Những tác động tài chính từ vụ sụp đổ của SVB

(KTSG) – Sự sụp đổ bất ngờ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) tại Mỹ vừa khiến thị trường tài chính thế giới có một phen chao đảo. Dù vụ việc có thể không khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng như hồi năm 2008, những tác động mà nó…

Fatz Admin lúc 2023-03-18

(KTSG) – Sự sụp đổ bất ngờ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) tại Mỹ vừa khiến thị trường tài chính thế giới có một phen chao đảo. Dù vụ việc có thể không khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng như hồi năm 2008, những tác động mà nó gây ra sẽ là rất đáng kể.

Mối lo ngại về hiệu ứng domino

QUẢNG CÁO

Trong suốt nhiều tháng, các nhà đầu tư đã lo ngại rằng tốc độ tăng lãi suất nhanh nhất trong nhiều thập kỷ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đồng nghĩa với việc một thứ gì đó trong nền kinh tế có thể bị sụp đổ.

Câu trả lời rốt cuộc đã có vào thứ Sáu tuần trước (10-3-2023), khi Silicon Valley Bank (SVB)- ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ, chuyên phục vụ các công ty khởi nghiệp công nghệ và quỹ đầu tư mạo hiểm, xem như phá sản, đánh dấu vụ sụp đổ lớn thứ hai của một tổ chức tài chính trong lịch sử nước Mỹ, và là vụ sụp đổ lớn nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008.

Chưa dừng lại ở đó, đến cuối tuần, tới lượt Signature Bank – một ngân hàng thương mại chuyên hoạt động trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số cũng bị đóng cửa nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng ngân hàng lây lan.

Những vụ sụp đổ liên tiếp này, cùng với việc ngân hàng Silvergate phải đóng cửa hồi đầu tháng 2, đã khiến niềm tin của giới đầu tư vào nhóm cổ phiếu ngân hàng lung lay hơn bao giờ hết. Reuters ước tính, chỉ trong vòng hai ngày giao dịch cuối tuần trước, các ngân hàng Mỹ đã mất hơn 100 tỉ đô la giá trị vốn hóa, trong khi 50 tỉ đô la giá trị vốn hóa của các ngân hàng tại châu Âu cũng bị thổi bay. Mặc dù sau đó tình trạng hỗn loạn đã dần lắng dịu, chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ vẫn mất 4,5% giá trị trong cả tuần – đánh dấu mức giảm theo tuần lớn nhất kể từ tháng 9-2022.

Những lo ngại về một hiệu ứng lan rộng càng gia tăng, khi nhiều ngân hàng khác tại Mỹ cũng đã phải đối mặt với tình trạng rút tiền của các nhà đầu tư sau vụ việc của SVB. Trên Twitter cá nhân, tỷ phú Bill Ackman, nhà quản lý quỹ đầu cơ nổi tiếng, đã so sánh SVB với Bear Stearns – ngân hàng đầu tiên sụp đổ trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007-2008. “Rủi ro sụp đổ và mất tiền gửi ở thời điểm này sẽ khiến các ngân hàng có mức an toàn vốn thấp đối mặt với nguy cơ bị rút tiền ồ ạt và sụp đổ sau đó. Hiệu ứng domino có thể xảy ra”.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Fredric Russell – Giám đốc điều hành quỹ đầu tư Fredric E.Russell Investment Management cho biết, những tác động từ việc các điều kiện tài chính bị thắt chặt nhanh chóng trong suốt một năm qua sẽ ảnh hưởng lớn đến các ngân hàng nhỏ có tốc độ phát triển nóng. “Tôi nghĩ đây mới chỉ là vụ nổ đầu tiên. Các ngân hàng đã quá chủ quan, và dần hạ thấp tiêu chuẩn chất lượng của mình”.

Những khác biệt so với khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008

Tuy nhiên, theo hầu hết các nhà phân tích, dù SVB có quy mô tài sản lớn, việc ngân hàng này sụp đổ chỉ là một trường hợp cá biệt. Với tư cách là một ngân hàng có vai trò quan trọng với các công ty khởi nghiệp tại Mỹ, SVB đã phải đối mặt với sức ép lớn khi thanh khoản giảm dần, do sự đi xuống của nền kinh tế và lãi suất tăng cao.

Từ chỗ kỳ vọng về việc lãi suất tại Mỹ và châu Âu sẽ tiếp tục được nâng lên, giới đầu tư giờ đây đang cân nhắc lại xem liệu tình hình bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng như hiện nay có khiến ngân hàng trung ương các nước suy tính lại về chính sách tiền tệ hay không.

Ông Jonas Goltermann, nhà kinh tế tại Capital Economics đánh giá, “Lý do khiến SVB gặp rắc rối là ngân hàng này quá phụ thuộc vào một số lĩnh vực. Hầu hết các ngân hàng khác đều có hoạt động cho vay đa dạng hơn”.

Giới chức Mỹ cũng đã ngay lập tức lên tiếng trấn an công chúng về sức khỏe của hệ thống ngân hàng nước này. Chia sẻ với CNN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cho biết, “Hiện tại, chúng tôi vẫn tự tin vào sức khỏe của toàn hệ thống. Chúng tôi có đủ các công cụ cần thiết để ứng phó với các sự cố như vụ việc của SVB”.

Bên cạnh đó, những lo ngại về sự ổn định của hệ thống tài chính trong vụ việc lần này cũng ít hơn bởi Mỹ đã cải tổ nhiều quy định về quản lý ngân hàng từ sau khủng hoảng tài chính 2008. Do vậy, ngành ngân hàng Mỹ hiện ở trong tình trạng tốt hơn nhiều, và các ngân hàng có giá trị vốn hóa lớn nhất đều đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

“Nhìn chung, hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn ổn định và có khả năng chống chịu các cú sốc lớn”, Jens Hagendorff, giáo sư tài chính tại trường King’s College London, nhận xét. “Tôi cho rằng SVB chỉ là trường hợp cá biệt vì họ có nguồn tiền gửi không ổn định”.

“Vụ việc này hoàn toàn khác so với khủng hoảng tài chính 15 năm trước. Khi đó, các ngân hàng chấp nhận rủi ro quá mức và mọi người cũng cho rằng tất cả đều ổn. Còn hiện tại, mọi người đều lo lắng, nhưng nền tảng của các ngân hàng lại tốt hơn rất nhiều rồi”, chuyên gia phân tích Mike Mayo của Wells Fargo đánh giá.

Lời cảnh báo với hệ thống tài chính

Để ngăn chặn làn sóng rút tiền tại các ngân hàng, Chính phủ Mỹ đã tuyên bố bảo đảm an toàn cho các khoản tiền gửi tại SVB, bao gồm cả các khoản lớn hơn 250.000 đô la – mức không được bảo hiểm. Giới chức Mỹ cũng khẳng định, các nỗ lực của chính phủ không nhằm giải cứu SVB, đồng nghĩa với việc cổ đông và trái chủ của ngân hàng vẫn sẽ phải gánh chịu thiệt hại.

Fed thông báo sẽ lập “Chương trình cấp vốn ngân hàng”, cung cấp khoản vay cho các ngân hàng với các điều khoản nới lỏng hơn bình thường. Chương trình này dự kiến sẽ có quy mô đủ lớn để bảo vệ các khoản tiền gửi không được bảo đảm trong hệ thống ngân hàng Mỹ.

Giới chức các nước mà SVB có hoạt động cũng đã ngay lập tức tiến hành rà soát, đánh giá tác động từ vụ sụp đổ này và đưa ra biện pháp xử lý. Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã phối hợp với Bộ Tài chính, tạo điều kiện để Ngân hàng HSBC tiến hành mua lại chi nhánh của SVB tại Anh với giá 1 bảng Anh để bảo vệ tiền gửi của khách hàng. Israel và Ấn Độ cũng đã lên kế hoạch hỗ trợ các công ty khởi nghiệp công nghệ bị ảnh hưởng bởi vụ việc.

Tuy vậy, ngay cả khi được giải quyết ổn thỏa, các chuyên gia lo ngại, vụ việc của SVB sẽ dẫn đến nhiều hậu quả lâu dài cho ngành ngân hàng: làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư, và buộc các cơ quan quản lý phải thắt chặt quy định giám sát, đặc biệt là với các ngân hàng nhỏ.

Sự chú ý đang đổ dồn vào các ngân hàng khu vực tại Mỹ – vốn đã được nới lỏng một số quy định về vốn và trích lập dự phòng dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. Trên mạng xã hội Twitter, thượng nghị sĩ Elizabeth Warren nhận định, sự sụp đổ của SVB càng cho thấy sự cần thiết của các quy tắc mạnh mẽ nhằm bảo vệ hệ thống tài chính. Một số nguồn tin cho biết các ngân hàng khu vực có thể sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo rằng họ cũng có đủ “bộ đệm” tài chính để có thể vượt qua những tình huống căng thẳng thanh khoản tương tự như các ngân hàng lớn.

Giới chức quản lý cũng có thể yêu cầu ngân hàng phải tính toán sổ sách dựa trên giá trị thị trường của trái phiếu nắm giữ. Yêu cầu này hiện chỉ áp dụng cho các ngân hàng có tài sản trên 250 tỉ đô la, nhưng theo dự báo có thể sớm được mở rộng sang các nhóm ngân hàng khác.

Trên thực tế, hôm 6-3-2023, chỉ vài ngày trước sự sụp đổ của SVB, Chủ tịch Công ty Bảo hiểm Tiền gửi liên bang (FDIC) Martin Gruenberg đã cảnh báo các chủ ngân hàng rằng họ đang phải đối mặt với khoản lỗ chưa tính toán trên sổ sách cao hơn, do lãi suất tăng nhanh làm giảm giá trị của các trái phiếu dài hạn, và các khoản lỗ này có thể làm suy yếu khả năng đáp ứng nhu cầu thanh khoản bất ngờ trong tương lai của ngân hàng. Theo FDIC, tính đến cuối năm ngoái, khoản lỗ từ các tài sản đã giảm giá nhưng chưa được bán mà các ngân hàng Mỹ phải gánh chịu đã lên tới 620 tỉ đô la.

Các ngân hàng trung ương cần hành động thận trọng

Việc SVB sụp đổ cho thấy những thách thức nảy sinh từ quá trình nâng lãi suất mạnh tay nhất trong nhiều thập kỷ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu. Để kiềm chế tỷ lệ lạm phát ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, các ngân hàng trung ương đã phải nâng lãi suất, nhưng tốc độ tăng quá nhanh và mạnh đã gây ra những vấn đề khó lường.

Bình luận về vấn đề này, ông Robert Hockett, giáo sư luật và tài chính công tại trường Luật Cornell cho biết, “Về cơ bản, chúng ta đang chứng kiến nạn nhân lớn đầu tiên của các đợt tăng lãi suất mà Fed tiến hành. Lãi suất tăng đã khiến tài sản trái phiếu mà SVB nắm giữ mất giá mạnh, đồng thời gây khó khăn tài chính cho các công ty công nghệ, khiến họ phải rút tiền gửi ở ngân hàng”.

Do vậy, từ chỗ kỳ vọng về việc lãi suất tại Mỹ và châu Âu sẽ tiếp tục được nâng lên, giới đầu tư giờ đây đang cân nhắc lại xem liệu tình hình bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng như hiện nay có khiến ngân hàng trung ương các nước suy tính lại về chính sách tiền tệ hay không.

Tại Mỹ, chỉ mới cách đây ít ngày, các số liệu việc làm mạnh mẽ của tháng 2 và tỷ lệ lạm phát vẫn đang ở mức cao đã khiến giới đầu tư nghiêng về khả năng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách tiếp theo, diễn ra vào ngày 21 và 22-3-2023.

Tuy nhiên giờ đây, sự sụp đổ của SVB có thể khiến các nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc lại. Theo ông Stephen Stanley – chuyên gia kinh tế trưởng tại Santander US Capital Markets, đây chính là hồi chuông cảnh báo với Fed về tác động tiềm ẩn từ những chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh tay trong năm qua của cơ quan này và khiến họ phải thận trọng hơn khi ra quyết định.

“Sự hỗn loạn của thị trường nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng sẽ khiến giới chức Fed nghiêng về phương án chỉ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp sắp tới”, ông Stanley nhận định.

Goldman Sachs thậm chí còn tin rằng, những căng thẳng trong lĩnh vực tài chính, có thể sẽ khiến Fed phải tạm dừng quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ trong tháng 3, trước khi tiếp tục tăng lãi suất trong các tháng sau đó. Chuyên gia Jan Hatzius của Goldman Sachs còn cho biết, “không còn kỳ vọng Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp vào ngày 22-3”, trong khi chuyên gia Ed Hyman tin rằng, “sẽ tốt hơn nếu Fed quyết định tạm dừng thắt chặt chính sách tiền tệ”.

Còn tại châu Âu, giới đầu tư đang hướng sự chú ý đến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), khi các quan chức nhóm họp trong tuần này. Việc lạm phát bất ngờ tăng cao trở lại trong tháng 2 làm gia tăng đồn đoán về khả năng cơ quan này sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm. Tuy nhiên những lo ngại về rủi ro trong hệ thống ngân hàng Mỹ đã khiến dự báo về mức đỉnh lãi suất của ECB rơi xuống dưới ngưỡng 3,75% lần đầu tiên trong vòng một tháng qua.

Các quan chức châu Âu hiện vẫn phủ nhận khả năng rủi ro ngành ngân hàng tại Mỹ sẽ lan rộng tới khu vực này. Trả lời phỏng vấn báo chí hôm thứ Hai tuần này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết, tình hình tại Mỹ có nhiều khác biệt với châu Âu, nơi mối quan hệ giữa ngân hàng và các công ty công nghệ có quy mô nhỏ hơn nhiều.

Tuy vậy, theo ông Marchel Alexandrovich, chuyên gia kinh tế và đối tác của công ty tư vấn Saltmarsh Economics, tác động dây chuyền từ sự sụp đổ của SVB vẫn sẽ khiến ECB cảnh giác với nguy cơ và tìm cách đảm bảo thanh khoản trong hệ thống ngân hàng. Chuyên gia này dự báo, nếu thị trường tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, không loại trừ khả năng Chủ tịch ECB Christine Lagarde sẽ phát đi một thông điệp phần nào thận trọng hơn sau cuộc họp chính sách vào thứ Năm.

Nguồn: WSJ, Reuters, CNN Business, Finance Yahoo, CNBC

Song Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.