Đây là năm thứ 2 liên tiếp ông chủ trà bí đao Wonderfarm dốc hầu bao chia cổ tức cho cổ đông sau khi xoá hết lỗ luỹ kế năm 2021. IFS: CTCP Thực phẩm Quốc tế (Interfood – mã IFS) vừa công bốc tài liệu họp Đại hội đồng…
CTCP Thực phẩm Quốc tế (Interfood – mã IFS) vừa công bốc tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 dự kiến diễn ra ngày 19/4, trong đó đáng chú ý có nội dung liên quan đến kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông.
Cụ thể, IFS dự kiến sẽ dùng gần như toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2023 (209 tỷ đồng) để chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 24% bằng tiền. Lợi nhận sau thuế sau khi phân phối chỉ vỏn vẹn hơn 30 triệu đồng. Phần lớn cổ tức sẽ chảy về túi cổ đông nước ngoài Kirin Holdings Singapore Pte. Ltd khi tổ chức này đang nắm đến gần 96% cổ phần của IFS.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp doanh nghiệp này dốc hầu bao chia cổ tức sau khi xoá hết lỗ luỹ kế. Năm 2022 trước đó, IFS cũng đã dùng gần như toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (gần 156 tỷ đồng) tại ngày cuối năm để chia cổ tức với tỷ lệ 17,8% bằng tiền, chỉ để lại gần 600 triệu đồng.
IFS là doanh nghiệp FDI, hoạt động tại Việt Nam từ 1991 trong lĩnh vực chế biến nông sản và thủy sản đóng hộp để xuất khẩu. Sau hơn một thập kỷ, công ty mở rộng kinh doanh bằng việc tăng vốn đầu tư lên 23 triệu USD, gấp 20 lần ban đầu để thâm nhập vào thị trường nước ép trái cây và bánh quy. Đến năm 2005, Interfood chính thức chuyển mô hình hoạt động sang công ty cổ phần, với tổng vốn đầu tư tăng lên 30 triệu USD.
Sau giai đoạn “ăn nên, làm ra”, tình hình kinh doanh của IFS bắt đầu đi xuống khi tập trung thực hiện nhiều kế hoạch cải tổ doanh nghiệp. Sự kiện đóng cửa nhà máy chính để chuyển sang hoạt động ở địa điểm mới, cộng thêm sự trỗi dậy của nhiều thương hiệu bánh kẹo và nước giải khát nước ngoài khiến doanh nghiệp đánh mất thị phần và thua lỗ.
Bước ngoặt đến khi Kirin (Tập đoàn sản xuất thực phẩm lớn tại Nhật Bản) tham gia tái cấu trúc thông qua việc tăng tỷ lệ sở hữu lên 95,66% và đồng ý thực hiện các khoản vay nội bộ để giải quyết nợ ngân hàng. Sau khi trải qua giai đoạn khủng hoảng trầm trọng từ 2008-2015, với 7/8 năm thua lỗ, Interfood dưới bàn tay tái cấu trúc của tập đoàn Kirin bắt đầu có lãi từ năm 2016.
Năm 2023 vừa qua, IFS ghi nhận doanh thu thuần lập kỷ lục với 1.868 tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước. Trong đó doanh thu từ nước giải khát gần 1.648 tỷ, chiếm đến 88% tỷ trọng tổng doanh thu, còn lại tới từ thực phẩm đống hộp (342 tỷ) và bán phế liệu (5,5 tỷ). Sau khi trừ chi phí, IFS lãi sau thuế 209 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 34% so với năm 2022.
Bước sang năm 2024, IFS đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 1.993 tỷ đồng, tăng gần 7% so với thực hiện 2023 và là mức cao nhất từ khi hoạt động. Tuy nhiên, doanh nghiệp khá thận trọng với mục tiêu lợi nhuận khi lên kế hoạch lãi ròng chỉ khoảng 192 tỷ đồng, giảm 8% so với thực hiện năm 2023.
IFS cho biết, công ty đặt mục tiêu đạt được mức tăng trưởng cao hơn thị trường và tăng doanh số bán hàng cho các thương hiệu ưu tiên của chúng tôi, trà Bí Đao, Ice+ và Latte, bằng cách đưa ra tuyên bố về giá trị rõ ràng và tối đa hóa điểm tiếp xúc với khách hàng thông qua các chiến lược tiếp thị hiệu quả. Ngoài ra, IFS tiếp tục mở rộng kinh doanh sản phẩm iMUSE với chức năng góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân Việt Nam.
Về cơ sở vật chất của nhà máy, IFS cho biết sẽ đầu tư vào thiết bị,… cho phép công ty duy trì chất lượng và tăng doanh số bán hàng dựa trên khối lượng hàng bán gần đây và năng lực sản xuất trung và dài hạn. Đồng thời, công ty tiếp tục xây dựng cơ cấu SCM (quản lý chuỗi cung ứng) ổn định và hiệu quả hơn bên cạnh các giải pháp CNTT.
Bên cạnh đó, IFS còn cho biết, do chi phí đầu vào và chi phí nhân sự tăng lên trong những năm gần đây, việc tạo ra đủ lợi nhuận chỉ bằng cách tăng khối lượng bán hàng và giảm chi phí ở một mức độ nhất định là không thể. Trên cơ sở đảm bảo một mức lợi nhuận nhất định, để liên tục xây dựng nền tảng kinh doanh, kiếm lợi nhuận và đầu tư cho sự phát triển trong tương lai, công ty cũng phải đối mặt với thách thức giảm chi phí trên toàn công ty.
An ninh Tiền tệ