(KTSG) – Việc Vietcombank tiếp tục triển khai chương trình cho vay với lãi suất cố định có thể lên tới 10 năm đáp ứng nhiều mục đích tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh khác nhau cho thấy khả năng ngân hàng này kỳ vọng mặt bằng lãi suất trong…
(KTSG) – Việc Vietcombank tiếp tục triển khai chương trình cho vay với lãi suất cố định có thể lên tới 10 năm đáp ứng nhiều mục đích tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh khác nhau cho thấy khả năng ngân hàng này kỳ vọng mặt bằng lãi suất trong giai đoạn tới tiếp tục ổn định, hoặc nếu có biến động theo hướng đi lên cũng chỉ mang tính nhất thời.
Cho vay với lãi suất cố định
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) gần đây cho biết sẽ tiếp tục triển khai chương trình “An tâm lãi suất” dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (khách hàng SME) với mức lãi suất cố định cho các khoản vay trung và dài hạn.
Theo đó, các khoản giải ngân trong tháng 4-2023 sẽ được áp dụng mức lãi suất ưu đãi 10,2%/năm cho kỳ hạn 18 và 24 tháng; 11%/năm cho kỳ hạn 36 tháng; 12%/năm cho kỳ hạn 60 tháng (5 năm); 13,5%/năm cho kỳ hạn 84 tháng (7 năm) và 14%/năm cho kỳ hạn 120 tháng (10 năm).
Chương trình áp dụng cho các mục đích vay của khách hàng cá nhân bao gồm: vay mua, xây sửa nhà ở, đất ở; vay mua nhà dự án tại các dự án bất động sản; vay mua ô tô tiêu dùng; vay nhận quyền sử dụng đất nền, đất hỗn hợp (đất ở xen kẽ đất nông nghiệp); vay tiêu dùng có tài sản bảo đảm; vay đầu tư cơ sở lưu trú du lịch; vay đầu tư trang trại nuôi heo; vay sản xuất kinh doanh (trung hạn); vay thanh toán học phí tại các trường tư thục, quốc tế. Và tất cả mục đích vay đối với khách hàng SME theo quy định của Vietcombank.
Trên thị trường hiện nay, ít có ngân hàng nào cung cấp các sản phẩm cho vay với lãi suất cố định, mà hầu hết đều áp dụng lãi suất thả nổi nhằm tránh những rủi ro lãi suất trong tương lai. Một số sản phẩm có lãi suất vay cố định thường là những sản phẩm cho vay tiêu dùng với lãi suất cố định nhưng tính theo dư nợ gốc ban đầu, có giá trị khoản vay thấp để phần nào hạn chế rủi ro.
Nhìn vào sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley tại Mỹ gần đây, đi theo mô hình huy động tiền gửi ngắn hạn nhạy cảm với lãi suất để đầu tư vào các tài sản dài hạn có lãi suất cố định, dễ hiểu vì sao không nhiều ngân hàng dám triển khai các chương trình cho vay lãi suất cố định.
Với lượng trái phiếu chính phủ ngoại tệ đang đáo hạn dần, cộng thêm lượng tiền gửi ngoại tệ tại NHNN vượt dự trữ bắt buộc, Vietcombank có thể chuyển đổi sang tiền đồng phục vụ cho các chương trình cho vay lãi suất cố định, với biên lãi suất đủ cao để bù đắp cho những rủi ro về tỷ giá.
Cần biết rằng chương trình “An tâm lãi suất” này từng được Vietcombank triển khai vào tháng 4-2020, thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện và gây ảnh hưởng lên mọi mặt trong nền kinh tế, khiến nhu cầu vay giảm sút mạnh. Tuy nhiên, giai đoạn đó xu hướng lãi suất đang phát tín hiệu tiếp tục đi xuống, vì vậy các chương trình cho vay với lãi suất cố định được xem là không tiềm ẩn quá nhiều rủi ro.
Trong khi đó, thời gian qua mặt bằng lãi suất biến động khá nhanh và mạnh. Gần đây, dù có dấu hiệu hạ nhiệt và đi xuống trở lại, nhưng xu hướng trong thời gian tới là chưa thật sự rõ ràng, khi áp lực lạm phát cùng những rối loạn của thị trường tài chính toàn cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng, căng thẳng địa chính trị vẫn đè nặng lên nền kinh tế và có thể ảnh hưởng tiêu cực lên chính sách tiền tệ của các quốc gia.
Bất chấp những điều này, việc Vietcombank tiếp tục triển khai chương trình cho vay với lãi suất cố định có thể lên tới 10 năm đáp ứng nhiều mục đích tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh khác nhau cho thấy khả năng ngân hàng này kỳ vọng mặt bằng lãi suất trong giai đoạn tới tiếp tục ổn định, hoặc nếu có biến động theo hướng đi lên cũng chỉ mang tính nhất thời.
Bởi lẽ, định hướng và mục tiêu của nhà điều hành là bằng mọi giá phải giữ ổn định biến số vĩ mô quan trọng này nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Thực tế, mức lãi suất cho vay cố định của Vietcombank cũng là khá cao so với lãi suất bình quân của thị trường trong nhiều năm trở lại đây, do đó rủi ro lãi suất nếu có cũng không phải là quá lớn.
Lợi thế của Vietcombank
Là một trong bốn ngân hàng thương mại gốc quốc doanh, nhiều năm liền giữ vị trí quán quân lợi nhuận trong ngành, Vietcombank có nhiều lợi thế mà không phải ngân hàng nào muốn cũng được, từ đó giúp cho ngân hàng luôn duy trì được chi phí vốn đầu vào thấp trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tạo điều kiện để triển khai các chương trình cho vay lãi suất cố định mà không quá e ngại rủi ro như các ngân hàng khác.
Thứ nhất là phân khúc khách hàng của Vietcombank nhiều năm qua dù ngày càng đa dạng, nhưng nhóm khách hàng cốt lõi vẫn là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với lượng vốn nhàn rỗi gửi tại Vietcombank rất lớn dưới dạng tiền gửi thanh toán, đặc biệt luôn duy trì ổn định qua các năm.
Số liệu báo cáo tài chính năm 2022 cho thấy trong hơn 1,24 triệu tỉ đồng tiền gửi khách hàng, tiền gửi không kỳ hạn là hơn 402.000 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 32%. Đó là chưa kể đến lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước đang nằm tại Vietcombank lên đến 49.548 tỉ đồng vào cuối năm 2022.
Với lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng này hiện chỉ ở mức 0,1%/năm, có thể thấy nguồn tiền gửi giá rẻ này đã mang lại lợi ích lớn cho Vietcombank như thế nào. Ngoài ra, nguồn tiền gửi thanh toán ổn định và dồi dào của các khách hàng doanh nghiệp lớn cũng giúp Vietcombank không phải chịu áp lực quá lớn trong công tác huy động tiền gửi tiết kiệm, tạo điều kiện giúp ngân hàng này luôn duy trì lãi suất tiết kiệm gần như thấp nhất trên thị trường trong những năm qua.
Thứ hai, Vietcombank là ngân hàng có truyền thống và thế mạnh trong lĩnh vực ngoại thương – đúng như tên gọi của mình, với cơ sở khách hàng doanh nghiệp xuất nhập khẩu lớn, cộng thêm sở trường về kinh doanh ngoại tệ, đã giúp Vietcombank thu hút được một lượng vốn ngoại tệ lớn trong nhiều năm qua.
Đặc biệt kể từ năm 2015, khi trần lãi suất tiền gửi đô la Mỹ được quy định về mức 0%, vừa giúp dòng tiền gửi ngoại tệ dịch chuyển từ các ngân hàng nhỏ sang các ngân hàng lớn, vừa giúp các ngân hàng như Vietcombank giảm được chi phí huy động vốn ngoại tệ rất lớn.
Báo cáo tài chính cho thấy tiền gửi đô la Mỹ của Vietcombank tại thời điểm cuối năm 2022 là hơn 168.000 tỉ đồng, chiếm 13,5% tổng tiền gửi. Trong khi đó, dư nợ cho vay đô la Mỹ chỉ có hơn 110.000 tỉ đồng.
Với lượng vốn ngoại tệ dư thừa lớn như vậy, một phần đang được Vietcombank gửi tại Ngân hàng Nhà nước vượt quá dự trữ bắt buộc, phần còn lại đang nằm dưới dạng chứng khoán đầu tư với giá trị hơn 23.616 tỉ đồng, khi trước đó vào năm 2015 ngân hàng tham gia mua 1 tỉ đô la Mỹ trái phiếu chính phủ phát hành kỳ hạn 5-10 năm với lãi suất 4,8%.
Lượng trái phiếu chính phủ ngoại tệ này đang đáo hạn dần, cộng thêm lượng tiền gửi ngoại tệ tại NHNN vượt dự trữ bắt buộc, Vietcombank có thể chuyển đổi sang tiền đồng phục vụ cho các chương trình cho vay lãi suất cố định, với biên lãi suất đủ cao để bù đắp cho những rủi ro về tỷ giá.
Với kỳ hạn vay 60 tháng có lãi suất vay 12%/năm theo chương trình “An tâm lãi suất” nói trên, còn lãi suất huy động đô la Mỹ đầu vào là 0%, nếu được duy trì xuyên suốt trong những năm tới, thì biên độ lãi suất đầu ra – đầu vào lên đến 12%.
Giả sử mức độ mất giá của tiền đồng so với đô la Mỹ mỗi năm trung bình 2%, rõ ràng ngân hàng vẫn đảm bảo có lợi nhuận ổn định. Tất nhiên, ngân hàng cũng sẽ phải có những giải pháp hạn chế, phòng ngừa rủi ro tỷ giá hiệu quả.
Thứ ba là Vietcombank vẫn đang trong tình trạng dư dả vốn, nên việc triển khai chương trình cho vay lãi suất cố định được kỳ vọng sẽ thúc đẩy giải ngân vốn đầu ra cho ngân hàng này, cũng như giúp khách hàng chủ động được trong các kế hoạch tài chính khi chi phí vay được kiểm soát trong suốt thời hạn vay.
Báo cáo tài chính cho thấy Vietcombank có hơn 1,14 triệu tỉ đồng dư nợ gộp vào cuối năm 2022, tuy nhiên ngân hàng này vẫn đang có 313.637 tỉ đồng tiền gửi và cho vay trên thị trường liên ngân hàng, 196.171 tỉ đồng chứng khoán đầu tư.
Cuối cùng, theo báo cáo rủi ro lãi suất của Vietcombank trong phần thuyết minh báo cáo tài chính, giá trị dư nợ cho vay khách hàng có kỳ định lại lãi suất trên năm năm vẫn rất thấp, chỉ có vỏn vẹn 3.125 tỉ đồng, chiếm chưa đến 0,3% trong tổng dư nợ; kỳ định lại từ trên một năm đến dưới năm năm nhiều hơn với 87.530 tỉ đồng, nhưng cũng chỉ chiếm 7,6% trong tổng dư nợ. Do đó, ngân hàng vẫn còn nhiều dư địa để phát triển các sản phẩm cho vay trung và dài hạn với lãi suất cố định.
Kinh tế Sài Gòn Online