Rủi ro từ đặt lệnh bằng robot

Đặt lệnh bằng robot có thể dẫn đến việc đổ vỡ dây chuyền khi thị trường diễn biến xấu Trong bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) liên tục có những đợt biến động mạnh, bất thường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) mới đây đã có văn bản…

Fatz Admin lúc 2023-10-19

Đặt lệnh bằng robot có thể dẫn đến việc đổ vỡ dây chuyền khi thị trường diễn biến xấu

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) liên tục có những đợt biến động mạnh, bất thường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) mới đây đã có văn bản yêu cầu các công ty chứng khoán rà soát và dừng ngay việc sử dụng robot đặt lệnh giao dịch chứng khoán tần suất lớn gây nhiễu loạn thị trường. Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCKNN, về vấn đề này cùng một số nội dung liên quan đến nâng hạng TTCK Việt Nam.

* Phóng viên:Ông có thể cho biết việc các công ty chứng khoán sử dụng robot đặt lệnh giao dịch diễn ra từ khi nào? Vì sao chúng ta cấm khi đây là xu thế của công nghệ mới?

– Ông PHẠM HỒNG SƠN: Việc sử dụng robot để đặt lệnh hoặc cung cấp dịch vụ áp dụng công nghệ này là hành động tự phát của một số công ty chứng khoán. Robot đặt lệnh có thể hiểu đơn giản là việc sử dụng các phần mềm giao dịch tự động theo các điều kiện được thiết lập sẵn về giá, khối lượng, thời gian đặt lệnh… Công nghệ này đã được một số TTCK trên thế giới thử nghiệm hoặc đã áp dụng nhưng ở mức độ nào còn tùy thuộc vào điều kiện pháp lý cũng như hạ tầng công nghệ của từng thị trường.

QUẢNG CÁO
Rủi ro từ đặt lệnh bằng robot - Ảnh 1.

Ông PHẠM HỒNG SƠN

Việc đặt lệnh bằng robot làm gia tăng lệnh đột biến từ các công ty chứng khoán vào Sở Giao dịch Chứng khoán trong cùng một thời điểm dẫn đến số lệnh vào sàn vượt quá năng lực thiết kế của cả hệ thống, gây hiện tượng quá tải hệ thống. Bên cạnh đó, việc này còn gây ra nguy cơ dẫn đến việc đổ vỡ dây chuyền khi TTCK diễn biến xấu, từ đó tác động tiêu cực đến việc quản trị rủi ro của công ty chứng khoán.

Do đó, để phù hợp với các điều kiện thực tiễn và bảo đảm sự thông suốt, ổn định của thị trường Việt Nam, UBCKNN đã yêu cầu các công ty chứng khoán cần tạm dừng việc sử dụng công nghệ này. Trong thời gian tới, khi hạ tầng công nghệ đáp ứng, cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu và có quy định pháp lý để áp dụng ở mức độ phù hợp với thị trường.

* Liên quan đến việc nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi, được biết UBCKNN vừa tổ chức một hội nghị giới thiệu thị trường Việt Nam với các nhà đầu tư quốc tế tại Hồng Kông (Trung Quốc). Ông có thể cho biết kết quả của hội nghị này?

– Theo đánh giá của Hiệp hội Các Thị trường tài chính và chứng khoán châu Á (ASIFMA), Việt Nam đã và đang là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Việt Nam cũng là quốc gia được hưởng lợi từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu và tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng. Các nhà đầu tư toàn cầu tiếp tục tăng cường đầu tư vào châu Á và Việt Nam là điểm đến đầu tư nổi bật trong tương lai ở châu Á, khi nỗ lực cải cách thị trường của cơ quan quản lý sẽ giúp các nhà quản lý quỹ toàn cầu tiếp cận Việt Nam dễ dàng hơn.

Rủi ro từ đặt lệnh bằng robot - Ảnh 2.

Thị trường chứng khoán những ngày qua tiếp tục biến động rất mạnh, ảnh hưởng lớn đến tâm lý các nhà đầu tư Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trong bối cảnh đó, UBCKNN đã tổ chức hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư, tổ chức và các đối tác tại Hồng Kông với chủ đề “Khai mở tiềm năng TTCK Việt Nam – hướng tới vị thế thị trường mới nổi”. Mục tiêu chính của hội nghị là nhằm gặp gỡ, trao đổi với các nhà đầu tư tài chính, các tổ chức đầu tư quốc tế, các tổ chức cung cấp chỉ số/xếp hạng TTCK, các ngân hàng lưu ký toàn cầu tại Hồng Kông về các giải pháp, nỗ lực của các cơ quan quản lý trong thời gian vừa qua nhằm tháo gỡ những vấn đề trong việc xét nâng hạng TTCK Việt Nam.

Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao và thực sự mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư tại TTCK Việt Nam. Những vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm và đặt ra đối với Việt Nam là cần tiếp tục thúc đẩy một thị trường vốn minh bạch, lành mạnh và tạo thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư nước ngoài. Các tổ chức cung cấp chỉ số FTSE Russell và MSCI cũng đánh giá cao những nỗ lực của UBCKNN trong thời gian qua, đồng thời mong muốn thấy được những thay đổi thực tiễn của Việt Nam trong việc tháo gỡ những vấn đề liên quan đến yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và giới hạn tỉ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty đại chúng.

* Vậy kế hoạch tiếp theo trong mục tiêu nâng hạng thị trường là gì, thưa ông?

– Về các hoạt động tiếp theo cho mục tiêu nâng hạng thị trường, UBCKNN đang tích cực phối hợp với các cơ quan, các tổ chức có liên quan, các thành viên thị trường để có những giải pháp giải quyết đối với từng nhóm vấn đề. Bên cạnh đó cũng cần có sự chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng cơ sở vật chất và năng lực quản lý, vận hành thị trường để đáp ứng yêu cầu khi được nâng hạng.

Dự kiến, sau khi TTCK được nâng hạng sẽ có sự gia tăng mạnh về luồng vốn đầu tư gián tiếp vào thị trường vốn, điều này đòi hỏi hạ tầng công nghệ thông tin, các hệ thống quản trị, vận hành tại các sở giao dịch chứng khoán, Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam cũng như năng lực của cán bộ từ cơ quan quản lý giám sát đến các tổ chức vận hành thị trường và thành viên thị trường phải được chuẩn bị và đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường khi đó. 

Chứng khoán tiếp tục bị xả hàng

Phiên giao dịch chứng khoán ngày 18-10, nhà đầu tư tiếp tục bán mạnh cổ phiếu khiến thị trường giảm điểm rất sâu. VN-Index có lúc giảm tới 33 điểm, dễ dàng xuyên thủng mốc 1.100 điểm và lao xuống 1.088 điểm. Tuy nhiên, khác phiên trước, dòng tiền bắt đáy trở lại mạnh mẽ, giúp thị trường thu hẹp đáng kể đà giảm, thanh khoản cũng được cải thiện với khối lượng và giá trị giao dịch lần lượt vượt mốc 1 tỉ cổ phiếu và 20.000 tỉ đồng.

Cụ thể, khối lượng giao dịch sàn HoSE đạt 1,04 tỉ cổ phiếu, tương đương giá trị đạt 21.854 tỉ đồng. Tính trên toàn thị trường, tổng giá trị giao dịch đạt 25.370 tỉ đồng.

VN-Index thu hẹp mức giảm còn 18,25 điểm (-1,63%) lúc đóng cửa và chốt ở 1.103,4 điểm; HNX-Index giảm mạnh 1,27% còn 227,11 điểm, trong khi Upcom-Index giảm 0,7 điểm về 85,95 điểm.

Các nhóm ngành đồng loạt giảm điểm mạnh như bất động sản, thép, dầu khí, chứng khoán… Sắc xanh le lói ở một vài nhóm cổ phiếu như SSI, PVD, VND…

Ông Nguyễn Huy Phương, Phó Phòng Tư vấn khách hàng cá nhân – Công ty Chứng khoán Rồng Việt, cho biết sức mua tăng mạnh vào những phút chót của phiên 18-10 đã thu hẹp mức giảm điểm của VN-Index. Tín hiệu này có thể giúp thị trường tạm thời ổn định và hồi phục trở lại trong phiên tiếp theo. “Nhà đầu tư cần quan sát diễn biến cung cầu cổ phiếu để đánh giá lại trạng thái của thị trường, cân nhắc giữ tỉ trọng danh mục ở mức hợp lý để phòng ngừa rủi ro” – ông Phương khuyến cáo.

Tuy vậy, Công ty Chứng khoán VCBS nêu quan điểm nếu áp lực bán tiếp tục gia tăng thì chỉ số VN-Index có thể giảm về khu vực 1.085-1.070 điểm. “Nhà đầu tư chủ động nâng cao tỉ trọng tiền mặt, bán giảm những mã cổ phiếu đã xuống dưới vùng hỗ trợ và hạn chế giải ngân bắt đáy cổ phiếu” – ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích và nghiên cứu Công ty Chứng khoán VCBS, tư vấn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng Phòng Tư vấn đầu tư – Công ty Chứng khoán Thành Công (TCSC), nhận định thị trường chưa tìm được điểm dừng để phục hồi sau hai phiên giảm điểm rất mạnh. Sự biến động của giá cổ phiếu và thiếu vắng thông tin hỗ trợ làm tăng rủi ro cho nhà đầu tư ngắn hạn.

Th.Thơ

Theo Sơn Nhung

Người Lao động

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.