(KTSG) – Sự lệch pha, hay nói đúng hơn là tình trạng ngược pha ở giá giao dịch đô la Mỹ giữa thị trường chính thức và phi chính thức đang trở nên sâu sắc hơn. Trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ trong nước vẫn dồi dào, điều gì…
(KTSG) – Sự lệch pha, hay nói đúng hơn là tình trạng ngược pha ở giá giao dịch đô la Mỹ giữa thị trường chính thức và phi chính thức đang trở nên sâu sắc hơn. Trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ trong nước vẫn dồi dào, điều gì đang diễn ra và tác động đến xu hướng này?
Ngược pha tỷ giá
Chỉ trong hai ngày cuối tuần trước (28 và 29-9-2024), giá đô la Mỹ trên thị trường phi chính thức đã tăng vọt 330 đồng, gần như lấy lại những gì đã mất trong nửa đầu tháng 9-2024. Tính chung cả tuần, giá đô la Mỹ trên thị trường phi chính thức đã tăng đến 270 đồng, phát tín hiệu đảo chiều xu hướng giảm giá thiết lập từ đầu quí 3 đến nay. Theo đó, giá mua vào đô la Mỹ đã tăng trở lại trên mốc 25.000 đồng/đô la từ ngày 25-9, hiện giao dịch quanh 25.200 đồng/đô la, còn giá bán ra ở mức 25.300 đồng/đô la.
Đây là diễn biến khá bất ngờ, khi hầu hết nhận định gần đây đều cho rằng tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng sẽ không còn chịu áp lực tăng, sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chính thức khởi động lộ trình nới lỏng chính sách tiền tệ bằng động thái giảm mạnh 0,5 điểm phần trăm lãi suất cơ bản đô la Mỹ trong cuộc họp tháng 9 vừa qua. Thậm chí, một số dự báo còn tin rằng đà tăng giá của tiền đồng sẽ còn được duy trì cho đến hết năm nay.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là trái với diễn biến bật tăng mạnh trên thị trường phi chính thức, giá đô la Mỹ giao dịch trên thị trường chính thức vẫn khá ổn định và duy trì xu hướng đi xuống. Cụ thể, tỷ giá trung tâm đô la Mỹ/tiền đồng kết thúc tháng 9 với mức giảm 131 đồng, nâng mức giảm trong ba tháng gần nhất lên 167 đồng, theo đó so với đầu năm chỉ còn tăng 207 đồng, tương đương mức tăng 0,87%. Giá bán ra tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước cũng giảm 138 đồng trong tháng 9 và chỉ còn tăng 238 đồng, tương đương tăng 0,95% so với đầu năm.
Xu thế tương tự cũng diễn ra tại các ngân hàng thương mại. Đơn cử như giá mua vào và bán ra đô la Mỹ của Vietcombank tính đến ngày 30-9 ghi nhận mức giảm lần lượt là 310 đồng và 320 đồng so với cuối tháng 8, đánh dấu tháng thứ 3 đi xuống liên tiếp đồng thời nâng mức giảm lũy kế trong quí 3 này lên con số 853 đồng và 743 đồng. So với đầu năm, mức tăng thu hẹp chỉ còn 1,3%, giảm đáng kể từ mức đỉnh cao gần 5% giai đoạn tháng 5 và tháng 6.
Sự lệch pha, hay nói đúng hơn là tình trạng ngược pha ở giá giao dịch đô la Mỹ giữa thị trường chính thức và phi chính thức đang trở nên sâu sắc hơn. Trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ trong nước vẫn dồi dào, đến từ thặng dư thương mại hàng hóa khổng lồ và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, điều gì đang diễn ra và tác động đến xu hướng này?
Cần biết rằng đô la Mỹ trên thị trường quốc tế không có nhiều biến động mạnh trong thời gian gần đây, với chỉ số USD Index vẫn đang trong xu hướng đi xuống, nên rõ ràng không thể tác động đến diễn biến tăng nhanh trở lại của đô la Mỹ trên thị trường phi chính thức trong nước. Hiện chỉ số này vẫn đang trên đường giảm về mốc 100 từ mức gần 102 điểm thời điểm đầu tháng 9.
Động lực phía sau?
Một diễn biến cần lưu ý là đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sau giai đoạn tăng giá so với đô la Mỹ từ đầu tháng 7 đến nay, đã có dấu hiệu giảm trở lại từ ngày 26-9 đến nay, cùng thời điểm với việc giá đô la Mỹ trên thị trường phi chính thức bật tăng trở lại. Việc Trung Quốc mới đây công bố gói kích thích kinh tế lớn nhất kể từ đại dịch Covid-19, đồng thời cắt giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc, có thể lại gây áp lực giảm giá lên nhân dân tệ.
Vừa là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam vừa là đối thủ cạnh tranh xuất khẩu một số mặt hàng trên thị trường quốc tế, sự suy yếu trở lại của nhân dân tệ tất yếu sẽ có những tác động nhất định lan tỏa đến tiền đồng. Điều này đã từng diễn ra trong quá khứ. Theo đó, nếu nhân dân tệ mất giá nhưng tiền đồng lại tăng giá thì sẽ làm giảm đáng kể lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, trong khi càng kích thích hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đổ vào vì giá rẻ hơn.
Ở một góc nhìn khác, tiền đồng sau khi đã tăng giá mạnh so với đô la Mỹ trên thị trường phi chính thức kể từ đầu quí 3, với mức tăng ghi nhận lên đến 3,9% tính đến giữa tháng 9 vừa qua, một sự điều chỉnh giảm trở lại nếu diễn ra cũng là điều bình thường, nhất là khi càng về cuối năm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh hơn. Thực tế, trong nửa cuối tháng 9 mức giảm của tiền đồng cũng chỉ quanh 1,2%.
Một yếu tố tác động khó lường hơn có thể đến từ xu hướng giá vàng tăng mạnh trong những ngày vừa qua. Giá vàng quốc tế giao ngay hôm cuối tuần đã có lúc leo lên mức cao nhất mọi thời đại tại 2.686 đô la Mỹ/ounce, tiếp tục tăng gần 7,5% so với cuối tháng 8, kéo theo giá vàng miếng SJC trong nước dù đã có bước điều chỉnh từ giữa tháng 9, nhưng cũng chỉ mới lên mức 81,5 triệu đồng/lượng ở giá mua vào và 83,5 triệu đồng/lượng ở giá bán ra.
Trong khi đó, do không bị điều chỉnh bởi giá bán bình ổn theo cơ quan quản lý, giá vàng nhẫn vẫn duy trì xu hướng tăng mạnh trong những tháng qua và lần đầu tiên trong lịch sử đã leo lên mức giá ngang bằng với giá vàng miếng SJC. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này khả năng là do nhà đầu tư trên thị trường vàng trong nước gặp nhiều khó khăn trong việc mua vàng miếng SJC, nên đã chuyển sang mua vàng nhẫn và do đó đẩy giá mặt hàng này liên tục leo cao.
Dù vậy, không loại trừ khả năng nhu cầu nắm giữ vàng miếng SJC vẫn đang rất cao, nên khi không thể mua được tại các ngân hàng và tổ chức được giao nhiệm vụ bán vàng bình ổn, nhiều người có thể đã tìm đến các thị trường phi chính thức. Ngoài ra, giá vàng miếng SJC bán ra nếu chỉ ở mức 83,5 triệu đồng/lượng, so với mức đỉnh giá vàng thế giới đạt được trong ngày 27-9 là 2.686 đô la Mỹ/ounce, quy đổi theo tỷ giá tự do và đã bao gồm các loại phí, thì chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và thế giới còn chưa đến 2 triệu đồng/lượng.
So với mức chênh lệch giữa hai thị trường từng có lúc lên đến gần 18 triệu đồng/lượng vào tháng 5 năm nay, mức chênh lệch thu hẹp đáng kể như trên rõ ràng rất hấp dẫn và sẽ càng kích thích nhà đầu tư tìm cách mua vàng miếng, nhất là khi đang có những dự báo cho rằng giá vàng thế giới có thể chạm mốc 3.000 đô la Mỹ/ounce trong thời gian tới, tương đương với giá vàng quy đổi có thể lên 93-95 triệu đồng/lượng.
Trước tình hình cung cầu trên thị trường chính thức không thể gặp nhau tại mức giá vàng miếng như hiện nay, cũng như giá vàng nhẫn liên tục leo cao, có thể đang có hiện tượng gom đô la Mỹ để nhập lậu vàng nhằm đáp ứng nhu cầu, bất chấp những động thái thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý thời gian qua. Điều này phần nào lý giải xu hướng giá đô la Mỹ tự do leo thang trở lại, trong khi giá tại các ngân hàng vẫn ổn định. Và nếu tình hình này tiếp tục – giá vàng thế giới vẫn còn tăng mạnh và cung cấp vàng trong nước mất cân bằng, áp lực lên giá đô la Mỹ trong nước có thể kéo dài hơn.