Hiện sở hữu của nhóm quỹ Dragon Capital tại FPT Retail đã vượt mức 7% vốn. FRT: Trong thông báo mới nhất, nhóm quỹ Dragon Capital đã báo cáo mua vào tổng cộng 127.500 cổ phiếu FRT của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail). Theo đó, ba…
Trong thông báo mới nhất, nhóm quỹ Dragon Capital đã báo cáo mua vào tổng cộng 127.500 cổ phiếu FRT của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail).
Theo đó, ba quỹ thành viên gồm DC Developing Markets Strategies Public Limited Company, Hanoi Investments Holdings Limited và Wareham Group Limited đã mua vào lần lượt 30.000 cp, 50.000 cp và 47.500 cổ phiếu FRT. Giao dịch diễn ra trong phiên 27/2, qqua đó, sở hữu của cả nhóm Dragon Capital tăng từ 6,98% lên hơn 7,07%, tương đương hơn 9,6 triệu cổ phiếu.
Tạm tính theo giá đóng cửa cùng phiên, nhóm quỹ ngoại này đã chi hơn 17 tỷ đồng để gia tăng sở hữu tại FPT Retail.
Dù vậy tính từ trước phiên 11/1/2024 tới hết phiên 27/2/2024, chỉ trong hơn một tháng song Dragon Capital đã bán ròng hơn 5,4 triệu cổ phiếu FRT.
Giao dịch của Dragon Capital diễn ra trong bối cảnh thị giá cổ phiếu doanh nghiệp bán lẻ này tăng vọt và liên tiếp lập đỉnh cao mới về giá. Chốt phiên 1/3, thị giá FRT đạt 141.000 đồng/cp, giảm nhẹ gần 3% so với đỉnh lịch sự thiết lập phiên liền trước 29/2 là 145.000 đồng/cp. Xét từ đầu năm 2024, thị giá FRT đã tăng gần 32%.
Không như diễn biến bùng nổ của cổ phiếu FRT trên sàn, tình hình kinh doanh của FPT Retail vẫn đang ghi nhận khó khăn. Công ty thua lỗ trong toàn bộ 4 quý năm 2023, tổng cộng lỗ sau thuế cả năm 346 tỷ đồng, đánh dấu năm lỗ đầu tiên kể từ khi lên sàn.
Điểm sáng nằm ở doanh thu khi tổng doanh thu cả năm 2023 đạt gần 32.000 tỷ đồng, tăng 6% và cao nhất trong lịch sự, chủ yếu nhờ động lực là chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu.
An ninh Tiền tệ