xấu…
Chúng ta cần biết rằng, với những khoản vay nhỏ không có tài sản thế chấp, việc thu hồi nợ rất khó khăn. Hoạt động đòi nợ thuê cũng đã bị cấm, nghĩa là, muốn đòi nợ đến cùng, ngân hàng thương mại chỉ còn phương án khởi kiện. Dù vậy, chi phí theo đuổi một vụ kiện có khi còn cao hơn cả khoản nợ gốc nên hiếm có NHTM nào lựa chọn phương án này. Chưa kể, hồ sơ cho vay của NHTM rất phức tạp, thị phần khách hàng doanh nghiệp còn tương đối lớn, họ thường ưu tiên hơn cho những khoản vay trên 500 triệu đồng, thay vì tài chính vi mô (micro finace) với các khoản vay dưới 100 triệu đồng.
Vậy nên, trên thị trường tài chính hiện nay, miếng bánh cho vay tiêu dùng này thường được đẩy về cho các công ty tài chính, công ty FinTech.
Về phần mình, các NHTM thường chỉ cho vay tiêu dùng với nhóm khách hàng nhận lương qua tài khoản được mở tại ngân hàng tương ứng. Trong trường hợp buộc phải tăng thị phần tín dụng tiêu dùng, NHTM phải ứng dụng công nghệ, cho vay qua ứng dụng. Vậy thì khách hàng vẫn phải mở tài khoản tại NHTM, cung cấp các thông tin để được đánh giá khả năng trả nợ, đáp ứng đủ điều kiện mới có thể được vay.
Tín dụng tiêu dùng có tỷ lệ nợ xấu cao, theo số liệu cuối năm 2023, nợ xấu của loại tín dụng này tại các NHTM là khoảng 4%, tại các công ty tài chính là khoảng 15%. Nếu phê duyệt tràn lan, có thể xảy ra vụ đổ vỡ, tác động xấu tới thị trường tín dụng và gây ra những hệ lụy nhất định với nền kinh tế. Thế nên, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng phải song song với các biện pháp kiểm soát rủi ro.
KTSG: Trong bối cảnh hiện tại, xây dựng thị trường tín dụng tiêu dùng an toàn, lành mạnh đang là một nhiệm vụ cần lưu tâm. Xin ông đưa ra một vài gợi ý về vấn đề này.
– NHTM có thể tham gia vào miếng bánh cho vay tiêu dùng nhưng thông thường họ không mặn mà với mảng kinh doanh này. Ở các nước tiên tiến, tài chính vi mô là thị trường khai thác của quỹ tín dụng nhân dân, các công ty tài chính, công ty FinTech. Việt Nam cũng nên cân nhắc cách tiếp cận này.
Đầu tiên, chúng ta phải cải thiện hoạt động và hiệu năng của các quỹ tín dụng nhân dân. Hiện các quỹ này có tồn tại nhưng hoạt động chủ yếu ở vùng ven, vùng nông thôn, mang tính chất hỗ trợ xã hội nhiều hơn tính chất kinh doanh. Có thể mở rộng chức năng và tăng cường tính chuyên nghiệp trong cấp tín dụng, để người dân dễ tiếp cận và sử dụng tốt hơn khoản tín dụng vay từ các quỹ này.
Thứ hai, hoạt động cho vay của các công ty tài chính, công ty FinTech ở Việt Nam đang chưa được kiểm soát tốt, có dấu hiệu tín dụng đen núp bóng. Trong khi đó, chúng ta chưa có hành lang pháp lý, thậm chí, chưa có cơ chế thử nghiệm (sandbox) điều chỉnh các hoạt động này. Đây là khoảng trống cần sớm được lấp đầy.
Thứ ba, cần chủ động tiếp cận những phương thức mới như vay ngang hàng (P2P lending) với mô hình phù hợp với khách hàng Việt Nam, có cơ chế thử nghiệm để vừa hỗ trợ vừa kiểm soát các hoạt động này.