Trong pha uptrend của thị trường, để tìm ra dấu vết “siêu cổ phiếu”, các chuyên gia đưa ra một vài tín hiệu nhà đầu tư cần quan tâm. Các chỉ số vĩ mô tích cực cùng môi trường lãi suất thấp dẫn dắt thị trường chứng khoán miệt mài…
Các chỉ số vĩ mô tích cực cùng môi trường lãi suất thấp dẫn dắt thị trường chứng khoán miệt mài đi lên 5 tháng liên tiếp. Tuy nhiên, đà tăng nóng của tỷ giá cùng áp lực bán ròng kịch liệt của khối ngoại khiến đà tăng của thị trường chững lại rõ rệt trong thời gian gần đây. Giữa sự “bung tỏa” của nhiều thông tin, tọa đàm “Năm Rồng – gồng lãi” do Chứng khoán DNSE tổ chức mang đến những góc nhìn khúc chiết và rõ ràng về các cơ hội đầu tư trong thời gian tới.
Vĩ mô tích cực, điều gì kích hoạt đà giảm của chứng khoán?
Bình luận về câu chuyện vĩ mô, Ông Hồ Sỹ Hòa – Tiến sĩ Kinh tế, Giám đốc Nghiên cứu & Tư vấn đầu tư DNSE đánh giá các chỉ số kinh tế vĩ mô quý 1 có khá nhiều điểm tích cực. Động lực tăng trưởng chính đến từ xuất khẩu hồi phục mạnh mẽ từ đáy và thặng dư thương mại lên đến 8 tỷ USD, FDI duy trì đà tăng khi dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam. Dù mức tăng GDP 5,6% trong quý 1 chưa thực sự ấn tượng, nhưng điểm sáng đến từ đà tăng rõ nét của tiêu dùng.
Chỉ số vĩ mô có sự khởi sắc, nhưng đà tăng nóng của tỷ giá khiến giới đầu tư lo ngại thị trường sẽ có đợt giảm mạnh như thời điểm tháng 9/2023. So sánh bối cảnh giữa tháng 9 năm ngoái và hiện tại, chuyên gia DNSE cho rằng có nhiều điểm giống và khác nhau.
Nhìn lại thời điểm tháng 9/2023, đồng DXY tăng mạnh khoảng 8% (từ tháng 7 đến tháng 9/2023), nhưng mức tăng đồng DXY trong những tháng đầu năm nay giảm nhẹ hơn ở mức 2%. Như vậy, áp lực từ nước ngoài là có, nhưng năm nay ít hơn.
Thêm vào đó, mức lãi suất huy động thấp của năm ngoái nới rộng mức chênh lệch lãi suất VND-USD. Tuy nhiên, đầu năm nay, dù lãi suất liên ngân hàng vẫn thấp, áp lực đà tăng DXY lớn, nhưng thị trường chứng khoán vẫn rất hưng phấn.
Chuyên gia DNSE cho rằng điểm kích hoạt đà giảm của thị trường đến từ việc VN-Index đã có mức tăng ấn tượng trong quý 1 khiến xu hướng chốt lời bảo vệ thành quả gia tăng. Thêm vào đó, “bộ ba” áp lực từ đà tăng DXY, lãi suất liên ngân hàng thấp và thặng dư thương mại lớn nhưng tiền không chảy vào cộng hưởng khiến nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh.
Chia sẻ về động thái của khối ngoại, bà Đỗ Hồng Vân – Trưởng phòng Phân tích FiinGroup cho rằng giá trị bán ròng của khối ngoại từ đầu năm đến nay lên đến hơn 16.000 tỷ đồng, tập trung mạnh vào hai tuần cuối tháng 3 và trùng khớp với thời điểm chốt NAV quý 1/2024 của các quỹ. Đặc biệt, giá trị bán ròng đến từ dòng tiền chủ động chứ không phải dòng tiền ETF.
Chuyên gia FiinGroup cho rằng động thái bán ròng của khối ngoại là xu hướng chung toàn cầu khi dòng tiền đang đổ mạnh vào các thị trường phát triển và yếu đi ở các thị trường Châu Á, trong đó có Thái Lan và Việt Nam. Ngoài ra, biến động tỷ giá, rổ hàng kém đa dạng khi chủ yếu là bất động sản, ngân hàng mà thiếu những cổ phiếu “hot trend” như công nghệ, năng lượng xanh cũng là yếu tố khiến chứng khoán Việt Nam kém hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, chuyên gia FiinGroup cho rằng lực cầu từ khối ngoại đã xuất hiện trong thời gian gần đây, chủ yếu đến từ quỹ Đài Loan Fubon. Với xu hướng hiện tại, khối ngoại cần thêm nhiều phiên mua ròng để xác nhận xu hướng. Nỗ lực ổn định tỷ giá, tháo gỡ nút thắt nâng hạng thị trường sẽ là điều kiện cần để níu giữ dòng tiền ngoại thời gian tới.
Bên cạnh câu chuyện khối ngoại, yếu tố định giá đang được nhà đầu tư quan tâm trở lại khi dòng tiền trên thị trường co hẹp đáng kể trong thời gian gần đây. Theo thống kê của FiinGroup, sau 5 tháng tăng liên tiếp, định giá P/E thị trường đã lên mức trung bình 5 năm, kể từ 2019. Tuy nhiên, định giá có sự phân hoá mạnh giữa nhóm phi tài chính và ngân hàng.
Ngân hàng đóng góp gần 40% vốn hoá toàn thị trường và ảnh hưởng đáng kể đến định giá. Mặc dù ngân hàng đang có định giá dưới mức trung bình 5 năm, nhưng chuyên gia FiinGroup cho rằng điều này không có nghĩa nhóm này đang có mức định giá rẻ. Bởi khi xem xét cổ phiếu ngân hàng thường nhìn định giá theo P/B. Trong khi đó, định giá nhóm phi tài chính đã quay trở lại đỉnh lịch sử, nhiều cổ phiếu tăng 50-100% thậm chí tăng bằng lần dù lợi nhuận hồi phục chậm.
Dấu vết “siêu cổ phiếu”
Đưa ra góc nhìn toàn diện về thị trường, ông Nguyễn Tuấn Anh – Founder Finpeace nhìn nhận thị trường chứng khoán đang có xu hướng rất tích cực. “Đà tăng của VN-Index cũng như việc leo lên độ cao, càng cao nhà đầu tư càng sợ. Đó là cảm giác của những người mới chưa chuyên nghiệp, với người trading lâu năm thì thị trường càng tăng càng củng cố câu chuyện tích cực. Nhà đầu tư nên yên tâm nắm giữ cổ phiếu như loại tài sản cố định chứ không nên bán tháo”, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết.
Trong pha uptrend của thị trường, để tìm ra dấu vết “siêu cổ phiếu”, các chuyên gia đưa ra một vài tín hiệu nhà đầu tư cần quan tâm (1) cổ phiếu có vốn hoá vừa và nhỏ có khả năng cải thiện về giá, (2) doanh nghiệp có sự cải thiện về nền tảng FA, (3) lãnh đạo có tâm và quan tâm đến lợi ích cổ đông, (4) cổ đông lớn, tổ chức, lãnh đạo chiếm đa số trong cơ cấu cổ đông, (5) định giá cổ phiếu.
Sau khi tìm ra “siêu cổ phiếu”, việc kiên định nắm giữ không để “mất hàng” cũng rất quan trọng. Thực tế, VN-Index vượt đỉnh tháng 9/2022 lên mức đỉnh cao nhất trong 19 tháng. Những cổ phiếu vượt đỉnh tháng 9 với thanh khoản lớn sau đó thanh khoản lại giảm dần cho thấy nhà đầu tư đang “găm hàng”. Theo ông Tuấn Anh, nếu năm ngoái chiến thuật phòng thủ cần ưu tiên thì năm nay chiến thuật tấn công cần được chú trọng.
“Nếu danh mục trước đó chia 3-5 phần, thì khi thị trường vào pha tăng trưởng cần chia nhỏ danh mục hơn. Tôi cho rằng danh mục nên chia thành 20 phần và rải đều tiền vào các cổ phiếu. Biên tăng nhỏ không khiến mình cảm thấy áp lực và có thể yên tâm nắm giữ “siêu cổ phiếu”. Mặt khác, nếu chưa chạm đến mức lỗ nặng thì nhà đầu tư vẫn nên “hold to die””, chuyên gia Finpeace cho biết.
Bàn về nhóm ngành tiềm năng trong thời gian tới, ông Hồ Sỹ Hoà cho rằng ngành điện, đặc biệt là nhiệt điện và điện khí sẽ được hưởng lợi nhờ đỉnh điểm của El Nino. Bên cạnh đó, ngành bất động sản KCN cũng dự báo tích cực nhờ xu hướng FDI dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam tiếp diễn. Bên cạnh đó, ngành bất động sản KCN cũng dự báo tích cực nhờ xu hướng FDI tăng trưởng mạnh ở nhiều tỉnh thành sẽ là chất xúc tác để bất động sản khu công nghiệp có chuyển động tích cực.
Về phía FiinGroup, bà Đỗ Hồng Vân cho rằng nhóm bất động sản, dầu khí, xây dựng là những nhóm có cơ hội trong ngắn hạn. Xét về dài hạn, ngân hàng sẽ là tâm điểm trong năm 2024. Dù trong ngắn hạn nhóm ngân hàng đang chững lại, nhưng khi KQKD quý 1 của một số ngân hàng lớn và triển vọng kinh doanh cả năm được công bố, nhà đầu tư sẽ “tái định giá” lại nhóm cổ phiếu này.
Tựu chung lại, bà Nguyễn Ngọc Linh – Giám đốc Tự doanh DNSE cho biết thị trường đã đi qua giai đoạn bĩ cực và đang trong xu hướng rất tích cực. Vĩ mô đang cải thiện, động thái của khối ngoại không quá đáng ngại, câu chuyện nâng hạng vẫn ở phía trước sẽ là nền tảng vững chắc cho thị trường bứt phá trong thời gian tới.
Tổ Quốc