Ngân hàng Mỹ: nỗi sợ lây lan như một khối ung thư di căn

(KTSG) – Nếu bạn ngồi nhìn vào màn hình cổ phiếu ngân hàng Mỹ vào ngày thứ Tư 3-5-2023, bạn tưởng như là khủng hoảng tài chính 2007 trở lại. Các cổ phiếu ngân hàng Mỹ rớt 30% đến gần 50%. “PacWest Bancorp rớt 50%”, một bạn tôi nhắn, “chuyện…

Fatz Admin lúc 2023-05-11

(KTSG) – Nếu bạn ngồi nhìn vào màn hình cổ phiếu ngân hàng Mỹ vào ngày thứ Tư 3-5-2023, bạn tưởng như là khủng hoảng tài chính 2007 trở lại. Các cổ phiếu ngân hàng Mỹ rớt 30% đến gần 50%. “PacWest Bancorp rớt 50%”, một bạn tôi nhắn, “chuyện quái gì xảy ra vậy?”. Tôi nói: thị trường giờ chẳng cần biết chuyện gì nữa, thích là bán thôi…

Ngân hàng Mỹ: khi nỗi sợ lây lan, nhưng lại không biết nỗi sợ đó là gì!

QUẢNG CÁO

Khi Ngân hàng First Republic đổ vỡ và bị mua lại khá “gọn” bởi Ngân hàng JP Morgan (và biến JP Morgan thành siêu ngân hàng – quá lớn để vỡ của Mỹ), tôi đã hy vọng thị trường sẽ bình ổn. Thế nhưng thị trường vẫn bán tháo cổ phiếu ngân hàng Mỹ và trong suốt tuần lễ bắt đầu giao dịch từ 1-5-2023, liên tục bốn ngày thị trường Mỹ giảm điểm, trong đó ngày thứ Năm còn được đánh dấu bằng việc chỉ số chứng khoán công nghiệp Dow Jones chính thức giảm xuống dưới đường bình quân di động 50 ngày, báo hiệu xu thế giảm quay lại về mặt phân tích kỹ thuật. Chỉ số sợ hãi/tham lam (Fear/Greed index) chuyển sang phía sợ hãi.

Rõ ràng, thị trường đang có một nỗi sợ lây lan. Nhưng tôi không thể hình dung cụ thể nỗi sợ đó là gì. Những ngân hàng Mỹ đổ vỡ tính đến cuối tháng 4-2023 đều là những ngân hàng kinh doanh có vấn đề. Silicon Valley là một ngân hàng được quản lý rủi ro kém, mạo hiểm cao, tập trung vào một phân khúc. First Republic thì bị rút gần 100 tỉ đô la trong quí 1-2023.

Phản ứng nhanh là thứ mà hệ thống chính trị và tài chính Mỹ có thể khó làm được vào lúc này. Trần nợ công, khó khăn về lựa chọn ổn định thị trường hay ổn định giá cả, chính phủ có thể chấp nhận hỗ trợ cho ngân hàng lớn tiếp quản ngân hàng nhỏ đến đâu là những tranh luận mấy ngày nay trên các phương tiện truyền thông lẫn các chính trị gia Mỹ, và bất đồng là không nhỏ.

Đối lập với điều đó, tình hình làm ăn của những ngân hàng như PacWest hay Western Alliance thì không tệ như vậy. PacWest và Western Alliance không bị rút tiền đột biến gì kể từ tin tức First Republic đổ vỡ.

Thực tế là Western Alliance còn tăng thêm được 600 triệu đô la tiền gửi sau vụ việc đó. Nhưng giá cổ phiếu Western Alliance giảm 30%, còn giá cổ phiếu PacWest giảm 50%.

Vụ xử lý để JP Morgan tiếp quản First Republic cũng được coi là khá “gọn”, không có nỗi lo về tiền gửi được bảo hiểm hay không như trong trường hợp Silicon Valley. Vậy mà tính đến ngày 4-5-2023, chỉ số KBW Regional Banking Index, chỉ số chứng khoán đại diện cho nhóm ngân hàng khu vực tầm nhỏ và vừa của Mỹ, đã giảm gần 40% kể từ đỉnh tháng 2-2023.

Trả lời phỏng vấn Financial Times, Jesse Rosenthal của CreditSights phải thốt lên “Điều mà tôi không thể hiểu nổi là chúng tôi không có bằng chứng nào – nếu không nói là có bằng chứng ngược lại – cho thấy rằng đang có sự rút chạy tiền có tính đồng loạt trong hệ thống”.

Vào ngày 5-5-2023, cây bút Matt Levine của Bloomberg viết một bài dài đưa ra nhiều góc nhìn để lý giải cho sự hoài nghi của tôi (và tôi tin rằng của nhiều người khác cũng như bản thân Matt) về thị trường trong tuần đó với tựa đề “Cổ phiếu ngân hàng có vẻ tệ hơn nhiều so với bản thân hoạt động ngân hàng” (Bank stocks look worse than banks do). Theo đó, có vài kịch bản được đưa ra.

Một, là người gửi tiền không hiểu nhiều trong khi nhà đầu tư thì hiểu nhiều hơn về các ngân hàng này, nên người gửi tiền không rút chạy mà cổ phiếu thì giảm giá mạnh. Điều này có hơi khó tin với tôi, vì trong trường hợp Silicon Valley và First Republic thì chúng ta thấy người gửi tiền rút chạy nhanh không kém nhà đầu tư.

Hai, nhà đầu tư phản ứng thái quá.

Ba, nhà đầu tư bán cổ phiếu không phải vì sợ ngân hàng đổ vỡ mà vì nghĩ kinh doanh của ngân hàng sẽ kém hơn rất nhiều trong năm tới vì phải tăng lãi suất lên để giữ khách hàng, trong khi tình hình kinh tế khó khăn sẽ buộc họ thu hẹp lợi nhuận.

Bốn, một số nhà đầu tư cố tình đẩy giá cổ phiếu xuống để tạo ra hoảng loạn ngân hàng và hưởng lợi từ nó. Và đã có tin rằng các nhà quản lý thị trường ở Mỹ đang điều tra khả năng thao túng giá cổ phiếu này.

Ở thời điểm hiện tại, tôi nghĩ rằng khả năng thứ nhất là thấp. Trong các kịch bản còn lại thì không thể loại trừ sự hoảng loạn trên các cổ phiếu ngân hàng Mỹ trong tuần qua liên quan đến kịch bản hai đến bốn, thậm chí có thể là một sự pha trộn của hai trong số đó.

Trong ngày giao dịch cuối tuần 6-5-2023, một điều bất ngờ diễn ra khi các cổ phiếu ngân hàng lại đảo chiều, với PacWest tăng đến 88%. Thị trường thay đổi nhanh như “người yêu cũ ngoảnh mặt”, và cũng không có bất kỳ lý do cụ thể nào. Chỉ số sợ hãi/tham lam lại quay lại khu vực tham lam!

Với góc nhìn của tôi, đây là một thị trường chưa đổ vỡ, nhưng đang vô cùng mong manh. Ở đâu đó đang không chỉ thiếu dòng tiền mới (điều mà mọi người nhận thấy khi dòng tiền chỉ chạy từ dòng cổ phiếu này sang dòng cổ phiếu khác suốt hơn năm tuần qua, chứ không thấy có tiền mới đổ vào đáng kể), mà thiếu cả niềm tin. Người ta đang lo sợ cái gì đó, mà nhiều khi người ta cũng không biết mình sợ cái gì.

Điều đó không chỉ trên thị trường cổ phiếu mà cả ở tâm lý người gửi tiền. Theo một điều tra gần đây của Gallup, niềm tin người gửi tiền ở Mỹ ở mức thấp nhất kể từ năm 2008 với gần 50% người tham gia tỏ ra lo lắng hoặc “rất lo lắng” về độ an toàn của tiền gửi ở ngân hàng Mỹ.

Theo đánh giá của nhiều nhà phân tích của thị trường tài chính Mỹ, tình trạng ngân hàng vỡ nợ và bị mua lại cộng thêm việc nợ xấu liên quan đến bất động sản thương mại gia tăng sẽ khiến nguồn tín dụng cung ứng ra thị trường Mỹ bị siết chặt lại. Và điều đó tất yếu ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ngân hàng. Chính bản thân Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng thừa nhận điều này có thể diễn ra.

Ngân hàng thương mại nhỏ và vừa của Mỹ vì vậy ở trong trạng thái về nguyên tắc là không vỡ nợ, nhưng lợi nhuận thu hẹp. Và một vài tin xấu có thể đột nhiên gây hoảng loạn và đổ vỡ ngân hàng theo cách không thể lường trước. Người gửi tiền không phải chuyên gia kinh tế, họ không nhìn vào các chỉ số tài chính, mà nhìn xem người khác có chạy đi rút tiền hay không mà thôi.

Như một khối ung thư sắp di căn

Nhà kinh tế Mohamed El-Erian, Chủ tịch trường Queens’ College của Đại học Cambridge và Cố vấn kinh tế trưởng của tập đoàn Allianz, có đưa ra một góc nhìn thú vị. Ông cho rằng tình hình đổ vỡ ngân hàng ở Mỹ đang diễn tiến qua ba giai đoạn.

Giai đoạn 1 là việc tăng lãi suất quá nhanh sau khi hạ lãi suất và bơm tiền quá mức đã dẫn đến việc đổ vỡ của những ngân hàng quản lý kém như Silicon Valley và First Republic. Giai đoạn 2, giai đoạn mà chúng ta đang đối mặt là giai đoạn lây lan.

Do cách xử lý lúng túng đối với trường hợp Silicon Valley, những ngân hàng không quá tệ như PacWest và Western Alliance bị ảnh hưởng xấu. Giai đoạn 3, điều mà ông El-Erian hy vọng không diễn ra, là một đợt lây lan diện rộng và gây ra “rủi ro thu hẹp tín dụng tăng đáng kể” – một thuật ngữ khác là kiệt quệ tín dụng.

Và nếu kiệt quệ tín dụng đột ngột, chúng ta đã có những câu chuyện về hậu quả như Trung Quốc trải qua trong hai năm qua hoặc xa hơn nữa chính là cuộc khủng hoảng 2007-2008 khi mà tín dụng trên thị trường bất động sản gần như biến mất. Ông El-Erian hy vọng sẽ tránh được giai đoạn này, nếu không, ông cho rằng đến lúc dùng thuật ngữ “khủng hoảng”.

Như một khối ung thư đang ở giai đoạn sắp di căn, trước khi để nó biến thành khủng hoảng, nước Mỹ phải chặn đứng nó. Mà yếu tố để tránh lây lan là phải ổn định niềm tin đang mất đi của người gửi tiền.

Theo ông El-Erian, lúc này cần một sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa những định chế tài chính công và tư ở Mỹ, không để tiến trình thương lượng tiếp quản các ngân hàng kéo dài nữa – theo ông tình huống thương lượng mua lại First Republic vẫn kéo quá dài.

Ngoài ra, có thể cần một cơ chế bảo hiểm tiền gửi mới và sâu rộng hơn, điều mà cơ quan bảo hiểm tiền gửi Mỹ (FDIC) đang đề xuất. Vấn đề là cần phải nhanh. Như xử lý một khối ung thư, chần chờ thì nó phát triển lớn sẽ không thể chữa kịp nữa.

Nhưng phản ứng nhanh là thứ mà hệ thống chính trị và tài chính Mỹ có thể khó làm được vào lúc này. Trần nợ công, khó khăn về lựa chọn ổn định thị trường hay ổn định giá cả, chính phủ có thể chấp nhận hỗ trợ cho ngân hàng lớn tiếp quản ngân hàng nhỏ đến đâu là những tranh luận mấy ngày nay trên các phương tiện truyền thông lẫn các chính trị gia Mỹ, và bất đồng là không nhỏ. Còn bất đồng thì không dễ gì đi đến thống nhất xử lý nhanh được. Đây thật sự là một thử thách không nhỏ với những người đang đứng mũi chịu sào của nền kinh tế lúc này.

(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh

Hồ Quốc Tuấn (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.