Bên cạnh “ngòi nổ” giá dầu, nhóm cổ phiếu dầu khí còn liên tiếp đóng nhận thông tin quan trọng từ Chuỗi dự án khí – điện Lô B. Rạng sáng nay (14/3) theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent đã tăng khoảng 3% lên mức cao nhất trong 4…
Rạng sáng nay (14/3) theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent đã tăng khoảng 3% lên mức cao nhất trong 4 tháng do tồn kho dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm, tồn kho xăng của Mỹ giảm lớn hơn dự kiến và khả năng gián đoạn nguồn cung bởi ảnh hưởng xung đột Nga – Ukraina. Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho biết các công ty năng lượng đã bất ngờ rút 1,5 triệu thùng dầu thô ra khỏi kho dự trữ trong tuần kết thúc vào ngày 8/3.
Hiệu ứng từ giá dầu thế giới gần như ngay lập tức có tác động lên giao dịch trên nhóm cổ phiếu dầu khí trên sàn chứng khoán Việt Nam. Đồng loạt PVD, PVS, GAS, BSR, PVT, PVB, PVC,… đều tăng mạnh cùng giao dịch sôi động bất chấp thị trường rung lắc. Nổi bật nhất là PVT tăng kịch trần trong khi PVD cũng gây ấn tượng khi bứt phá lên đỉnh 9 năm.
Bên cạnh “ngòi nổ” giá dầu, nhóm dầu khí còn liên tiếp đóng nhận thông tin quan trọng liên quan đến Chuỗi dự án khí – điện Lô B. Mới nhất, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ Công thương đã yêu cầu các nhà đầu tư trong Chuỗi dự án này khẩn trương thực hiện các công việc:
(1) PVN, EVN phối hợp với các Bên nước ngoài và Chủ đầu tư các NMĐ Ô Môn thống nhất và ký kết các Thoả thuận thương mại (GSPA, GSA, PPA) để có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) vào tháng 3/2024, đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án mỏ khí Lô B (thượng nguồn) để đảm bảo mục tiêu First Gas vào cuối năm 2026.
(2) Chủ đầu tư Dự án Đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn (trung nguồn) tích cực thúc đẩy công việc Dự án, đảm bảo đồng bộ với tiến độ triển khai Dự án thượng nguồn.
(3) PVN, EVNGENCO2 và Công ty TNHH Điện Ô Môn II sớm hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư đối với các Dự án NMĐ (sử dụng khí Lô B) tại Trung tâm điện lực Ô Môn để triển khai đầu tư xây dựng, đảm bảo đồng bộ với tiến độ của các Dự án thượng nguồn và trung nguồn.
Theo SSI Research, trong năm 2024, với dự báo giá dầu khó tăng mạnh, dự án Lô B – Ô Môn vẫn sẽ là động lực chính của ngành dầu khí với tính chất khá cấp thiệt để bù đắp cho các mỏ khí nội địa đang dần cạn kiệt trong thời gian tới. Chính phủ Việt Nam vẫn duy trì mục tiêu khai thác dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2026. Bộ phân phân tích cho rằng, tin tức cập nhật về dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ giá cổ phiếu ngành dầu khí, đặc biệt là các công ty thượng nguồn.
Trước đó, một thông tin quan trọng có tác động đến ngành dầu khí toàn cầu trong đó có Việt Nam là việc Saudi Aramco hoãn mở rộng khai thác dầu. Theo đó, “đại gia” Trung Đông đã hủy bỏ các gói thầu trị giá hơn 10 tỷ USD cho các hợp đồng EPCI nhằm mở rộng mỏ dầu Safaniyah khổng lồ của công ty, sau yêu cầu của Bộ Năng lượng nhằm hủy bỏ kế hoạch tăng công suất bền vững tối đa (MSC) từ 12 triệu thùng/ngày lên 13 triệu thùng/ngày trong năm 2027.
Đánh giá về động thái này, trong một báo cáo gần đây của SSI Research, các chuyên gia chứng khoán lưu ý rằng chu kỳ tăng trưởng hiện tại của ngành khoan chủ yếu được thúc đẩy nhờ công suất sản xuất dầu tăng mạnh từ Trung Đông, do đó, bất kỳ sự thay đổi nào trong chiến lược này đều có thể dẫn đến sự thay đổi chu kỳ tăng trưởng hiện tại của ngành khoan.
Trong khi đó, Vietcap cho rằng việc đầu tư này vẫn cần thiết trong dài hạn và có thể được Saudi Aramco xem xét lại. Trong khi chờ đợi động thái mới, Vietcap vẫn giữ đánh giá tích cực về chi tiêu thượng nguồn toàn cầu do Trung Đông và Saudi Aramco dẫn đầu và đánh giá khả quan cho 2 doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn PTSC (PVS) và PV Drilling(PVD). Theo S&P Global, chi tiêu cho các hoạt động thăm dò và sản xuất toàn cầu sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) là 4% trong giai đoạn 2023-27.
Đời sống Pháp luật