Tăng trưởng tín dụng và chuyện giảm lãi suất cho vay

(KTSG) – Kể từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động vốn của nhiều ngân hàng đã có những bước giảm khá dài, với lãi suất kỳ hạn dưới sáu tháng giảm 0,5 điểm phần trăm và các kỳ hạn từ sáu tháng trở lên giảm xấp xỉ 1,5-2…

Fatz Admin lúc 2023-05-07

(KTSG) – Kể từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động vốn của nhiều ngân hàng đã có những bước giảm khá dài, với lãi suất kỳ hạn dưới sáu tháng giảm 0,5 điểm phần trăm và các kỳ hạn từ sáu tháng trở lên giảm xấp xỉ 1,5-2 điểm phần trăm tùy ngân hàng. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn còn cao do tốc độ giảm chậm hơn so với lãi suất tiền gửi. Đâu là nguyên nhân?

Đến ngày 20-4-2023, tăng trưởng tín dụng đạt hơn 12,23 triệu tỉ đồng, chỉ tăng 2,57% so với cuối năm 2022 và tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh: LÊ VŨ

Nhu cầu vay đang ra sao?

Trước xu hướng này, có ý kiến cho rằng do cung tín dụng thấp khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống nói chung và hạn mức phân bổ cho từng ngân hàng nói riêng bị kiểm soát chặt chẽ, ngược lại cầu tín dụng cao do nhu cầu vay vốn vẫn cao, nên khiến lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức cao.

QUẢNG CÁO

Đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14-15%, cao hơn năm 2022, và cho biết sẽ điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thị trường. Ngược lại, giới phân tích dự báo tín dụng sẽ tăng trong khoảng từ 10-12% trong năm 2023, thấp hơn so với mức tăng trưởng mục tiêu của NHNN, do nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và lãi suất lên cao hơn.

Trong khi đó, hạn mức phân bổ tăng trưởng tín dụng thông báo đến các ngân hàng hồi tháng 3-2023 phần lớn cho thấy đều thấp hơn so với kết quả thực hiện năm 2022. Điều này đã đưa đến một số nhận định rằng nhà điều hành đang muốn quan sát thêm tình hình và hiệu quả hoạt động của từng ngân hàng, để quyết định xem có nới thêm hạn mức cho giai đoạn sau, điều thường xuyên diễn ra trong những năm gần đây khi room tín dụng luôn được cấp thêm trong quí 3 hoặc quí 4.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là thực tế cho thấy ở phía cầu tín dụng, nhu cầu vay đang rất thấp do tăng trưởng kinh tế chậm lại. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn phải thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh nên không còn nhu cầu vay, trong khi số khác bị đứt gãy dòng tiền, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản, nên rõ ràng không thể tiếp cận được dòng tín dụng của các ngân hàng. Ngược lại, những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, đáp ứng điều kiện vay vốn lại e ngại suy thoái kinh tế, tiêu dùng sụt giảm nên cũng không mặn mà vay ngân hàng để mở rộng hoạt động.

Để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, có thể nhà điều hành cần tăng cung tiền linh hoạt hơn, nhất là khi áp lực lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt dần. Số liệu gần nhất đến ngày 20-3-2023 cho thấy, tăng trưởng cung tiền chỉ đạt 0,57% so với đầu năm, thấp hơn mức tăng 0,77% của huy động vốn và 1,61% của tín dụng tại thời điểm đó.

Trong khi nhóm khách hàng doanh nghiệp chìm đắm trong khó khăn, nhóm khách hàng cá nhân cũng không khá hơn do phải hứng chịu những hậu quả của dịch Covid-19 trong ba năm qua. Ngoài ra, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, thu hẹp hoạt động tăng lên dẫn đến người lao động mất việc làm, giảm thu nhập, nên không còn thỏa điều kiện để vay khi cần như giai đoạn trước, thậm chí nhiều khoản vay của khách hàng cá nhân trước đây đang đứng trước rủi ro chuyển thành nợ xấu.

Thực trạng này thể hiện rõ khi mới đây NHNN phải ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, trong đó mở rộng đối tượng được cơ cấu nợ cho cả các khoản vay tiêu dùng vì nhiều khách hàng cá nhân có nợ vay chưa đủ điều kiện để trả nợ lúc này.

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, ngoài nguyên nhân cầu tín dụng thấp dẫn tới tăng trưởng tín dụng thấp thì còn có nguyên nhân từ việc thị trường bất động sản gặp khó khăn. Những khó khăn này chủ yếu liên quan đến các vấn đề pháp lý dự án, từ đó dẫn tới tín dụng ngành bất động sản tăng chậm hơn nhiều so với các năm trước và ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng chung.

Vì sao lãi suất cho vay còn cao?

Theo số liệu công bố mới nhất của NHNN, đến ngày 20-4-2023, tăng trưởng tín dụng đạt hơn 12,23 triệu tỉ đồng, chỉ tăng 2,57% so với cuối năm 2022 và tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu so với con số tăng trưởng 2,06% tại thời điểm 28-3-2023, khoảng thời gian hơn ba tuần đầu tháng 4 tín dụng chỉ tăng thêm vỏn vẹn 0,5%, tương ứng số tuyệt đối hơn 60.800 tỉ đồng.

Mức tăng trưởng 2,57% nói trên dù cao hơn giai đoạn dịch bệnh năm 2020 nhưng thấp hơn năm 2021 và 2022. Cụ thể, chỉ bằng hơn một phần ba so với cùng kỳ năm 2022; trong đó hầu hết các ngân hàng tăng trưởng tín dụng còn thấp, nhiều ngân hàng chỉ tăng trên dưới 1%, thậm chí có ngân hàng tăng trưởng âm. Vì vậy, việc cho rằng lãi suất cho vay cao do tín dụng bị kiểm soát trong khi nhu cầu vay vẫn lớn là chưa hợp lý từ thực tế hiện nay.

Cũng cần lưu ý, gần đây một số ngân hàng đang kích thích người vay bằng các chương trình cho vay trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi thời gian đầu, thậm chí là các sản phẩm vay trung và dài hạn với lãi suất cố định trong suốt thời gian vay, như là cách thúc đẩy chuyển nhu cầu vay trong tương lai về hiện tại để giải quyết bài toán đầu ra tín dụng.

Ngoài ra, đứng ở phía nhà điều hành, ngoài những chính sách mới ban hành như hoãn và giãn thời gian trả nợ, cho phép ngân hàng mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã bán ra mà không cần đợi đủ 12 tháng, cơ quan này còn yêu cầu các ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay để tăng cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Qua đó, nguồn vốn tín dụng mới có thể thẩm thấu vào nền kinh tế, phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, hiện có một số yếu tố sau có thể đang là rào cản của việc hạ lãi suất cho vay.

Thứ nhất, với rủi ro nợ xấu gia tăng trở lại, dù có được tái cơ cấu hay không thì rõ ràng cũng sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực lên lợi nhuận của các ngân hàng. Do đó, duy trì lãi suất cho vay cao là một trong những cách để bù đắp mất mát từ những ảnh hưởng này.

Thứ hai, dù tín dụng đang tăng trưởng trì trệ, nhưng trước những rủi ro và thách thức của nền kinh tế phía trước, các ngân hàng có lẽ cũng không nhất thiết phải tăng trưởng cho vay mạnh mẽ bằng mọi giá. Lượng ít hơn đòi hỏi chất phải nhiều hơn để bù đắp, đó có thể là lý do các ngân hàng chọn phương án neo lãi suất cho vay ở mức cao.

Thứ ba, trước yêu cầu phải triển khai các chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất, cho vay mua nhà ở xã hội với lãi suất thấp hơn cho vay thông thường, các ngân hàng có thể phải dành một lượng vốn nhất định để triển khai các chương trình này. Vì vậy, các ngân hàng sẽ có động lực neo lãi suất cho vay cao ở những phân khúc còn lại để bù đắp cho dư nợ lãi suất thấp theo các chương trình hỗ trợ này.

Cuối cùng, lượng vốn huy động tại mức lãi suất cao những tháng trước đây, đặc biệt bắt đầu từ quí 4 năm trước đến tháng 2 năm nay, đã kéo chi phí vốn đầu vào của nhiều ngân gia tăng đáng kể so với trước. Dù các ngân hàng gần đây đã liên tục giảm lãi suất huy động trở lại, nhưng có lẽ vẫn cần thêm thời gian để chi phí vốn hạ xuống dần.

Đặc biệt, dù khung lãi suất niêm yết chính của các ngân hàng đã giảm đáng kể trong hai tháng gần đây, nhưng cuộc cạnh tranh huy động vốn “đằng sau” với lãi suất mời chào hấp dẫn dành cho những khách hàng có tiền gửi đáp ứng một số điều kiện vẫn khá quyết liệt. Ngoài ra, lãi suất vay mượn lẫn nhau giữa các ngân hàng trên thị trường 2 vẫn khá cao phản ánh thanh khoản hệ thống hiện nay không phải quá dồi dào, vì vậy việc giảm chi phí vốn đầu vào cũng đang gặp không ít thách thức.

Vì vậy, để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, có thể nhà điều hành cần tăng cung tiền linh hoạt hơn, nhất là khi áp lực lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt dần. Lượng thanh khoản được bơm thêm sẽ khiến nguồn vốn dồi dào hơn, tiền gửi tăng trưởng cao hơn sẽ buộc các ngân hàng đẩy vốn ra và giảm lãi suất cho vay. Số liệu gần nhất đến ngày 20-3-2023 cho thấy, tăng trưởng cung tiền chỉ đạt 0,57% so với đầu năm, thấp hơn mức tăng 0,77% của huy động vốn và 1,61% của tín dụng tại thời điểm đó.

Từ đầu năm đến nay, một trong những giải pháp tăng cung tiền của nhà điều hành là tiếp tục mua ròng ngoại tệ để bơm thanh khoản tiền đồng. Tuy nhiên, một phần vốn này đã bị trung hòa khi NHNN hút trở lại qua kênh thị trường mở và tín phiếu do lo ngại áp lực lạm phát.

Thụy Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.