(KTSG Online) – Tăng trưởng tín dụng chậm trong 6 tháng đầu năm không chỉ nằm ở vấn đề ở lãi suất, mà còn là câu chuyện nhu cầu vay suy giảm. Trong bối cảnh này, một số nhà băng tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ khơi thông nguồn vốn…
(KTSG Online) – Tăng trưởng tín dụng chậm trong 6 tháng đầu năm không chỉ nằm ở vấn đề ở lãi suất, mà còn là câu chuyện nhu cầu vay suy giảm. Trong bối cảnh này, một số nhà băng tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ khơi thông nguồn vốn theo hướng tăng cường khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp và người dân.
Cần tăng khả năng hấp thụ vốn
Số liệu từ NHNN cho thấy tính đến cuối tháng 6-2023, tín dụng trong nền kinh tế chỉ tăng 4,73% so với cuối năm 2022, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Con số này cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang gặp khó, theo đánh giá của các chuyên gia.
Tại hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” do Thời báo Ngân hàng mới đây, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng bài toán hiện nay đặt ra là tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm chậm lại, mặc dù NHNN và toàn ngành Ngân hàng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục biến động nhanh, khó lường. Còn nền kinh tế trong nước tăng trưởng thấp hơn kịch bản đặt ra khi tổng cầu thế giới giảm đi cùng những khó khăn nội tại.
Trên thực tế, nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức khác như thiếu đơn hàng sản xuất, chi phí tăng cao, nhu cầu tiêu dùng chậm lại. Hệ quả chung là nhu cầu vay vốn cũng giảm theo.
Các ngân hàng cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng này. Thực tế các ngân hàng cũng muốn cho vay ra, nhưng làm thế nào để tín dụng tăng trưởng, đồng thời vẫn giữ được chất lượng các khoản vay là không đơn giản.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hiện nay nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn khi điều kiện kinhdoanh suy giảm, nguồn lực doanh nghiệp cạn kiệt. Nhưng các ngân hàng cũng không thể giảm tiêu chuẩn cho vay để đảm bảo an toàn. Thêm nữa, phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa mình bạch về tài chính, phương án kinh doanh khả thi, nên các ngân hàng cũng khó trong khâu cấp tín dụng.
Nếu như trong quí đầu tiên, câu chuyện lãi suất được nhắc đến nhiều thì sau khi NHNN bốn lần giảm lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất cũng đang có xu hướng giảm rõ rệt. Còn hiện nay, câu chuyện khơi thông nguồn vốn lại đặt trọng tâm vào việc hỗ trợ sức cầu cho doanh nghiệp và người dân.
Tiên phong tháo gỡ và hỗ trợ
Trong bối cảnh này, nhiều ngân hàng đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho thị trường, trong đó nhóm tiên phong có thể kể đến BIDV, ngân hàng đạt mức tăng trưởng tín dụng gần 7% trong nửa đầu năm, tức cao hơn nhiều so với mức chung toàn ngành, nhờ những nỗ lực triển khai giải pháp đồng bộ. Cụ thể, riêng tín dụng doanh nghiệp tăng trưởng 7,3%, dư nợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm 40%) tăng 7,2%, giúp ngân hàng tiếp tục dẫn đầu về thị phần dư nợ SME trên thị trường.
Một lý do giúp BIDV giữ vững tốc độ khơi thông nguồn vốn là nhờ theo sát kịp thời các chính sách, chương trình của Chính phủ và NHNN nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, ông Trần Long, Phó tổng giám đốc Ngân hàng BIDV lý giải.
Chẳng hạn, BIDV chủ động tìm hiểu nhu cầu của khách hàng để thực hiện đăng ký hạn mức hỗ trợ lãi suất, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện, tổ chức tập huấn toàn hệ thống, nhằm triển khai nhanh các Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ, các Thông tư và Chỉ thị của NHNN ban hành trong thời gian qua.
Trong sáu tháng đầu năm, ngân hàng điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay 4 lần với mức giảm từ 1,1-1,3%/năm. Đồng thời, BIDV chủ động thiết kế và ban hành nhiều gói tín dụng ngắn hạn, trung dài hạn với lãi suất ưu đãi từ 0,5-2%/năm, quy mô lên tới 253.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi, duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh xu hướng lãi suất đầu vào có xu hướng giảm dần, các gói hỗ trợ ưu đãi đến từ những nỗ lực từ bên trong, bằng cách chủ động thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, thực hiện cơ cấu lại tài sản nợ-có, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay, phí dịch vụ. Hoạt động số hóa được đẩy mạnh nhằm tinh gọn quy trình, thủ tục cho vay.
BIDV cũng xây dựng quy trình cấp tín dụng đặc thù với doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ, theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn thời gian xử lý. Hệ thống cũng chủ động phân nhóm khách hàng để triển khai những giải pháp hỗ trợ hợp lý, cung ứng vốn tín dụng giúp khách hàng phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với bối cảnh và tình hình mới.
Ngoài ra, ngân hàng cũng tích cực tham gia các hoạt động trao đổi, thảo luận nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh bền vững, các chương trình kết nối, đối thoại giữa ngành ngân hàng và doanh nghiệp.
Tính đến hiện tại, BIDV là một trong các ngân hàng thương mại tích cực triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất với doanh số cho vay lũy kế đến 30-6-2023 là 16.000 tỉ đồng, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất trên 5.000 tỉ đồng. Ngân hàng cũng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 02/2023 ban hành 23-4-2023 của NHNN là khoảng hơn 20.000 tỉ đồng, từ đó giúp khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh.
Với chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng, BIDV cũng dành riêng gói tín dụng quy mô 30.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ. Tính đến hiện tại, BIDV là ngân hàng đầu tiên công bố phê duyệt cấp tín dụng cho dự án nhà ở xã hội tại Phú Thọ. Ngoài ra, Ngân hàng cũng còn đưa ra gói tín dụng 20.000 tỉ đồng cho vay nhà ở thương mại giá trị thấp với lãi suất chỉ từ 8,5%/năm đối với chủ đầu tư và từ 7,8%/năm đối với người mua nhà.
Tốc độ và sự tập trung triển khai những hoạt động hỗ trợ thị trường đã giúp BIDV có những kết quả thuận lợi trong nửa đầu năm. Tháng 7 vừa qua, BIDV được chấp thuận điều chỉnh tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tối đa lên 14% năm 2023, tức ở mức ngang với tăng trưởng của cả hệ thống. “Ngay sau đó, ngân hàng đã triển khai trên toàn hệ thống nhằm đảm bảo cung ứng kịp thời nhu cầu vốn cho doanh nghiệp”, lãnh đạo BIDV chia sẻ.
Nỗ lực của BIDV trong việc khơi thông dòng vốn được các ngành, các cấp và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Các hoạt động trong thời gian qua không chỉ giúp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng chung toàn ngành.
Mới đây, BIDV được các tổ chức quốc tế ghi nhận và vinh danh ở các hạng mục giải thưởng uy tín như: Giải thưởng Ngân hàng SME tốt nhất Đông Nam Á lần thứ 3 liên tiếp, Ngân hàng phục vụ khách hàng DN tốt nhất Đông Nam Á lần thứ 2 liên tiếp (Tạp chí Global Banking and Finace trao tặng); Giải thưởng Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam lần thứ 6 liên tiếp (Tạp chí Asian Banking and Finance trao tặng).
Kinh tế Sài Gòn Online