Tổng số tiền cổ đông chiến lược CBA của VIB thu về sau thương vụ thoái vốn tại ngân hàng này là hơn 5.300 tỉ đồng. Lúc 10 giờ 30 ngày 30-10, giá cổ phiếu VIB của Ngân hàng Quốc tế ở mức 19.000 đồng, tăng 1,33% so với phiên…
Lúc 10 giờ 30 ngày 30-10, giá cổ phiếu VIB của Ngân hàng Quốc tế ở mức 19.000 đồng, tăng 1,33% so với phiên trước. Cổ phiếu VIB tăng tiếp sau phiên giao dịch với khối lượng thỏa thuận “khủng” lên tới hơn 300 triệu cổ phần.
Một ngày trước, nhà đầu tư nước ngoài đã bán thỏa thuận 300 triệu cổ phần của VIB, tương đương hơn 10% vốn điều lệ của nhà băng này.
Cùng ngày, Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) thông báo đã bán khoảng 10% cổ phần của VIB thông qua Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE).
Giao dịch được thực hiện vào ngày 29-10 và dự kiến thanh toán vào ngày 31-10, thu về khoảng 320 triệu AUD, tương đương hơn 5.300 tỉ đồng.
Theo thông báo của CBA, việc thoái vốn phù hợp với chiến lược của ngân hàng là tập trung vào các hoạt động kinh doanh của ngân hàng tại Úc và New Zealand. Sau khi hoàn tất giao dịch, CBA còn nắm khoảng 5% cổ phần tại VIB. CBA là một trong những ngân hàng hàng đầu tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và xếp thứ 13 trên toàn cầu.
Liên quan hoạt động kinh doanh của VIB, báo cáo kết quả kinh doanh cho 9 tháng đầu năm 2024 cho thấy dư nợ tín dụng tăng gần 12%, cao hơn so với mức trung bình ngành là 9%. Riêng quý 3, VIB tăng trưởng tín dụng đạt gần 7% và là một trong những ngân hàng bán lẻ có tăng trưởng tín dụng tốt nhất ngành. Huy động vốn của VIB tăng 8%, cao gần gấp đôi trung bình ngành, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động tín dụng.
Dù vậy, lợi nhuận trước thuế của VIB sau 9 tháng đầu năm đạt 6.600 tỉ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ.
Ngân hàng này lý giải lợi nhuận giảm do hỗ trợ lãi suất, đầu tư mở rộng và trích lập dự phòng thận trọng với mức trích lập dự phòng khoảng 3.230 tỉ đồng, tăng 2% đi cùng tỉ lệ lệ bao phủ dự phòng cao hơn so với cùng kỳ.
Người Lao Động