(KTSG Online) – Những vấn đề về chất lượng tài sản và sự biến động của các yếu tố vĩ mô như tỷ giá, lãi suất khiến không ít ngân hàng thận trọng khi đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng, doanh thu, lợi nhuận cả năm 2024. Bối cảnh…
(KTSG Online) – Những vấn đề về chất lượng tài sản và sự biến động của các yếu tố vĩ mô như tỷ giá, lãi suất khiến không ít ngân hàng thận trọng khi đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng, doanh thu, lợi nhuận cả năm 2024.
Thận trọng với kế hoạch kinh doanh
Thống kê của Công ty chứng khoán MB (MBS) cho biết tổng thu nhập hoạt động các ngân hàng niêm yết trong quí 1-2024 chỉ 7,6% so với cùng kỳ, nhờ thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi tăng lần lượt 8,1% và 5,6%. Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng niêm yết từ đầu năm tới cuối quí 1-2024 chỉ đạt 1,9%, thấp hơn nhiều so với mức 3,9% ghi nhận trong cùng giai đoạn năm trước.
Biên lãi ròng (NIM) trung bình toàn ngành chỉ ở mức 3,4% trong quí 1-2024, giảm 0,2% so với cùng kỳ và giảm 0,09% cơ bản so với quí 4-2024 nhờ chi phí vốn giảm mạnh hơn so với tỷ suất sinh lợi của tài sản.
Bối cảnh trên khiến không ít ngân hàng tỏ thái độ thận trọng với kế hoạch kinh doanh cả năm 2024.
Ban lãnh đạo Bac A Bank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 4% so với con số thực hiện năm 2023, tương ứng mức 1.100 tỉ đồng. Chỉ tiêu này được đặt ra dựa trên tốc độ tăng trưởng tín dụng được giao là 10% và dự báo tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn.
Với NCB, ban lãnh đạo ngân hàng không đưa ra con số lợi nhuận kế hoạch cụ thể tại cuộc ĐHĐCĐ thường niên 2024, mà cam kết dùng toàn bộ nguồn thu để thực hiện nghĩa vụ theo phương án cơ cấu lại.
Chủ tịch NCB Bùi Thị Thanh Hương cho biết, ngân hàng dự kiến tiếp tục không có lợi nhuận năm 2024. Trong đề án trình NHNN, nhanh nhất đến năm 2028 mới xử lý hết toàn bộ những vấn đề tồn đọng và chậm nhất là năm 2030. Nếu thị trường tiếp tục có những cú sốc về kinh tế ngoài dự báo thì thời gian xử lý có thể kéo dài thêm vài năm.
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024, ông Tạ Kiều Hưng, Tổng giám đốc NCB, cho biết mức tăng trưởng 16% là cao xét về tương đối, nhưng xét về tuyệt đối thì mức này không sao so với nhu cầu hấp thụ của thị trường.
Khác với các ngân hàng trên, VPBank đặt kế hoạch kinh doanh khá tự tin với lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2024 ở mức 23.165 tỉ đồng – tăng 114% so với năm 2023. Kế hoạch này được đưa ra trên cơ sở đóng góp của các đơn vị, gồm: ngân hàng mẹ đón góp 20.709 tỉ đồng, VPBankS đóng góp 1.902 tỉ đồng, OPES đóng góp 873 tỉ đồng, FE Credit cũng dự kiến đóng góp 1.200 tỉ đồng sau sẽ hai năm liền thua lỗ.
Để đạt được kế hoạch, VPBank dự kiến tăng trưởng tín dụng và huy động lần lượt ở mức 25% và 22% so với năm trước. Đây có thể xem như một kế hoạch táo bạo trong bối cảnh kết quả kinh doanh năm trước đó chịu ảnh hưởng không nhỏ từ môi trường kinh tế vĩ mô thiếu thuận lợi.
Tự tin là vậy, nhưng trong tờ trình gửi các cổ đông, ban lãnh đạo VPBank vẫn nhấn mạnh rằng: “Các chỉ tiêu kế hoạch dựa vào các giả định/phân tích kịch bản tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và năng lực thực tế của ngân hàng”.
Còn tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, thừa nhận ba cuộc khủng hoảng xảy ra năm 2023 đã gây nhiều khó khăn cho ngành ngân hàng.
Thứ nhất, khủng hoảng chạy đua lãi suất xảy ra giữa năm 2023 đã đẩy lãi suất huy động lên mức rất cao, dẫn đến tình trạng khan hiếm vốn. Điều này khiến nhiều TCTD rơi vào tình trạng khó khăn về thanh khoản.
Thứ hai, khủng hoảng trái phiếu, là kết quả trực tiếp của giai đoạn phát triển quá đà trước đó đã ảnh hưởng nhiều đến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Thứ ba, khủng hoảng liên quan đến bất động sản xuất hiện khi thị trường bất động sản đi xuống, giá cả sụt giảm và sự đình trệ của hàng loạt dự án không đủ điều kiện triển khai. Đây là hệ quả sau nhiều năm bất động sản tăng trưởng nóng ở mức giá cao.
Theo ông Vinh, mặt bằng lãi suất huy động duy trì ở mức cao khiến chi phí vốn gia tăng, trong khi vốn huy động khó đưa vào nền kinh tế, khiến NIM của VPBank giảm từ khoảng 5,5-5,6% về 4,4% trong năm 2023. Với quí 1-2024, NIM của ngân hàng bắt đầu tăng trở lại và dự kiến tiếp tục tăng thời gian tới, nhưng chỉ lên khoảng 4,9-5%. Với FE Credit, hoạt động kinh doanh tại đơn vị này vẫn gặp khó khăn và chưa mang lại hiệu quả trong quí 1-2024.
Bên cạnh ba ngân hàng trên, Vietcombank, BIDV, VietinBank – những đơn vị dẫn đầu về lợi nhuận ngành ngân hàng – cũng đặt tỷ lệ tăng trưởng tín dụng dự kiến năm 2024 không quá cao, chỉ tương đương tăng trưởng tín dụng trung bình ngành.
Riêng Vietcombank chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 5% lợi nhuận trước thuế so với mức 15% của năm 2023. Trong khi việc để ngỏ kế hoạch lợi nhuận của BIDV và Vietinbank cũng cho thấy sự thận trọng và dè dặt của các ngân hàng trong việc đặt ra chỉ tiêu lợi nhuận năm 2024.
Tập trung quản trị rủi ro
Ngoài những khó khăn vĩ mô, sự suy giảm về chất lượng tài sản là yếu tố đáng lo ngại. Thống kê của MBS cho thấy tỷ lệ nợ xấu (NPL) trung bình của các ngân hàng niêm yết ở mức 2,17% tại thời điểm cuối quí 1-2024, tăng 0,24% so với cuối năm 2023. Trong đó, tỷ lệ nợ nhóm 2 đạt mức 2,1% tại thời điểm cuối quí 1-2024, tăng 0,16% so với cuối năm 2023.
Quy mô nợ xấu của các ngân hàng niêm yết tính tới cuối quí 1-2024 cao hơn 48,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chi phí trích lập chỉ tăng 5,4%. Điều này khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu suy giảm đáng kể, chỉ đạt 87,5% tại thời điểm cuối quí 1-2024, giảm lần lượt 7,1% so với cuối năm 2023 và 23,2% so với cùng kỳ năm trước.
Dự báo diễn biến nợ xấu thời gian tới, ông Lê Hoài Ân, chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng thuộc Công ty cổ phần Giải pháp tài chính tích hợp cho rằng, lợi nhuận của các ngân hàng có thể bị ảnh hưởng đáng kể nếu mức trích lập dự phòng tín dụng tăng lên. Vì vậy, diễn biến nợ xấu cần được xem xét khi đánh giá mức tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng.
Đáng lưu ý, việc cho vay doanh nghiệp trong hệ sinh thái cũng tạo ra một môi trường tài chính phức tạp và rủi ro, khi mức nợ xấu không tăng tương ứng do có khả năng các khoản nợ xấu đã bị che lấp qua các biện pháp tài chính như: cơ cấu lại nợ, tiền vay lại trở thành tiền gửi trong hệ thống, chứ không thực sự chảy vào các hoạt động kinh tế.
Ngoài ra, Thông tư 02/2023 được gia hạn đến hết năm 2024 khiến bức tranh nợ xấu ngân hàng không được phản ánh đầy đủ trên báo cáo tài chính, qua đó ảnh hưởng nhiều đến chất lượng lợi nhuận của các cổ phiếu ngân hàng. Trước bối cảnh trên, một số lãnh đạo ngân hàng nhấn mạnh yếu tố quản trị rủi ro trong năm 2024.
Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank, thừa nhận tình hình nợ xấu của ngân hàng có cải thiện, nhưng vẫn ở mức cao trong quí 1-2024. Do đó, ngân hàng sẽ trích lập dự phòng rủi ro ở mức 13.500 tỉ đồng, tăng 1.000 tỉ đồng so với năm trước. Đồng thời, kỳ vọng thu hồi 3.000 tỉ đồng từ các khoản nợ xấu.
“Năm nay VPBank đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 3%. Dự phòng trong năm 2023 là 12.500 tỉ đồng trong đó dự phòng cho khách hàng cá nhân 8.000 tỉ đồng”, ông Dũng nói tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024.
Với lĩnh vực bất động sản, lãnh đạo VPBank đánh giá, đây là ngành tiềm năng, mang lại lợi ích lớn cho ngân hàng, nhưng hiện cần kiểm soát chặt. Điều này có nghĩa là chỉ các dự án thuộc phân khúc có nhu cầu mua thực và ở thực, đã hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý mới nhận được vốn vay. Ngân hàng phân biệt rất rõ giữa sản phẩm chung cư thông thường và sản phẩm có tính đầu cơ cao thì không tài trợ.
Với SHB, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT, cho biết tỷ lệ cho vay với lĩnh vực bất động sản là 16%. Ngoài ra, tỷ lệ trái phiếu cũng rất thấp. Số vốn huy động từ phát hành trái phiếu đều được sử dụng đúng mục đích vàcó tài sản bảo đảm.
“SHB luôn luôn quan tâm trước trong và sau cho vay. Khi phê duyệt khoản vay, vấn đề quan tâm đầu tiên là phương án khả thi, thứ hai là dòng tiền, thứ ba là tài sản, nên các khoản nợ xấu đều có tài sản đảm bảo”, ông Hiển nói tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024.
Cũng theo ông Hiển, nợ xấu tăng lên là điều không ai mong muốn và tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,7% của ngân hàng là “phản ánh trung thực hoạt động tình hình kinh tế, trong đó ngân hàng phải có trách nhiệm đồng hành chia sẻ với doanh nghiệp”. Do đó, ngân hàng sẽ tập trung cấu trúc tài sản, quản trị rủi ro và xử lý nợ xấu, bên cạnh chiến lược phát triển kinh doanh.
Cụ thể, từ nay đến hết tháng 9-2024, ngân hàng sẽ thành lập các tổ chuyên trách, với mạng lưới từ hội sở đến các chi nhánh trên khắp cả nước. Qua đó, các tổ chuyên trách này sẽ đồng hành trực tiếp với từng khách hàng nhằm xử lý, thu hồi các khoản nợ xấu. “Khi các khoản đã trích lập ngoại bảng được xử lý ổn sẽ tăng thu nhập cho ngân hàng”, ông Hiển nói.
Kinh tế Sài Gòn Online