Phía sau diễn biến tăng trưởng cung tiền

(KTSG) – Tổng phương tiện thanh toán (M2) hay cung tiền của nền kinh tế có sự biến thiên khá lớn trong những năm gần đây. Động lực nào đã tác động lên xu hướng này và có gì đáng lưu ý trong thời gian gần đây? Khi dòng tiền…

Fatz Admin lúc 2024-06-21

(KTSG) – Tổng phương tiện thanh toán (M2) hay cung tiền của nền kinh tế có sự biến thiên khá lớn trong những năm gần đây. Động lực nào đã tác động lên xu hướng này và có gì đáng lưu ý trong thời gian gần đây?

Khi dòng tiền gửi rút ra từ SCB chạy sang các ngân hàng khác có thể đã góp phần đẩy M2 tăng nhanh hơn trong giai đoạn cuối năm 2023. Ảnh: LÊ VŨ

Yếu tố tác động đến M2?

Theo định nghĩa của Tổng cục Thống kê, công thức tính tổng phương tiện thanh toán (M2) gồm tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng; các khoản tiền gửi (gồm không kỳ hạn, có kỳ hạn và tiết kiệm) tại các tổ chức tín dụng (TCTD) và các loại giấy tờ có giá (GTCG) do các TCTD phát hành. Trong đó, tiền mặt được tính bằng hiệu số giữa tổng số tiền do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hành và tiền mặt tồn quỹ tại NHNN, Kho bạc Nhà nước và tại các TCTD(1).

QUẢNG CÁO

Đây cũng là các khoản mục nằm bên phía tài sản nợ trong bảng cân đối kế toán hợp nhất của ngân hàng trung ương (NHTƯ) và các TCTD. Thông thường tiền mặt trong lưu thông, mà tùy thuộc vào tốc độ phát hành của NHNN, chiếm một tỷ trọng không đáng kể trong M2, như thời điểm cuối năm 2023 là 8,9%. Đáng lưu ý tỷ lệ này có xu hướng giảm dần trong những năm qua do xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến. Theo đó, tốc độ tăng trưởng huy động vốn của toàn hệ thống và tăng trưởng M2 sẽ có xu hướng song hành với nhau nhiều hơn.

Nếu nhìn bên phía tài sản có của bảng cân đối kế toán hợp nhất này, các yếu tố sẽ ảnh hưởng đến cung tiền rộng M2 bao gồm tài sản nước ngoài ròng (NFA) và tài sản nội địa ròng (NDA). Trong đó, NDA được cấu thành bởi (1) tín dụng nội địa ròng (NDC) gồm cho vay khu vực chính phủ ròng (NCG) và cho vay khu vực tư nhân (CPS); (2) các khoản mục khác ròng (OIN) – thường không phải là nhóm quan trọng và chỉ phản ánh những khoản mục chưa được gán cho NFA và NDA.

Nhìn lại trong năm năm gần nhất, năm 2019 và 2020 M2 tăng khá mạnh, lần lượt là 14,8% và 14,5%; nhưng đến năm 2021 tốc độ tăng chậm lại còn 10,7% và đặc biệt năm 2022 chỉ tăng vỏn vẹn 6,2%, thấp nhất trong nhiều năm qua. Đến năm 2023, tốc độ tăng M2 leo lên lại mức gần 12,5%, đáng chú ý chỉ riêng trong tháng 12-2023 tăng vọt thêm 4,2%.

Như vậy, khi NFA tăng, thể hiện qua thặng dư cán cân thanh toán tổng thể (BOP) tăng, hay nói cách khác là dự trữ ngoại hối gia tăng, M2 sẽ tăng. Chi tiết hơn, BOP lại phụ thuộc lớn vào cán cân thương mại hàng hóa và dòng vốn đầu tư nước ngoài, bên cạnh các hoạt động kiều hối, vay trả nợ nước ngoài của Chính phủ. Ngoài ra, một yếu tố ảnh hưởng đáng chú ý khác là lỗi và sai sót, mà tùy thuộc vào khả năng kiểm soát của các cơ quan quản lý về các hoạt động chuyển ngân lậu, nhập lậu hàng hóa và tình trạng găm giữ ngoại tệ không gửi vào ngân hàng.

Tương tự, khi NDA tăng, chủ yếu phụ thuộc vào việc các ngân hàng mở rộng tín dụng cho khu vực tư nhân hay cho Chính phủ, cũng giúp thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của M2. Ngược lại, khi NFA giảm hay tăng trưởng tín dụng trong nền kinh tế chậm lại, tất yếu làm hạn chế tốc độ tăng của M2. Hoặc cũng có thể nói ngược lại khi M2 bị kiểm soát chặt chẽ, tăng trưởng huy động vốn đầu vào của các ngân hàng bị hạn chế, tăng trưởng tín dụng theo đó cũng bị ảnh hưởng tiêu cực.

Xu hướng những năm qua

Nhìn lại trong năm năm gần nhất, năm 2019 và 2020 M2 tăng khá mạnh, lần lượt là 14,8% và 14,5%; nhưng đến năm 2021 tốc độ tăng chậm lại còn 10,7% và đặc biệt năm 2022 chỉ tăng vỏn vẹn 6,2%, thấp nhất trong nhiều năm qua. Đến năm 2023, tốc độ tăng M2 leo lên lại mức gần 12,5%, đáng chú ý chỉ riêng trong tháng 12-2023 tăng vọt thêm 4,2%.

Lý giải cho sự biến thiên này, qua quan sát cán cân thanh toán tổng thể và tăng trưởng tín dụng sẽ phần nào cho thấy những yếu tố tác động. Cụ thể, năm 2019 và 2020 ngoài sự đóng góp của tăng trưởng tín dụng với tốc độ tăng tương ứng là 13,6% và 12,2%, NFA của hai năm này cũng tăng mạnh thể hiện qua dự trữ ngoại hối tăng lần lượt là hơn 23,2 tỉ đô la Mỹ và 16,6 tỉ đô la Mỹ.

Đến năm 2021, tốc độ tăng M2 chậm hơn, vì dù tăng trưởng tín dụng cả năm vẫn đạt 13,6%, nhưng cán cân thanh toán tổng thể chỉ còn thặng dư 14,3 tỉ đô la Mỹ. Đáng lưu ý, nếu nhìn ở phía tài sản nợ, tăng trưởng huy động vốn của toàn ngành chỉ đạt 10,3%, khá gần với mức tăng 10,7% của M2. Những thiệt hại nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 trong giai đoạn cao điểm năm 2021 không chỉ ảnh hưởng lên nhu cầu vốn mà còn tác động đến tăng trưởng tiền gửi của các ngân hàng, khi thu nhập người lao động giảm sút, cộng thêm sự tăng cường tích trữ tiền mặt để ứng phó với đại dịch khiến vòng quay tiền tệ cũng chậm lại.

Sang năm 2022, M2 đặc biệt tăng rất thấp khi tăng trưởng tín dụng dù được báo cáo lên tới 14,2%, nhưng BOP bị thâm hụt hơn 22,7 tỉ đô la Mỹ, bất chấp thặng dư cán cân thương mại hàng hóa và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam vẫn mạnh mẽ. Ngoài việc NHNN phải sử dụng dự trữ ngoại hối để bán can thiệp hỗ trợ kiềm chế tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng, lỗi và sai sót trong năm này cũng lên mức kỷ lục hơn 31,1 tỉ đô la Mỹ. Đây cũng là năm mà hệ thống tài chính chứng kiến tắc nghẽn vốn ở nhiều khu vực, sau khi xảy ra sự kiện Vạn Thịnh Phát và SCB.

M2 trong năm 2023 vừa qua đã phục hồi mạnh trở lại, với tăng trưởng tín dụng đạt gần 13,8%, trong khi BOP chỉ còn thâm hụt 5,6 tỉ đô la Mỹ, phần nào nhờ lỗi và sai sót cũng giảm mạnh xuống còn 16,6 tỉ đô la Mỹ, cộng thêm xuất siêu kỷ lục và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ròng cũng lên mức kỷ lục. Đáng lưu ý, huy động vốn trong năm 2023 vừa qua của toàn hệ thống tăng mạnh 13,2%, trong đó riêng tháng 12-2023 tăng đến 4%; còn tín dụng riêng tháng 12-2023 cũng tăng mạnh thêm 4,2%, góp phần dẫn đến tốc độ tăng vọt của M2 trong tháng cuối năm.

Diễn biến tăng vọt của cả ba chỉ số M2, huy động vốn và tín dụng trong tháng cuối năm 2023 có sự liên hệ chặt chẽ với nhau. Một hãng truyền thông nước ngoài gần đây đưa tin nhà điều hành đã hỗ trợ cho SCB vay một lượng vốn lớn từ cuối năm ngoái đến nay để đáp ứng thanh khoản, chi trả cho người gửi tiền. Nếu quan sát thị trường từ cuối năm ngoái đến nay, thể hiện qua việc SCB liên tục thu hẹp mạng lưới đồng thời giảm mạnh lãi suất tiền gửi từ giữa tháng 12-2023 và duy trì ở mức thấp kỷ lục ngang với nhóm Big 4 cho đến nay, đã phần nào phản ánh luận điểm này.

Đây có lẽ cũng là yếu tố đẩy tăng trưởng huy động vốn của hệ thống nói chung và nhiều ngân hàng nói riêng tăng vọt trong năm 2023, tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất tiền gửi giảm liên tục về mức thấp kỷ lục trong nhiều năm, khi dòng tiền gửi rút ra từ SCB sẽ tìm đường đổ sang các ngân hàng khác khiến thanh khoản hệ thống trở nên dồi dào hơn rất nhiều và buộc các ngân hàng này phải tìm cách đẩy vốn ra hoặc hạ lãi suất xuống.

Ngoài ra, về cơ bản, khi NHNN cho SCB vay, lượng tiền gửi SCB sụt giảm tương ứng với số dư tăng thêm tại các ngân hàng khác, nên được hiểu là sẽ không làm tăng M2, vì các khoản cho vay của NHTƯ đối với các TCTD sẽ bị loại trừ khi hợp nhất các bảng cân đối kế toán của NHTƯ và các TCTD.

Tuy nhiên, cũng cần biết rằng khi dòng tiền gửi từ SCB chuyển dịch sang các ngân hàng khác, các ngân hàng này sẽ có thêm nguồn vốn để phát triển tín dụng sau khi đã đáp ứng tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Với cơ chế hoạt động của số nhân tiền tệ – mô tả cách để một lượng tiền gửi ban đầu tại các TCTD dẫn đến sự gia tăng lớn hơn trong tổng cung tiền, lượng vốn được bơm thêm từ nhà điều hành cho SCB và dòng tiền gửi từ SCB chạy sang các ngân hàng khác có thể đã góp phần đẩy M2 tăng nhanh hơn trong giai đoạn cuối năm 2023.

(1) https://www.gso.gov.vn/du-lieu-dac-ta/2023/01/htcttkqg-tong-phuong-tien-thanh-toan/

Thụy Lê

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.