“Room tín dụng” cho các ngân hàng đã được mở, nhưng nhiều doanh nghiệp kỳ vọng tiến độ giải ngân vốn sẽ tăng tốc để đáp ứng dòng tiền phục vụ sản xuất, kinh doanh cuối năm. Giải tỏa “cơn khát” vốn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa nới room…
Giải tỏa “cơn khát” vốn
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa nới room tín dụng từ 1,5 – 2%, tăng thêm hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD) để có thêm nguồn vốn mở rộng tín dụng cho doanh nghiệp. “Mức tăng này tương đương 240.000 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện nay, tăng trưởng tín dụng đạt 12,2%. Như vậy, room tín dụng theo phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% vẫn còn 1,8%, cộng gần 2% tăng thêm, sẽ có khoảng 3,8% room tín dụng. Đây là dư địa khá lớn cho các ngân hàng thương mại (NHTM) cấp vốn cho doanh nghiệp, nền kinh tế”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết.
Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA) Lý Kim Chi cho hay, nhiều doanh nghiệp trong ngành đang phải tìm mọi cách xoay sở nguồn vốn, thậm chí tìm tài sản thế chấp để được vay vốn ngân hàng. Việc điều chỉnh room tín dụng của NHNN là thông tin được mong chờ từ lâu đối với các doanh nghiệp. Quan trọng là tiến độ cần khẩn trương.
Còn theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T, doanh nghiệp đã tìm hiểu vốn giải ngân tại các ngân hàng, nhưng câu trả lời vẫn phải chờ thông báo từ hội sở chính. Trong khi hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp đã được phê duyệt từ đầu năm với hạn mức tín dụng cao và số vốn đã giải ngân vay chưa hết… Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, dòng vốn xoay vòng liên tục và khi có đơn hàng lớn, doanh nghiệp lại tăng vay để lưu động vốn, nhưng đang khó tiếp cận ngân hàng…
Theo thông tin mới nhất từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), để hỗ trợ nền kinh tế, đã có 12 ngân hàng cam kết giảm lãi vay, với số tiền hơn 3.300 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, người dân, với mức giảm từ 0,5 – 3%/năm. Chính sách nới room của NHNN được đánh giá là tích cực để đưa vốn vào nền kinh tế, giúp doanh nghiệp tăng tốc hoạt động và chuẩn bị cho khởi đầu một năm nới.
Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng chia sẻ, Agribank đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng, cơ cấu lại nợ, nhóm nợ và chương trình tín dụng ưu đãi khác. Nhưng khách hàng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là áp lực lạm phát, biến động kinh tế thế giới. Agribank quyết định dành 1.000 tỷ đồng trích từ lợi nhuận dự kiến của năm 2022 để hỗ trợ khách hàng thông qua việc giảm 20% so với lãi suất ngân hàng đang áp dụng đối với dư nợ hiện hữu dành cho nhóm khách hàng thuộc đối tượng thụ hưởng của gói hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ và nhóm những khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ tại Agribank.
PGS TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định, con số khoảng 400.000 tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế có thể đáp ứng được nhu cầu vốn của doanh nghiệp trong tháng cuối năm. Những hồ sơ tín dụng đã có sẵn của các doanh nghiệp đang chờ, NHTM cần ưu tiên giải ngân vì đã phê duyệt sẵn và đáp ứng yêu cầu của ngân hàng. Song song đó, cần đẩy nhanh tốc độ phê duyệt hồ sơ mới của các ngành kinh doanh sản xuất mà NHNN đã hướng đến theo lĩnh vực ưu tiên.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cùng với việc nới room tín dụng hợp lý và giảm lãi suất cho vay, cần cắt giảm thủ tục hành chính; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi; miễn, giảm phí, lệ phí cho doanh nghiệp…
Cơ cấu lại kinh doanh
“Các doanh nghiệp thời điểm này cũng cần rà soát và cơ cấu lại danh mục kinh doanh, xác định những khoản mục nào cần tập trung, khoản mục nào nên thu hẹp; đồng thời, cần phải duy trì sản xuất ổn định, không nên mở rộng đầu tư. Phía ngân hàng cũng phải rà soát, đánh giá khả năng cho vay để đảm bảo an toàn, an ninh tiền tệ của cả hệ thống”, TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA cho biết.
Đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, TS Nguyễn Quốc Hùng cho biết thêm: Cần thiết lập, xây dựng một hệ thống giải pháp chính sách phù hợp, mạnh mẽ cho doanh nghiệp, trong đó đề là tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU sau 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA, tăng 24% so với trung bình năm giai đoạn 2016-2019. xuất một số giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
VNBA đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh giải ngân đầu tư công cũng như thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, giảm bớt áp lực đối với tiền tệ, tín dụng từ hệ thống ngân hàng; tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư… giúp cải thiện cung cầu ngoại tệ và giảm áp lực đối với tỷ giá.
Ngoài ra, các cơ quan liên quan cần đẩy nhanh tiến độ sửa đổi các luật, hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới như: P2P Lending, Fintech, trung tâm kinh doanh thương mại, tiền kỹ thuật số, giao dịch xuyên biên giới, cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu… và thúc đẩy phối hợp giữa các bộ, ngành để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nền kinh tế. Đặc biệt, cần xem xét có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các NHTM tích cực giảm lãi suất cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ như: Giảm thuế, phí cho các NHTM với mức giảm cao hơn so với quy định hiện nay; có cơ chế hỗ trợ các NHTM thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý…
Báo tin tức