(KTSG) – Xu hướng nợ xấu tăng dường như chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu. Do đó, nếu không sớm có giải pháp kiềm chế, ngăn chặn, “ung nhọt” nợ xấu sẽ quay trở lại gây nhức nhối cho nền kinh tế, kìm hãm tăng trưởng trong giai đoạn…
(KTSG) – Xu hướng nợ xấu tăng dường như chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu. Do đó, nếu không sớm có giải pháp kiềm chế, ngăn chặn, “ung nhọt” nợ xấu sẽ quay trở lại gây nhức nhối cho nền kinh tế, kìm hãm tăng trưởng trong giai đoạn kế tiếp.
600.000 tỉ đồng nợ xấu!
Đã có bảy ngân hàng để tỷ lệ nợ xấu nội bảng vượt ngưỡng 3%, trong số 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quí 1-2023, trong đó có những ngân hàng quy mô lớn và vừa.
Tổng nợ xấu của 28 ngân hàng này cũng tăng hơn 23% so với cuối năm 2022, lên mức hơn 172.000 tỉ đồng.
Nợ xấu có xu hướng gia tăng là mẫu số chung trong hoạt động của các ngân hàng ba tháng đầu năm nay, khi chỉ có vỏn vẹn ba ngân hàng giảm được nợ xấu so với đầu năm, tức 25 ngân hàng còn lại chứng kiến chất lượng tín dụng suy giảm.
Những số liệu công bố của cơ quan quản lý gần đây cũng đã khắc họa được bức tranh chung của ngành. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống cập nhật đến cuối tháng 2-2023 đã lên tới 2,91% từ mức 2% cuối năm 2022. Con số này đã gần gấp đôi so với cuối năm 2021. Đáng lưu ý, tổng nợ xấu gộp (nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng) đến cuối tháng 2-2023 ước chiếm 5% tổng dư nợ.
Nợ xấu mới phát sinh cộng với các khoản nợ tái cơ cấu bị chuyển thành nợ xấu khi hết thời hạn tái cơ cấu, cộng thêm tiến độ xử lý nợ xấu cũ bị chậm lại, đã gây áp lực đáng kể lên hoạt động của các ngân hàng.
Với dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế đến cuối tháng 2-2023 là hơn 12 triệu tỉ đồng, quy ra nợ xấu nội bảng tuyệt đối là gần 350.000 tỉ đồng, tăng hơn 111.000 tỉ đồng so với cuối năm 2022, tương đương tốc độ tăng 47%.
Đây là tốc độ tăng nhanh nhất trong nhiều năm trở lại đây. Còn nếu tính theo nợ xấu gộp như tiêu chí thống kê ở trên, con số nợ xấu là hơn 600.000 tỉ đồng.
Nếu nhìn vào dư nợ tín dụng hai tháng đầu năm nay của toàn ngành ngân hàng chỉ tăng thêm được gần 92.000 tỉ đồng và đến cuối tháng 4 là tăng ròng hơn 362.000 tỉ đồng, sẽ thấy áp lực từ con số nợ xấu gia tăng nặng nề ra sao.
Trong khi đó, Quyết định 689/QĐ-TTg ngày 8-6-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” đã đề ra mục tiêu: Đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh, phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức dưới 3%.
Như vậy, trong hơn hai năm tới, việc xử lý nợ xấu vẫn là nhiệm vụ trọng tâm đầy thách thức của ngành ngân hàng.
Trong ba tháng qua, khả năng nợ xấu đã tiếp tục đi lên trong bối cảnh nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, các điều kiện sản xuất kinh doanh bị thu hẹp và hoạt động của doanh nghiệp vẫn chìm trong muôn vàn khó khăn. Điều này cho thấy xu hướng tăng nợ xấu dường như chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu. Do đó nếu không sớm có giải pháp kiềm chế, ngăn chặn, “ung nhọt” nợ xấu sẽ quay trở lại gây nhức nhối cho nền kinh tế, kìm hãm tăng trưởng trong giai đoạn kế tiếp.
Xử lý nợ xấu cũ chưa xong, nợ xấu mới đã tới
Những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 từ ba năm trước tiếp tục kéo dài. Dù đại dịch Covid-19 hiện đã được bình thường hóa, nhưng những nguồn lực mà các doanh nghiệp đã tận dụng trong thời gian qua gần như đã cạn kiệt, trong khi việc tiêu thụ sản phẩm đầu ra của nhiều ngành, lĩnh vực tiếp tục gặp khó khăn, do đơn hàng sụt giảm, thắt chặt tiêu dùng ở thị trường trong nước lẫn quốc tế, việc tìm kiếm nguồn vốn tài trợ mới bị hạn chế bởi môi trường lãi suất và e ngại rủi ro.
Lãi suất cho vay tăng nhanh từ cuối năm 2022 đến quí 1-2023 ảnh hưởng lên thị trường bất động sản, khiến việc xử lý tài sản bảo đảm là nhà đất của các ngân hàng, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần tổ chức bán nợ theo giá thị trường, không còn dễ dàng như giai đoạn trước.
Hệ quả là không ít doanh nghiệp tồn tại được trong hơn hai năm dịch bệnh và vượt qua được giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài, nhưng giờ đây lại đứng trước nguy cơ sụp đổ. Theo đó, khả năng trả nợ vay hiện nay cũng bị suy giảm.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy bình quân mỗi tháng có đến 19.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong bốn tháng đầu năm nay là bức tranh thể hiện rõ nhất bối cảnh đầy khó khăn hiện nay.
Một số doanh nghiệp tuy đã bước đầu phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng thật sự vẫn chưa thể thoát khỏi khó khăn, nguồn lực chỉ đang ở thế cầm cự và vẫn chưa đủ khả năng hoàn trả các khoản nợ đã được cơ cấu lại cũng như các khoản nợ đến hạn.
Trong khi đó, chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN đã hết hiệu lực từ cuối tháng 6-2022.
Nợ xấu mới phát sinh cộng với các khoản nợ tái cơ cấu bị chuyển thành nợ xấu khi hết thời hạn tái cơ cấu, cộng thêm tiến độ xử lý nợ xấu cũ bị chậm lại, đã gây áp lực đáng kể lên hoạt động của các ngân hàng.
Lãi suất cho vay tăng nhanh từ cuối năm 2022 đến quí 1-2023 ảnh hưởng lên thị trường bất động sản, khiến việc xử lý tài sản bảo đảm là nhà đất của các ngân hàng, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần tổ chức bán nợ theo giá thị trường, không còn dễ dàng như giai đoạn trước.
Cần giải pháp đồng bộ
Nhận thấy áp lực nợ xấu đang tác động tiêu cực lên hoạt động của ngành ngân hàng nói riêng và tổng thể nền kinh tế, hoạt động của các doanh nghiệp nói chung, NHNN thời gian gần đây một mặt nỗ lực kéo lãi suất giảm trở lại bằng nhiều công cụ chính sách tiền tệ, mặt khác đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.
Có thể nói Thông tư 02/2023 là một bước chuyển tiếp cần thiết và kéo dài cho Thông tư 14/2021 đã kết thúc vào giữa năm 2022. Ngoài ra, để chuẩn bị cho việc Nghị quyết 42 của Quốc hội quy định về xử lý nợ xấu sẽ hết hiệu lực vào ngày 31-12-2023 mà có thể tạo ra những khoảng trống pháp lý, NHNN cũng đã bổ sung thêm một chương quy định về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến trong thời gian qua.
Giới phân tích cũng đề xuất cần sớm có khung pháp lý phát triển thị trường mua bán nợ xấu, do Việt Nam hiện nay vẫn chưa có một giao dịch mua bán nợ xấu nào đúng nghĩa thị trường mà chủ yếu là mua bán trên bảng cân đối kế toán giữa các ngân hàng và VAMC.
Cụ thể, ông Darryl Dong – chuyên gia cấp cao của IFC, đánh giá Việt Nam vẫn chỉ nằm ở vạch xuất phát trong việc mở cửa thị trường mua bán nợ xấu, với thị trường mua bán nợ chưa thực sự mở cửa cho các nhà đầu tư tham gia.
Về phần mình, các ngân hàng cũng đang tiếp tục đặt ra những mục tiêu tăng vốn điều lệ, thông qua hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận để lại sau trích lập các quỹ giai đoạn 2022-2023 nhằm gia tăng năng lực tài chính, dự phòng rủi ro trong bối cảnh nợ xấu tăng cao thời gian tới.
Các ngân hàng cũng nỗ lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng để tạo ra một bộ đệm an toàn hơn nhằm ứng phó với thách thức nợ xấu.
Cuối cùng, các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng được xem là cần thiết để kéo nền kinh tế sớm quay lại đà tăng trưởng mạnh mẽ, từ đó sẽ tạo ra môi trường kinh doanh và đầu tư hấp dẫn hơn, các thị trường hồi sinh, giúp hoạt động của các doanh nghiệp hồi phục nhanh hơn và thị trường việc làm sôi động hơn. Khi đó, khả năng trả nợ của chính các doanh nghiệp và người lao động được cải thiện, bài toán nợ xấu sẽ được hóa giải dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Kinh tế Sài Gòn Online