Tại buổi tiếp, bà Michele Wee đánh giá cao sự hợp tác từ phía Bộ Tài nguyên và Môi trường với Ngân hàng Standard Chartered trong nhiều năm qua và bày tỏ mong muốn tiếp tục triển khai quan hệ Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP) sau sự kiện Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) và thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam.

Theo bà Michele Wee, trong việc thực hiện JETP, mục đích chính là huy động nguồn tiền từ nước ngoài cho các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Các khoản tiền này có thể được huy động theo 2 dạng: Cho vay hoặc đầu tư trực tiếp vào dự án năng lượng tái tạo. 

Trước khi có JETP, phía Ngân hàng Standard Chartered đã tham gia hỗ trợ một số khoản vay nhất định cho các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Tuy nhiên, với mục tiêu giảm phát thải ròng về mức “0” (net zero) vào năm 2050, nguồn vốn cần cho quá trình chuyển dịch năng lượng rất lớn, bản thân Ngân hàng Standard Chartered cũng như nhiều ngân hàng khác không đủ khả năng hỗ trợ đơn lẻ.

Phía Ngân hàng Standard Chartered đề xuất nên chọn một vài dự án cụ thể để ngân hàng và nhà đầu tư cùng nhau thống nhất về nguồn vốn cần thiết để triển khai, qua đó có thể cho vay được. Đồng thời, ngân hàng cũng mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành hỗ trợ về mặt chính sách để có thể thực hiện dự án thí điểm một cách hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành làm việc với bà Michele Wee, Tổng giám đốc thị trường Việt Nam Ngân hàng Standard Chartered. 

Về thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon, bà Michele Wee mong muốn kết nối Bộ Tài nguyên và Môi trường với Sàn giao dịch Carbon tự nguyện toàn cầu CIX, có trụ sở tại Singapore. Trong đó, phía CIX đã đề nghị cử phái đoàn tới làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường vào tháng 4 tới để thảo luận thêm về vấn đề tín chỉ carbon lâm nghiệp và phối hợp phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam, cũng như các nội dung liên quan tới quản lý thị trường carbon.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đánh giá, đây là những ý kiến thiết thực và sẽ góp phần hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu hướng tới net zero.

Liên quan đến việc xây dựng thị trường carbon, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 06/NĐ-CP về quản lý tín chỉ carbon và dự kiến trình Chính phủ vào giữa năm nay.

Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn hợp tác với phía Ngân hàng Standard Chartered và CIX để tiếp tục trao đổi thông tin, kiến thức chuyên môn để hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng và quản lý sàn giao dịch tín chỉ carbon; đồng thời đầu tư kết nối sàn giao dịch tín chỉ carbon Việt Nam với các sàn giao dịch tín chỉ carbon trong khu vực và trên thế giới.

Tin, ảnh: MINH HẠNH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.