Theo thống kê của cơ quan công an, có những vụ lừa đảo mang tính chất xuyên quốc gia trên không gian mạng, gây thiệt hại lớn về tài sản. Theo Công an Đà Nẵng, trong thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để phạm…
Theo Công an Đà Nẵng, trong thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng nhiều và có diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau; có những vụ việc mang tính chất lừa đảo xuyên quốc gia trên không gian mạng, gây thiệt hại lớn về tài sản.
Trước đây, rộ lên các thủ đoạn lừa đảo phổ biến, như: chiếm quyền sử dụng Facebook, Zalo, tuyển cộng tác viên bán hàng trên các sàn thương mại điện tử; cố tình chuyển khoản nhầm để đòi tiền lãi; lừa đặt cọc mua hàng qua mạng; mời chào “làm việc nhẹ lương cao”…
Mặc dù lực lượng CATP Đà Nẵng đã tăng cường công tác tuyên truyền về các thủ đoạn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và qua điện thoại nhưng vẫn có nhiều người dân “nhẹ dạ cả tin” bị lừa mất tài sản lớn. Và thời gian gần đây, xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo mới đáng lo ngại.
Trong đó, trên không gian mạng đã xuất hiện hình thức lừa đảo trực tuyến mới giả mạo Cục hàng không Việt Nam để lừa đảo thông báo chuyến bay bị hủy.
Theo đó, các đối tượng lừa đảo thu thập dữ liệu thông tin chuyến bay của khách hàng sau đó tạo lập các tài khoản Facebook giả mạo Cục hàng không Việt Nam để gọi điện, nhắn tin cho khách hàng thông báo chuyến bay bị hủy và yêu cầu người dân truy cập vào trang website giả mạo để đặt lại vé nhằm thu thập dữ liệu cá nhân và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, còn có hình thức lừa cài app ngân hàng giả mạo. Theo Cục An toàn thông tin, thủ đoạn chung của nhiều đối tượng lừa đảo là tạo lập các trang web, ứng dụng, trang mạng xã hội mạo danh ngân hàng, tổ chức tài chính, đơn vị trung gian thanh toán. Sau khi tiếp cận nạn nhân bằng nhiều hình thức, kẻ lừa đảo sẽ đánh cắp thông tin cá nhân và thực hiện kịch bản lừa đảo.
Để đối phó với việc cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo người dân, kịch bản lừa đảo cũng liên tục được thay đổi, như mời nâng cấp thẻ tín dụng; vay tiền trực tuyến với thủ tục dễ dàng, lãi suất thấp; thông báo tài khoản ngân hàng phát sinh giao dịch đáng ngờ; hướng dẫn cập nhật sinh trắc học…
Đặc biệt lưu ý người dùng về chiêu trò lừa cài đặt app ngân hàng giả mạo, Cục An toàn thông tin nêu rõ: Những ứng dụng này có chứa mã độc, giúp kẻ lừa đảo chiếm quyền điều khiển điện thoại, đánh cắp thông tin và thực hiện chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản.
Mới đây, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) thông tin về việc nhiều khách hàng tại một số tỉnh miền Bắc sử dụng điện nhận được các cuộc gọi giả danh nhân viên điện lực.
Cụ thể, trong vai “nhân viên công ty điện lực” các đối tượng lừa đảo gọi điện thông báo khách hàng đang nợ tiền điện lớn và đe dọa nếu không thanh toán ngay sẽ bị cắt điện. Sau đó, “nhân viên” gửi tin nhắn qua SMS hoặc email giả mạo thông báo hóa đơn tiền điện, kèm theo đường link thanh toán trực tuyến. Đính kèm thông báo, chúng yêu cầu người dân chuyển khoản vào một tài khoản cá nhân hoặc cung cấp thông tin ngân hàng để “giải quyết nợ”.
Chỉ cần nạn nhân nhấp vào đường link và điền thông tin, kẻ gian sẽ chiếm đoạt thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng, các thông tin cá nhân.
Lại có trường hợp “sập bẫy” bởi chiêu thức lừa đảo thông báo khách hàng nằm trong danh sách được hưởng “chính sách” hoàn tiền điện như: Điện lực quyết toán dôi dư nên hoàn tiền cho khách hàng; điện lực tính toán nhầm hóa đơn của khách hàng hoặc là có đoàn thanh tra điện lực nên phát hiện ra sai sót trong tính hóa đơn và khách hàng ở trong diện được hoàn tiền… Và dĩ nhiên “không có gì là miễn phí hoàn toàn” nếu muốn được hoàn tiền, người dân phải cài đặt ứng dụng hoặc truy cập website do chúng cung cấp để nạp tiền, hoặc chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng được cung cấp từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng để có số tài khoản và hoàn trả lại tiền.
Và đáng chú ý là trong thời quan qua nhiều người dân phản ánh về việc có các đối tượng tự xưng là Cảnh sát Giao thông gọi điện, yêu cầu người dân cung cấp thông tin để làm định danh biển số, xác thực thông tin phương tiện.
Cơ quan Công an khuyến cáo, người dân cần nhận diện các dấu hiệu chung của các cuộc gọi mạo danh Cảnh sát giao thông yêu cầu người dân cung cấp thông tin để làm biển số định danh như sau: Đối tượng mạo danh gọi điện đến cho công dân, giới thiệu là cán bộ đăng ký xe của Phòng Cảnh sát giao thông và yêu cầu công dân cung cấp các thông tin cá nhân và mang giấy tờ đến Phòng Cảnh sát giao thông để làm thủ tục định danh biển số xe. Sau đó, chúng sẽ gợi ý có thể trực tuyến, rồi gửi những đường link chứa mã độc để đánh cắp thông tin của công dân và chiếm đoạt tài sản.
Thực tế, không ít người dân bị “thao túng tâm lý” rồi mất tiền oan do thiếu kiến thức và sự hiểu biết về an ninh mạng.
Trước tình hình trên, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao CATP Đà Nẵng khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác hơn nữa khi sử dụng các nền tảng mạng xã hội.
Người dân tuân thủ theo nguyên tắc “3 KHÔNG”: Không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số thẻ tín dụng qua điện thoại, tin nhắn hay email; Không truy cập đường link thanh toán từ tin nhắn hoặc email không rõ nguồn gốc. Không tải về những app không rõ nguồn gốc để tránh bị đánh cắp thông tin cá nhân. Khi thực hiện thanh toán hóa đơn trực tuyến cần truy cập trực tiếp vào website hoặc ứng dụng chính thức của công ty điện lực.
Đối với những cuộc gọi xưng là Cảnh sát Giao thông liên hệ qua điện thoại để yêu cầu xử lý công việc, người dân cũng tuyệt đối không cung cấp thông tin hay làm theo yêu cầu của các đối tượng liên hệ qua điện thoại; mọi thắc mắc hay hãy liên hệ trực tiếp tới trụ sở Công an gần nhất để được hướng dẫn và giải đáp. Vì cơ quan Công an tuyệt đối không làm việc qua điện thoại và mạng xã hội.
Và đặc biệt khi phát hiện bị lừa đảo hoặc nhận thấy có dấu hiệu đáng ngờ, người dân cần ngay lập tức trình báo cho cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ.
Đời Sống Pháp Luật