Ngân hàng tăng ‘bộ đệm’ dự phòng trước rủi ro nợ xấu

(KTSG Online) – Các ngân hàng thương mại đang tăng vốn để gia tăng sức chống chịu và đối phó trước rủi ro từ kinh tế trong nước và quốc tế trong bối cảnh hệ số an toàn vốn (CAR) còn thấp. Nợ xấu tại nhiều ngân hàng có xu…

Fatz Admin lúc 2023-05-28

(KTSG Online) – Các ngân hàng thương mại đang tăng vốn để gia tăng sức chống chịu và đối phó trước rủi ro từ kinh tế trong nước và quốc tế trong bối cảnh hệ số an toàn vốn (CAR) còn thấp.

Nợ xấu tại nhiều ngân hàng có xu hướng tăng nhanh trong 3 tháng đầu năm 2023. Ảnh: L.Vũ

Nợ xấu ngân hàng tăng nhanh

Chất lượng tín dụng các ngân hàng đã xấu đi đáng kể sau ba tháng đầu năm khi nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) và nợ xấu (nợ nhóm 3-5) tăng mạnh sau 3 tháng đầu năm.

QUẢNG CÁO

Với nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, nợ cần chú ý (nhóm 2), nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) và nợ nghi ngờ (nhóm 4) có xu hướng tăng mạnh. Chẳng hạn, tại Vietcombank, giá trị nợ tại ba nhóm này này đều tăng với tỷ lệ hai chữ số so với cuối năm trước, trong khi nợ nhóm 5 giảm nhẹ. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu (nhóm 3-5) trên tổng dư nợ tăng từ mức 0,68% tại thời điểm cuối năm 2022 lên mức 0,84% tại thời điểm cuối quí 1-2023.

Xu hướng tương tự cũng xuất hiện tại BIDV và VietinBank. Cụ thể, nợ nhóm 2 của BIDV tại thời điểm cuối quí 1-2023 tăng 47% so với cuối năm 2022, nợ nhóm 3 tăng hơn hai lần, nợ nhóm 4 tăng hơn 60%. Với VietinBank, giá trị nợ tại ba nhóm này đều tăng so với cuối năm 2022.

Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, TPBank ghi nhận nợ nhóm 3 ở mức 1.199 tỉ đồng tính tới cuối quí 1-2023, tăng hơn ba lần so với cuối năm 2022; nợ nhóm 4 ở mức 764 tỉ đồng, tăng 1,5 lần, nợ nhóm 5 ở mức 533 tỉ đồng, tăng 5,5%. Kết quả, nợ xấu nội bảng của ngân hàng này tăng 84% sau 3 tháng đầu năm, đạt mức 2.497 tỉ đồng tính tới cuối quí 1.

MB cũng ghi nhận nợ xấu tăng mạnh ở tất cả các nhóm. Cụ thể, nợ nhóm 2 ở mức 16.675,7 tỉ đồng tính tới cuối quí 1-2023, tăng 113,5% so với cuối năm 2022. Còn nợ nhóm 3 ở mức 3.455,3 tỉ đồng, tăng 127,7%; nợ nhóm 4 ở mức 1.622 tỉ đồng, tăng 32,8%; nợ nhóm 5 gần 3.376 tỉ đồng, tăng 47,2%. Kết quả, tổng nợ xấu nội bảng của MB là 8.453,3 tỉ đồng, tăng 68%.

Với SHB, bà Ngô Thu Hà, Tổng giám đốc, thừa nhận nợ xấu của ngân hàng (bao gồm nợ xấu ở CIC) tăng mạnh. Tuy nhiên, giá trị tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu là rất lớn, tỷ lệ dư nợ xấu trên tài sản đảm bảo chiếm tỷ lệ 37% nên ngân hàng tự tin có thể thu hồi được cả gốc và lãi của các khoản vay.

“Chúng tôi sẽ đặt mục tiêu trọng tâm là xử lý thu hồi nợ, đồng thời đưa ra giải pháp cụ thể tới từng khách hàng, xử lý tài sản đảm bảo”, bà Hà nói và cho biết ngân hàng đã thành lập Ban chỉ đạo xử lý nợ, đồng thời có giải pháp đồng hành với khách hàng trong quá trình xử lý nợ.

VPBank ghi nhận nợ nhóm 2 và nợ nhóm 3 tại thời điểm cuối quí 1-2023 cao hơn hai lần so với cuối năm 2022. Kết quả, nợ xấu VPBank tăng lên mức 2,6% tại thời điểm cuối quí 1, trong khi ở thời điểm cuối năm 2022 là 2,19%.

Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, cho rằng tình hình khó khăn của nền kinh tế được phản ánh trong quí đầu năm nay khi nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, khách hàng cá nhân cũng bị ảnh hưởng dẫn tới tình trạng nhiều khoản vay không đảm bảo khả năng chi trả. Thêm vào đó, khủng hoảng của một số tập đoàn bất động sản dẫn tới sự mâu thuẫn giữa nhà phát triển và người mua về chính sách hỗ trợ lãi vay, khiến một số khoản chuyển thành nợ xấu.

“Chúng tôi dự kiến nợ xấu còn tiếp tục tăng trong quí 2 nhưng sẽ duy trì dưới 3% nhờ vào các biện pháp của ngân hàng để hỗ trợ khách hàng và các chính sách cấu trúc nợ”, ông Vinh nói và dự báo tình hình chỉ dần hạ nhiệt trong hai quí cuối năm 2023.

Ông Lê Thanh Tùng, thành viên HĐQT VietinBank, cho biết tình trạng doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, thiếu vắng đơn hàng, thu nhập người dân sụt giảm đang tác động trực tiếp đến sức khỏe các ngân hàng, bởi ngân hàng là “hàn thử biểu” của nền kinh tế, tức là doanh nghiệp khó khăn thì ngân hàng không thể tốt được.

“Khi doanh nghiệp khó khăn, các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, thoái lãi dự thu, dù thu nhập từ lãi cho vay là thu nhập trọng yếu của ngân hàng”, ông Tùng nói và cho biết việc chất lượng nợ suy giảm khiến ngân hàng phải trích lập nhiều hơn, ảnh hưởng tới lợi nhuận.

Bên cạnh nợ xấu hiện hữu, việc cơ cấu – giãn nợ theo Thông tư 02/2023 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng khiến một số ngân hàng lo ngại.

Đại diện ACB cho rằng, nếu thực hiện cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, một phần rủi ro đang chuyển từ doanh nghiệp sang ngân hàng.

“Vì vậy, chúng tôi sẽ áp dụng cơ cấu nợ một cách thận trọng, vừa bảo đảm nền tảng tài chính, vừa bảo đảm hỗ trợ khách hàng dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ”, đại diện ACB cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), các ngân hàng sẽ chỉ cơ cấu nợ với điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp được cơ cấu nợ có khả năng phục hồi và đánh giá đúng bản chất nợ xấu.

“Các ngân hàng khi cơ cấu nợ phải tự chịu trách nhiệm. Rủi ro lớn nhất của cơ cấu nợ là khó khăn của doanh nghiệp sẽ đổ dồn về ngân hàng, ngân hàng sẽ bị bào mòn về tài chính. Nếu ngân hàng gặp khó khăn, doanh nghiệp cũng khó khăn theo”, ông Hùng cảnh báo.

Gia cố “phòng tuyến” trước rủi ro

Nợ xấu gia tăng xuất phát từ tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp và người vay tiền giảm sút. Theo đó, ngân hàng có rủi ro nợ xấu cao là các đơn vị có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp, tỷ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cao.

Để hạn chế rủi ro nợ xấu, mỗi ngân hàng chọn một cách tiếp cận riêng. Theo đó, Vietcombank tiếp tục gia tăng “đệm dự phòng” với việc tăng quy mô trích lập gần 30% so với đầu năm, đưa tỷ lệ bao phủ hơn 300% – tức một đồng nợ xấu được trích lập dự phòng bằng 3 đồng.

VietinBank cũng tăng trích lập, đồng thời sử dụng hơn 7.000 tỉ đồng để xử lý các khoản nợ khó đòi, giúp quy mô nợ nhóm 5 giảm hơn 30%.

Bên cạnh việc tăng trích lập dự phòng, hai ngân hàng ngày, cùng BIDV và Agribank đang chờ đợi các cơ quan quản lý phê duyệt kế hoạch tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021. Vietcombank dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18,1% để tăng vốn lên 55.891 tỉ đồng. Nguồn lực cho việc này là lợi nhuận của năm 2021 và lợi nhuận lũy kế còn lại đến trước năm 2018.

BIDV cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 61.557 tỉ đồng thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng trong năm 2023. Còn VietinBank lên kế hoạch tăng vốn lên 66.030 tỉ đồng.

Thực tế, việc tăng vốn đều được đại diện các ngân hàng thương mại nhà nước đề xuất với Chính phủ hàng năm nhằm giữ vững vai trò chủ lực trong cung ứng vốn, hỗ trợ nền kinh tế và hệ thống ngân hàng. Số liệu của NHNN cho thấy, Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV chiếm hơn 50% thị phần tín dụng của cả nước tính tới cuối tháng 2-2023. Tuy nhiên, vốn điều lệ của nhóm này chỉ bằng 38% vốn điều lệ của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.

Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, VPBank dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 12.207 tỉ đồng, lên mức 79.339 tỉ đồng; TPBank dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 6.199 tỉ đồng, lên mức 22.016 tỉ đồng; MB đặt mục tiêu tăng vốn thêm 9.023,5 tỉ đồng, lên mức 53.683 tỉ đồng.

Nếu các phương án tăng vốn được thực hiện thành công, bộ đệm tài chính của các ngân hàng sẽ tiếp tục được nâng cao, giúp ngân hàng có thêm nguồn lực chống đỡ với khó khăn trong bối cảnh hệ số an toàn vốn (CAR) còn thấp.

TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng của BIDV, cho rằng CAR của các ngân hàng Việt Nam không chỉ ở mức thấp, mà còn cải thiện chậm so khu vực. Như vậy áp lực tăng vốn với các ngân hàng Việt Nam đang ngày càng lớn trong bối cảnh rủi ro, bất ổn trên thế giới gia tăng và sức khỏe doanh nghiệp trong nước xấu đi. Việc bảo đảm CAR và tăng vốn trở thành vấn đề ưu tiên của nhiều ngân hàng năm 2023.

Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối nghiên cứu và phân tích của Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng, cho hay tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân của các ngân hàng là 34% năm 2022, song năm nay đa phần các ngân hàng chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 11-15%. Cùng với việc chấp nhận giảm tốc lợi nhuận, năm nay, hàng loạt ngân hàng vẫn tiếp tục đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ.

Về vĩ mô, TS.Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, khuyến nghị cần có giải pháp thúc đẩy tiêu dùng nội địa, đầu tư công, tạo việc làm, bơm vốn trong nền kinh tế trong bối cảnh nội tại nền kinh tế đang đối mặt với nhiều bài toán khó khăn trên nhiều lĩnh vực, như chậm giải ngân đầu tư công, vướng mắc pháp lý và sự suy yếu của thị trường bất động sản, áp lực điều chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp…

Điều này, theo ông Thành, sẽ giúp giảm áp lực tín dụng lên hệ thống ngân hàng.

“Cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành, địa phương cùng tham gia xây dựng gói giải pháp tổng thể, nhằm tăng cường tính liên kết giữa các chính sách nói chung và giúp gia tăng hiệu quả chính sách tiền tệ nói riêng. Bên cạnh đó, gia tăng hiệu quả thực thi các gói hỗ trợ phục hồi sản xuất của doanh nghiệp”, ông Thành khuyến nghị.

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.