Với đa số ý kiến tán thành, sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra, tán thành việc bổ sung 2 dự án Luật là dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), dự án…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ và các cơ quan khẩn trương chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ trình để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trong phiên họp tháng 4/2023. Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Quốc phòng, An ninh chủ trì thẩm tra dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), giao Ủy ban Kinh tế chủ trì thẩm tra Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp.
Nhấn mạnh đây là nhiệm vụ rất quan trọng, Chủ tịch Quốc hội cho biết yêu cầu đặt ra đối với lần sửa đổi này là phải quy định minh bạch và xử lý cơ bản được triệt để tình trạng sở hữu chéo, sở hữu chéo núp bóng, xử lý được nợ xấu và lãi dự thu được trích lập trên cơ sở các khoản nợ xấu…
Bên cạnh đó là việc trích lập dự phòng, xem xét trích lập dự phòng khoản nào được coi là chi phí hợp lệ để tính thuế thu nhập, khoản nào phải trừ vào thu nhập sau thuế của doanh nghiệp, của ngân hàng; cùng với đó là xử lý tài sản bảo đảm trong điều kiện bình thường, điều kiện đặc biệt…
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng lần sửa đổi Luật lần này cần quy định rõ nét những nội dung như: fintech, ngân hàng số, cũng như vấn đề xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, thua lỗ, việc cho vay tái cấp vốn và cho vay đặc biệt, rút kinh nghiệm từ vụ phá sản Ngân hàng Thung lũng Sillicon (SVB) của Mỹ, từ đó sửa đổi Luật các Tổ chức tín dụng phải song hành với sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi.
Chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng hiện nay, nhất là trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc quản lý tài chính đối với các tổ chức tín dụng, cùng với đó là giám sát tài chính. Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng kinh nghiệm của Trung Quốc mới đây khi kiện toàn, chính phủ nước này đã thành lập cơ quan giám sát tài chính riêng trực thuộc Trung ương để giám sát toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
“Luật này cần phải được nghiên cứu, đánh giá rất kỹ lưỡng để làm sao góp phần tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng trong giai đoạn hiện nay, tăng cường độ an toàn của từng tổ chức cũng như toàn hệ thống và gia tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế nói chung của hệ thống tài chính ngân hàng nói riêng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại Phiên họp.
Đồng tình với với sự cần thiết để đưa Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật là rất cấp bách, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, khi tổng kết Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu, Quốc hội đã đồng ý kéo dài thời gian, thời hạn thực hiện Nghị quyết 42 đến hết 31/12/2023 và nếu không trình ra Kỳ họp thứ 5 để thông qua tại Kỳ họp thứ 6 sẽ có khoảng trống pháp lý đối với xử lý nợ xấu.
“Trong quá trình thẩm tra 6 chính sách của dự án luật đã đáp ứng các yêu cầu. Chúng tôi chỉ quan tâm một số các vấn đề giống như Ủy ban Pháp luật quan tâm đó là sự phù hợp giữa Báo cáo tổng kết đánh giá thực hiện Nghị quyết 42, Luật các Tổ chức tín dụng trong thời gian vừa qua. Có những việc, có những nội dung còn vướng mắc, bất cập nhưng trong Luật sửa đổi, bổ sung vẫn còn còn thiếu. Nếu không đưa vào cũng phải có cái báo cáo giải trình làm rõ hơn”, ông Thanh đề nghị.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Luật các Tổ chức tín dụng có liên quan trực tiếp tới khoảng 20 luật, trong đó có một số luật đã trình để Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới, như các Luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản… Vì vậy, ông đề nghị Ban soạn thảo quan tâm rà soát để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.
Liên quan đến luật hóa một số quy định trong quá trình thí điểm thực hiện Nghị quyết 42, ông Thanh đề nghị những nội dung nào đã được thực tiễn kiểm nghiệm thì cần phải đưa vào Luật. Tuy nhiên qua quá trình làm việc, ông thấy có rất nhiều chính sách mới. Nghị quyết 42 khi triển khai thí điểm liên quan đến rất nhiều luật khác nhau và liên quan đến trách nhiệm của rất nhiều các cơ quan liên quan. Trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết 42, giữa các cơ quan cũng còn những ý kiến khác nhau trong vấn đề này. Vì vậy, thời gian tới cũng phải làm rõ để tạo sự thống nhất chung. Tinh thần là những gì đã “chín”, đã rõ thì đưa vào Luật, còn những gì chưa chưa tạo sự đồng thuận thì tiếp tục nghiên cứu.
Liên quan đến vấn đề cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý các cái tổ chức tín dụng yếu kém, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết thời gian vừa qua, chúng ta đã có Đề án 1468 nhưng qua theo dõi cho thấy thực hiện khá chậm. Ban soạn thảo cần phải làm rõ trong quá trình đưa các tổ chức tín dụng, ngân hàng yếu kém vào mua bắt buộc, kiểm soát đặc biệt thì chúng ta xử lý được những vấn đề gì, những vướng mắc gì do pháp luật; hay trong cái quá trình tổ chức thực hiện thì cần đưa quy định gì trong Luật này.
“Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến cơ chế cho vay, đặc biệt là không có tài sản bảo đảm thì cần đặt trong trường hợp như thế nào, mức độ cho vay là bao nhiêu và tính an toàn của cả hệ thống như thế nào,… rồi trách nhiệm của các bên liên quan đến tiền của xã hội, tiền của nhân dân như thế nào”, ông Thanh phát biểu.
Thời báo ngân hàng