Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) đã quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ lần thứ tư trong năm nay để kiềm chế lạm phát gần mức cao nhất trong 14 năm, đồng thời để ngỏ khả năng tiếp tục có các hành động chính sách tiếp…
Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) đã quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ lần thứ tư trong năm nay để kiềm chế lạm phát gần mức cao nhất trong 14 năm, đồng thời để ngỏ khả năng tiếp tục có các hành động chính sách tiếp theo nhằm giảm bớt áp lực giá cả.
Ngân hàng trung ương Singapore hôm nay (14/10) đã công bố báo cáo chính sách tiền tệ trong nửa năm vừa qua, cho biết sẽ xác định lại tỷ giá trung tâm, hay còn được gọi là tỷ giá danh nghĩa đa phương (NEER), nhưng sẽ không thay đổi độ dốc và độ rộng của biên độ.
MAS đã thực hiện hai động thái thắt chặt ngoài chu kỳ trong năm nay, vào tháng 1 và tháng 7, do lạm phát vẫn tăng cao. Đây là lần thắt chặt thứ 5 kể từ tháng 10 năm ngoái và giới phân tích cho rằng MAS có thể có nhiều hành động chính sách hơn trong thời gian tới.
Tòa nhà Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore trên đường Shenton Way. (Ảnh:CNA / Jeremy Long)
MAS cũng cho biết tất cả các động thái thắt chặt tiền tệ cho đến nay sẽ tiếp tục kéo giảm lạm phát do ảnh hưởng giá cả cao hơn từ nhập khẩu, nhưng cảnh báo áp lực giá sẽ còn dai dẳng và nền kinh tế Singapore sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu.
Mặc dù vây, theo MAS, lạm phát cơ bản sẽ tiếp tục tăng trong vài quý tới, do nhập khẩu lạm phát vẫn gây áp lực, cùng với nhu cầu tăng lương mạnh mẽ trong khi thị trường lao động ngày càng thắt chặt.
Đồng đô la Singapore đã tăng khoảng 0,3% sau quyết định chính sách của MAS.
MAS hiện điều phối chính sách tiền tệ thông qua các thiết lập tỷ giá hối đoái, thay vì điều chỉnh lãi suất. Cơ quan này điều chỉnh chính sách của mình thông qua ba đòn bẩy: độ dốc, điểm giữa và độ rộng của biên độ tỷ giá tham chiếu, cho phép đô la Singapore tăng hoặc giảm so với tiền tệ của các đối tác thương mại chính trong một biên độ được “giữ kín”.
Dữ liệu mới nhất cho thấy giá tiêu dùng ở Singapore tiếp tục tăng trong tháng 8 do giá thực phẩm và dịch vụ tăng mạnh hơn.
Lạm phát cơ bản tại Singapore (không bao gồm chi phí ăn ở và giao thông cá nhân) đã tăng lên 5,1% vào tháng 8 so với cùng kỳ, cao hơn so với mức tăng 4,8% vào tháng 7, và là mức cao nhất kể từ khi chạm mức 5,5% vào tháng 11/2008.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 8, hay lạm phát toàn phần, ở mức 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua mức 7% trong tháng 7.
MAS hôm nay (14/10) cũng cho biết lạm phát cơ bản có khả năng duy trì ở mức khoảng 5% từ giờ đến cuối năm 2022 và sang đầu năm 2023./.
PV/VOV-Bangkok