Nhanh chóng khoanh nợ, giảm lãi cho khách hàng bị thiệt hại bởi bão lũ

(KTSG Online) – Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại mong muốn cơ quan quản lý và Chính phủ xem xét, sửa đổi Nghị định 55/2015, nhằm tạo cơ chế khoanh nợ cho khách hàng bị thiệt hại nặng bởi bão lũ, giúp họ sớm vượt qua khó khăn….

Fatz Admin lúc 2024-09-20

(KTSG Online) – Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại mong muốn cơ quan quản lý và Chính phủ xem xét, sửa đổi Nghị định 55/2015, nhằm tạo cơ chế khoanh nợ cho khách hàng bị thiệt hại nặng bởi bão lũ, giúp họ sớm vượt qua khó khăn.

Đa dạng hình thức hỗ trợ

Toàn hệ thống ngân hàng ghi nhận 83.418 khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và lũ, với tổng dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 116.000 tỉ đồng tính tới ngày 20-9. Trước những khó khăn của doanh nghiệp và nền kinh tế sau thiên tai, nhiều ngân hàng thương mại đã chủ động triển khai một số giải pháp hỗ trợ.

QUẢNG CÁO
Bão số 3 khiến một nhà máy sản xuất – chế biến thuỷ hải sản tại Hải Phòng chịu thiệt hại nặng.

Với Agribank, ngân hàng có dư nợ tín dụng lớn trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc cho biết, đã chủ động giảm lãi suất, hỗ trợ vay vốn với khách hàng chịu thiệt hại do bão số 3.

Với khoản vay có dư nợ nội bảng, ngân hàng căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng để điều chỉnh giảm lãi suất khoảng 0,5-2%/năm và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong giai đoạn từ 6-9-2024 đến 31-12-2024. Đồng thời, giảm lãi suất cho vay, với mức giảm 0,5%/năm so với lãi suất hiện hành, cho các khoản vay phát sinh trong giai đoạn từ 6-9-2024 đến 31-12-2024.

“Thời gian tới, Agribank sẽ khẩn trương ban hành các chương trình tín dụng ưu đãi cho khách hàng bị thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề do bão, lũ lụt như nuôi trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi… với lãi suất ưu đãi”, ông Vượng nói tại hội nghị triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng sau bão số 3, diễn ra chiều 20-9.

Ngoài chính sách giảm lãi vay, đại diện Agribank cho biết sẽ triển khai 5 chương trình cho vay ưu đãi từ nay tới cuối năm, gồm: cho vay với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập đoàn/tổng công ty, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tài trợ các dự án đầu tư, có tổng quy mô 195.000 tỉ đồng và lãi suất quân 3-7%/năm; cho vay ưu đãi lãi suất với khách hàng cá nhân như Chương trình cho vay OCOP (giải pháp thúc đẩy kinh tế nông thôn, khơi dậy tiềm năng phát triển của các địa phương) có quy mô 2.000 tỉ đồng, cho vay khách hàng cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống quy mô 15.000 tỉ đồng, cho vay trung – dài hạn phục vụ sản xuất – kinh doanh quy mô 20.000 tỉ đồng.

Với Vietcombank, ông Lê Quang Vinh, Phó Tổng giám đốc cho biết, ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay lên tới 2% cho các khoản vay hiện hữu và khoản vay mới đến hết năm 2024, với mức giảm dựa trên mức độ thiệt hại.

“Chúng tôi giảm ngay lãi suất những khoản vay hiện hữu mà không cần khách hàng đề nghị. Với những khách hàng có mức độ thiệt hại rất nặng, chúng tôi đang xây dựng chính sách hỗ trợ riêng phù hợp với đặc thù của từng khách hàng”, ông Vinh nói.

Với Napas, giải pháp hỗ trợ được áp dụng là giúp khách hàng nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn tín dụng tiêu dùng chính thức từ các ngân hàng và công ty tài chính, qua thẻ tín dụng nội địa.

Theo đại diện Napas, giải pháp này giúp người dân có một nguồn tài chính ngắn hạn để trang trải, nhanh chóng ổn định cuộc sống sau thiên tai.

“Người dân có thể thực hiện chi tiêu trước cho các khoản sinh hoạt phí cấp thiết rồi trả tiền sau, với thời gian miễn lãi dài khoảng 45-55 ngày. Thủ tục mở thẻ khá đơn giản, chi phí phát hành và thanh toán thấp”, đại diện Napas nói và cho biết giải pháp này dành cho các khách hàng phát sinh nhu cầu tài chính đột xuất, giúp họ không phải tìm đến tín dụng đen.

Sẽ trình chính sách cơ cấu nợ

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp “trắng tay” sau bão và đứng trước nguy cơ không thể trả nợ gốc và lãi ngân hàng đúng hạn, ông Phạm Toàn Vượng cho rằng, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ từ nguồn lực của các ngân hàng, thì các bộ, ngành cần nghiên cứu một số cơ chế, nhằm hỗ trợ ngân hàng củng cố nguồn lực tài chính để phục vụ doanh nghiệp và người dân.

Nhiều doanh nghiệp khó phục hồi sản xuất sau bão số 3

Chẳng hạn, ban hành cơ chế cơ cấu nợ thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão và lũ, trên cơ sở cân đối dòng tiền của khách hàng. Chính sách này áp dụng với khoản nợ đến hạn trước ngày 30-6-2025.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cần có hướng dẫn thống nhất việc miễn, giảm lãi vay với khách hàng bị ảnh hưởng do bão và lũ.

Đại diện Agribank cũng kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 55/2015, theo hướng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ dựa trên dòng tiền, nguồn thu của khách hàng, không giới hạn tối đa theo chu kỳ sản xuất kinh doanh.

Đối tượng được hưởng chính sách này, theo ông Vượng, là các khách hàng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, du lịch, xây dựng, khách hàng thuộc địa bàn nông thôn, nhưng thay đổi, sắp xếp lại địa bàn do đô thị hóa.

“Việc này sẽ tạo cơ chế hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động, có nguồn thu trả nợ ngân hàng”, ông Vượng nói.

Phản hồi về vấn đề này, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN cho biết, sẽ nghiên cứu và sớm trình Chính phủ cơ chế liên quan về trích lập, dự phòng rủi ro, mức trích lập, phương pháp trích lập… Đây là cơ sở để xây dựng cơ chế, chính sách riêng cho giãn, hoãn nợ với đối tượng thiệt hại của bão số 3.

Theo ông Tú, Thông tư 02 và Thông tư 06 của NHNN về giãn, hoãn nợ hiện đang có hiệu lực và được áp dụng với đối tượng khác, không thể áp dụng với khách hàng chịu ảnh hưởng từ bão số 3. Các cơ chế như Nghị định 15, Nghị định 116 về giãn, hoãn nợ chỉ áp dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, còn Thông tư 39 lại chưa quy định về việc phân loại nhóm nợ đã giãn, hoãn.

“Do đó, Thông tư mới sẽ được xây dựng, không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp, mà còn tác động tích cực tới tình hình tài chính của ngân hàng, tránh để rủi ro nợ trở nên quá phức tạp”, ông Tú nói.

 

Vân Phong

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.