A.I (KTSG) – Chứng khoán có thể là một trong những kênh đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, không chỉ vì nỗi lo sợ về thiệt hại chiến tranh có thể gây ra, mà kỳ vọng nới lỏng chính sách tiền tệ cũng sẽ bị ngưng lại. Dòng…
(KTSG) – Chứng khoán có thể là một trong những kênh đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, không chỉ vì nỗi lo sợ về thiệt hại chiến tranh có thể gây ra, mà kỳ vọng nới lỏng chính sách tiền tệ cũng sẽ bị ngưng lại. Dòng tiền khi đó sẽ có xu hướng đổ vào các kênh đầu tư mang tính trú ẩn an toàn.
Áp lực từ đâu?
Ngay từ phiên giao dịch đầu tháng 10-2024, chỉ số VN-Index đã chinh phục mốc 1.300 điểm và có lúc chạm mức cao nhất ở 1.302 điểm, nhưng sau đó điều chỉnh trở lại và đóng cửa chỉ còn tăng 4 điểm, đứng ở mức 1.292 điểm, trước áp lực chốt lời gia tăng. Trong phiên giao dịch đầu tuần này (7-10), VN-Index có lúc rớt về mức thấp dưới 1.265 điểm, tức giảm 27 điểm chỉ sau bốn phiên, trong đó riêng hai phiên ngày 3 và 4-10 đã ghi nhận mức giảm đến 19 điểm.
Nguyên nhân chính là cuộc tấn công bằng hàng trăm tên lửa tầm xa của Iran vào Israel tối ngày 1-10 đã khiến nhiều nhà đầu tư lo sợ nguy cơ đối đầu quân sự trực diện giữa hai nước này trong thời gian tới, mà có thể kéo theo chiến tranh lan rộng hơn.
Thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu cũng phản ứng tiêu cực trước nỗi lo sợ chiến tranh, với chỉ số Dow Jones (Mỹ) giảm 398 điểm phiên đầu tuần này, càng ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư trong nước.
Sau đòn tấn công của Iran, Israel đã tiến hành đợt không kích vào trung tâm thủ đô Beirut của Lebanon, đồng thời bắt đầu chiến dịch trên bộ thứ hai vào miền Nam Lebanon. Giới phân tích không loại trừ khả năng mục tiêu kế tiếp của Israel là Iran, khi mới đây giới chức nước này đã thông báo cho nước láng giềng Jordan rằng một hoạt động quân sự chống lại Iran có thể sớm bắt đầu. Cuối tuần trước, lực lượng không quân Mỹ đã tái triển khai các máy bay hỗ trợ tới Trung Đông.
Theo đó, Israel có thể tấn công vào các cơ sở hạ tầng quân sự, các cơ sở dầu mỏ hoặc thậm chí các địa điểm liên quan tới hạt nhân của Iran.
Một số ước tính cho thấy cuộc chiến nếu xảy ra có thể làm giảm cung 12 triệu thùng dầu mỗi ngày, gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế thế giới. Trong bối cảnh nguồn cung dầu từ Nga và Venezuela vẫn đang bị hạn chế, nếu nguồn cung dầu từ Iran bị cắt đứt, giá dầu thô leo thang là kịch bản có thể thấy trước. Cùng với nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, bóng ma lạm phát có thể quay trở lại và ngăn chặn chính sách nới lỏng tiền tệ của nhiều quốc gia vốn chỉ mới bắt đầu gần đây.
Chứng khoán có thể là một trong những kênh đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, không chỉ vì nỗi lo sợ về thiệt hại chiến tranh có thể gây ra, mà kỳ vọng nới lỏng chính sách tiền tệ cũng sẽ bị ngưng lại. Dòng tiền khi đó sẽ có xu hướng đổ vào các kênh đầu tư mang tính trú ẩn an toàn như vàng hay trái phiếu chính phủ Mỹ.
Diễn biến khối ngoại bán ròng trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần trước và đầu tuần này là tín hiệu đáng chú ý, khi tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng lẫn giá vàng trong nước đều nóng trở lại.
Việc giá vàng tăng mạnh gần đây và neo ở mức cao, cùng với sự bật tăng lại của đồng đô la Mỹ là minh chứng rõ nhất. Từ ngày 30-9, chỉ số USD Index đã phục hồi hơn 2,2% và trải qua bảy phiên đi lên liên tiếp tính đến ngày 7-10, hiện đã leo lên mức cao nhất trong một tháng rưỡi qua tại 102,4 điểm. Xu hướng này có thể tiếp tục diễn ra nếu cuộc chiến tại Trung Đông lan rộng kéo theo khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) làm chậm lại quá trình hạ lãi suất.
Canh bạc chiến tranh
Còn nhớ, trong tháng 10-2023, khi lực lượng Hamas từ dải Gaza bất ngờ tấn công vào miền Nam Israel và đẩy dải Gaza vào cuộc chiến, chỉ số VN-Index đã giảm đến 129 điểm, tương đương giảm gần 11,2%. Sau đó, TTCK chính thức tạo đáy và đi lên trở lại trong năm tháng liên tiếp, khi cuộc chiến phần lớn vẫn gói gọn trong dải Gaza mà chưa lan rộng ra khu vực.
Hay như cuộc xung đột của Nga – Ukraine vào cuối tháng 2-2022, đã là một trong những áp lực đẩy TTCK lao dốc trong những tháng sau đó, khi góp phần đẩy giá lương thực và năng lượng toàn cầu tăng vọt, kéo theo lạm phát bùng nổ ở Mỹ và các nước châu Âu, khiến nhiều quốc gia phải liên tục tăng lãi suất và thắt chặt chính sách tiền tệ. Kết hợp với những bất ổn nội tại trong nền kinh tế, chỉ số VN-Index đã rớt một mạch từ đỉnh cao quanh 1.500 điểm trong tháng 3-2022 về tận mức đẩy 874 điểm vào tháng 11 cùng năm.
Vì vậy, có lý do để lo sợ điều tương tự có thể diễn ra nếu cuộc chiến giữa Israel và Iran nổ ra, kéo dài và vượt khỏi tầm khu vực. Cũng cần lưu ý rằng nếu các quốc gia bị cuốn vào căng thẳng tại Trung Đông, các khu vực đang dính tranh chấp khác cũng có thể chứng kiến sự leo thang căng thẳng khi một số quốc gia sẽ tận dụng thời cơ để “ngư ông đắc lợi”, góp phần làm gia tăng bất ổn toàn cầu.
Diễn biến khối ngoại bán ròng trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần trước và đầu tuần này là tín hiệu đáng chú ý, khi tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng lẫn giá vàng trong nước đều nóng trở lại. Trong phiên ngày 4-10, khối ngoại đã bán ròng hơn 707 tỉ đồng trên cả ba sàn, tiếp đến phiên ngày 7-10 bán ròng hơn 394 tỉ đồng. Điểm tích cực là nhóm tự doanh vẫn duy trì mua ròng từ đầu tháng 10 đến nay, với tổng giá trị 2.055 tỉ đồng tính đến ngày 7-10.
Dù thị trường chung và hầu hết các lĩnh vực sẽ chịu tác động tiêu cực trước nguy cơ xung đột quân sự leo thang và cuộc chiến mở rộng hơn cả về quy mô lẫn địa bàn, vẫn có một số nhóm ngành có thể thu hút dòng tiền của nhà đầu tư.
Đầu tiên phải kể nhóm cổ phiếu dầu khí có thể hưởng lợi khi giá dầu tăng mạnh trở lại trước sức ép nguồn cung thế giới bị thu hẹp. Thực tế nhóm cổ phiếu sản xuất dầu khí và thiết bị, và phân phối dầu khí đã có dấu hiệu hút tiền trong ba phiên gần đây.
Nhóm thứ 2 là các cổ phiếu lương thực, thực phẩm, trước lo ngại giá cả các mặt hàng này có thể tăng mạnh khi chiến tranh lan rộng sẽ kéo theo nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu, điều đã từng diễn ra với cuộc chiến Nga và Ukraine.
Ngoài ra, các cổ phiếu thuộc ngành quốc phòng cũng có thể là điểm đến của dòng tiền nếu xung đột quân sự và căng thẳng chính trị leo thang.
Với triển vọng kinh tế suy giảm vì ảnh hưởng bởi chiến tranh, các cổ phiếu thuộc nhóm phòng thủ như y tế, tiện ích, hay các cổ phiếu có truyền thống trả cổ tức cao cũng cần được quan tâm.