Trong bức tranh ảm đạm của các lĩnh vực kinh doanh thì Bách Hóa Xanh lại nổi lên là một điểm sáng. Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG) mới đây đã công bố báo cáo tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm. Theo…
Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG) mới đây đã công bố báo cáo tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm. Theo đó, trong nửa đầu năm 2024, tổng doanh thu ước tính của công ty đạt 65.621 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính riêng trong tháng 6, Thế giới Di động đã có doanh thu lên đến 13.381 tỷ đồng, mức cao kỷ lục của doanh nghiệp bán lẻ này.
Tính đến cuối tháng 6, Thế giới Di động đã đóng cửa hàng loạt các cửa hàng. Cụ thể, số cửa hàng Thế giới Di động (bao gồm Topzone) giảm 24 cửa hàng so với đầu tháng, về mức 1.046 cửa hàng. Điện Máy Xanh cũng giảm 87 so với đầu tháng, xuống con số 2.093. Số lượng nhà thuốc An Khang cũng giảm mạnh 45 cửa hàng trong tháng 6 xuống con số 481 cửa hàng.
Điều đáng nói là, trong bức tranh ảm đạm của các lĩnh vực kinh doanh thì Bách Hóa Xanh lại nổi lên là một điểm sáng. Tính đến hết 6 tháng đầu năm, chuỗi này đang có 1.701 cửa hàng đang hoạt động, tăng thêm 3 cửa hàng so với tháng 5.
Doanh thu 6 tháng đầu năm 2024 của Bách Hóa Xanh đạt 19.400 tỷ, tăng trưởng 42% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 29,7% cơ cấu tổng doanh thu – mức cao nhất từng đạt được của chuỗi thực phẩm này.
Nếu tính riêng tháng 6, Bách Hóa Xanh thu về 3.600 tỷ doanh thu, tăng gần 5% so với tháng 5 liền trước. Điều đáng nói là, nếu trừ giai đoạn bị tác động bởi Covid-19 thì doanh thu bình quân mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh đã đạt đỉnh 2,1 tỷ đồng/cửa hàng/tháng.
Mức doanh thu trung bình này đã vượt sự kỳ vọng của lãnh đạo MWG.Trước đó, tại buổi họp nhà đầu tư quý 1, Tổng Giám đốc Bách Hóa Xanh Phạm Văn Trọng từng cho biết: “Với quy mô hiện tại, doanh thu trung bình mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh sẽ trên 2 tỷ đồng/tháng”.
Để có được thành tích như này, phía Bách Hóa Canh cho biết đã có chiến lược từ đầu năm là tăng trưởng về doanh thu và tập trung tối ưu chi phí, trong đó có 2 mảng lớn là chi phí vận hành cửa hàng và chi phí vận hành logistics. Dù sức mua tiêu dùng được đánh giá là không tăng hoặc tăng không mạnh nhưng điểm lợi thế của Bách Hóa Xanh là xu thế chuyển dịch từ kênh truyền thống sang hiện đại vẫn đang tiếp diễn.
Tổng chung, trong quý 2 vừa qua, Bách Hóa Xanh đã ghi nhận lãi gần 7 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên chuỗi siêu thị này có lãi kể từ khi đi vào hoạt động.
“Trong quý 2/2024, lợi nhuận từ hoạt động kinhd oanh (và cũng là lợi nhuận sau thuế) của Bách Hóa Xanh đã đạt mức dương 7 tỷ đồng. Theo ước tính của chúng tôi, biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Bách Hóa Xanh trong tháng 6/2024 được ghi nhận ở mức dương đồng thời là mức cao nhất trong quý”, Công ty Cổ phần Chứng khoán Vietcap phân tích.
Cửa hàng Bách Hóa Xanh đầu tiên chính thức có mặt trên thị trường vào cuối năm 2015, tập trung kinh doanh rau củ quả, hàng tươi sống và FMCGs. Đến cuối năm 2016, Bách Hóa Xanh hoàn tất giai đoạn thử nghiệm đầu tiên với hơn 40 siêu thị tập trung tại khu vực quận Tân Phú, Bình Tân, TP. HCM.
Luỹ kế giai đoạn từ 2016 đến nay, Bách Hóa Xanh còn lỗ gần 8.750 tỷ đồng, trong đó mức lỗ của năm 2024 còn hơn 98 tỷ.
Đời Sống Pháp Luật