Dòng tiền là yếu tố quan trọng nhất đang ủng hộ xu hướng đi lên của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, yếu tố luôn vận động rất khó lường và có thể đảo chiều bất cứ lúc nào. Sau một nhịp điều chỉnh nhẹ, thị trường chứng khoán đã…
Sau một nhịp điều chỉnh nhẹ, thị trường chứng khoán đã nhanh chóng trở lại quỹ đạo đi lên. VN-Index tăng mạnh 2 phiên liên tiếp qua đó lên lên mức cao nhất trong vòng hơn 9 tháng, sát ngưỡng 1.150 điểm. So với thời điểm bắt đầu nổi sóng từ cuối tháng 4, chỉ số đã tăng 11% tương ứng vốn hoá HoSE cũng theo đó tăng thêm 450.000 tỷ đồng.
Đà tăng chưa thể lấy lại toàn bộ những gì đã mất trong năm ngoái và VN-Index cũng còn cách rất xa so với đỉnh lịch sử trên 1.500 điểm. Tuy nhiên, không thể phủ nhận tâm lý nhà đầu tư đã được cải thiện rõ rệt. Thị trường được kỳ vọng sẽ tiếp tục đi lên cùng thanh khoản cải thiện nửa cuối năm trong bối cảnh lãi suất vẫn đang có xu hướng giảm.
Thực tế, lãi suất đã giảm liên tục trong 6 tháng qua. Đầu năm, nhiều ngân hàng thương mại vẫn còn niêm yết lãi suất tiền gửi lên tới 10,5% nhưng hiện đã ko còn mức lãi suất trên 8%. Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo nóng về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt hơn và nới lỏng hơn nữa trong 6 tháng cuối năm.
Theo Chứng khoán NH Việt Nam (NHSV), đây là yếu tố quan trọng nhất với thị trường chứng khoán. Điển hình như năm 2020, lợi nhuận và cơ bản cũng đều kém do chịu tác động nặng bởi Covid-19, nhưng thị trường vẫn tăng mạnh do có dòng tiền tốt. “Chứng khoán là thị trường của dòng tiền, có tiền vào thị trường sẽ tăng điểm” – CTCK này nhận định.
Dòng tiền là yếu tố quan trọng bậc nhất đối với thị trường chứng khoán nhưng lại rất khó lường. Điều này khiến chứng khoán luôn biến động không ngừng và khó đoán định. Trong bối cảnh đó, yếu tố vĩ mô sẽ được tính đến khi thị trường cần nền nảng vũng chắc để vượt qua những nhịp điều chỉnh trong quá trình đi lên.
NHSV cho rằng, tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm dự báo sẽ tốt hơn 6 tháng đầu năm. Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp để rã băng thị trường bất động sản, ngành công nghiệp và xây dựng do vậy cũng sẽ khả quan hơn. Thị trường BĐS chưa thể nóng ngay lại được, nhưng cũng giúp mức độ công việc và xây dựng hồi phục dần. Bên cạnh đó, tín dụng đang được chỉ đạo đẩy mạnh được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng.
Những con gió ngược
Mặt khác, thị trường cũng sẽ khó tránh khỏi những con gió ngược trong quá trình đi lên. Sau giai đoạn tăng mạnh, định giá thị trường đã không còn quá hấp dẫn. P/E của VN-Index hiện đang quanh mức 13,x lần, cao hơn nhiều so với đáy và có thể còn tiếp tục tăng bởi lợi nhuận quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết được dự báo sẽ tăng trưởng âm trên nền so sánh cao cùng kỳ.
Trong khi đó, lãi suất có thể sẽ không còn giảm mạnh nữa, do mặt bằng lãi suất tiền gửi hiện tại chỉ còn tăng khoảng 0,7% so với một năm trước và là mức khá hợp lý. Tỷ giá có thể sẽ tăng nhẹ 2-3% do mức độ chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ đang tăng lên do sự trái chiều trong chính sách tài chính tiền tệ. Điều này có thể ảnh hưởng đến dư địa giảm lãi suất của NHNN trong nửa cuối năm.
Bên cạnh đó, phải thừa nhận rằng ngành sản xuất ở Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn. Ngành công nghiệp xây dựng đang có mức tăng trưởng thấp nhất trong 3 nhóm ngành là nông nghiệp, công nghiệp, và dịch vụ. BĐS đóng băng kéo theo nhóm Vật liệu xây dựng như thép và xi măng giảm mạnh trong khi đó doanh nghiệp xuất khẩu như da giầy, thủy sản, dệt may cũng giảm mạnh do nhu cầu thế giới yếu.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng thị trường chứng khoán luôn đi trước nền kinh tế khoảng tầm một năm. Do đó, NHSV cho rằng 6 tháng cuối năm sẽ là khoảng thời gian tăng điểm tốt của thị trường. CTCK này dự báo VN-Index có thể đạt mức 1.280 điểm nhưng cũng sẽ trải qua nhiều giai đoạn điều chỉnh và sẽ đóng cửa năm 2023 sẽ quanh vùng từ 1.150 đến 1.200 điểm.
Nhịp Sống Thị Trường