Cổ phiếu ngành ngân hàng nửa cuối năm 2024 được kỳ vọng có “sóng” khi một loạt ngân hàng tăng vốn điều lệ, chia cổ tức và đón kết quả kinh doanh quý II với nhiều điểm sáng Ngân hàng Phát triển TP HCM (HDBank) vừa công bố nghị quyết…
Ngân hàng Phát triển TP HCM (HDBank) vừa công bố nghị quyết của Hội đồng Quản trị về việc chia cổ tức năm 2023 với tỉ lệ 30%, gồm 10% bằng tiền mặt và 20% cổ phiếu. Đây là ngân hàng chia cổ tức cao nhất năm 2024.
Trả cổ tức, tăng vốn “khủng”
HDBank sẽ tiến hành chốt danh sách cổ đông vào ngày 15-7 để chia cổ tức bằng tiền mặt. Với cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 20%, thời điểm chốt danh sách sẽ được ngân hàng công bố sau khi được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng. Năm 2024, HDBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế lên đến 16.000 tỉ đồng, tăng 21,8% so với năm trước.
Hội đồng Quản trị Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) cũng vừa thông qua nghị quyết về việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, phát hành cổ phiếu thưởng và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) để tăng vốn điều lệ. SeABank dự kiến phát hành 329 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023; phát hành 10,3 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, tương đương tổng tỉ lệ gần 14%. Sau khi hoàn thành phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ của SeABank sẽ tăng lên 28.800 tỉ đồng.
Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng vừa được cơ quan quản lý chấp thuận tăng thêm 4.110 tỉ đồng vốn điều lệ, thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 20%. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng lên 24.658 tỉ đồng. Năm nay, OCB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế gần 6.900 tỉ đồng, tăng mạnh 66% so với năm trước.
Trong khi đó, Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 12-7 nhằm phát hành hơn 264 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu và tỉ lệ thực hiện quyền là 25% để tăng vốn.
Nhiều ngân hàng thương mại khác như SHB, VIB, Techcombank, MB… cũng đã và đang cấp tập triển khai phương án chia cổ tức để tăng vốn điều lệ. Theo các ngân hàng thương mại, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết để giúp nâng cao năng lực tài chính khi tăng quy mô, năng lực cạnh tranh, đáp ứng kế hoạch mở rộng mạng lưới giao dịch.
Chờ “sóng” tăng
Xu hướng “đua” tăng vốn điều lệ qua phương án chia cổ tức “khủng” giúp giá nhiều cổ phiếu ngành ngân hàng tăng vọt, lập đỉnh thời gian qua. Nhiều nhà đầu tư cũng kỳ vọng vào làn sóng tăng cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn cuối năm nay.
Anh Hoàng Minh (ngụ quận 5, TP HCM) cho biết anh và nhóm bạn nắm giữ nhiều cổ phiếu VPB của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) từ 2 năm nay. Nửa đầu năm 2024, giá nhiều cổ phiếu ngân hàng khác bứt phá, vượt đỉnh như HDB, ACB, BID, MBB, NAB hoặc tăng mạnh như CTG, TCB và mới đây nhất là LPB.
“Không ít cổ phiếu ngân hàng đã tạo sóng, tăng mạnh thời gian qua, đem lại kỳ vọng lan tỏa ra những cổ phiếu ngân hàng khác, trong đó có VPB sau khi đã tích lũy ở vùng 18.000 – 19.000 đồng gần 2 năm qua” – anh Minh bày tỏ.
Chị Khánh Thy (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) cho hay đã mua cổ phiếu NAB của Nam A Bank từ thời điểm cổ phiếu này chính thức lên sàn HoSE và nắm giữ đến nay. Chị kỳ vọng NAB sẽ “hòa nhịp”, đi lên cùng nhiều cổ phiếu ngân hàng khác, đặc biệt khi một số công ty chứng khoán dự báo lợi nhuận của Nam A Bank tiếp tục khả quan trong quý II/2024, hoàn thành 50% kế hoạch cả năm.
Nhận định về nhóm cổ phiếu ngân hàng nửa cuối năm nay, Công ty Chứng khoán BETA cho rằng lợi nhuận ở một số ngân hàng đang có sự cải thiện tốt so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành ngân hàng đã qua giai đoạn khó khăn và đang chuẩn bị nguồn vốn cho một chu kỳ tín dụng mới.
Báo cáo chuyên sâu của Công ty Chứng khoán BETA (BETA Research) đánh giá hoạt động kinh doanh của các ngân hàng có nền tảng vững chắc sẽ tăng trưởng trong nửa cuối năm nay, đến từ kỳ vọng hồi phục tín dụng và chất lượng tài sản cải thiện. Nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh, đặc biệt là BIDV và Vietcombank, đang tiến hành kế hoạch phát hành riêng lẻ và phát hành trái phiếu cấp 2 để tăng cường hệ số an toàn vốn (CAR). Đây là động thái tích cực khi các ngân hàng dần lạc quan hơn về việc hấp thụ vốn của nền kinh tế.
“Lợi nhuận của các ngân hàng sẽ cải thiện rõ nét trong nửa cuối năm 2024, khi tín dụng tăng tốc nhờ xuất nhập khẩu, hoạt động kinh doanh trong nước khởi sắc. Từ đó, sức mua của người dân tăng lên và nhu cầu vay mua sắm, tiêu dùng cũng tăng trở lại” – ông Võ Kim Phụng, Trưởng Phòng Phân tích – Công ty Chứng khoán BETA, nhận định.
Nhiều công ty chứng khoán dự báo lợi nhuận của ngành ngân hàng nửa cuối năm nay có thể tăng trưởng tích cực – tăng 15%-17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, định giá của nhiều cổ phiếu ngân hàng đang ở vùng hấp dẫn với triển vọng tăng trưởng khả quan. Vì vậy, chuyên gia BETA cho rằng nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng với nền tảng vững chắc sẽ là một lựa chọn đầu tư tốt trong giai đoạn nửa cuối năm nay.
Ở góc nhìn khác, ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích – Công ty Chứng khoán Maybank, nhận xét ngoài một vài cổ phiếu như LPB, HDB tăng vọt, nhiều cổ phiếu ngân hàng vẫn đang trong giai đoạn tích lũy vì dòng tiền chưa chảy vào nhóm này. Bởi lẽ, ngành ngân hàng vẫn còn áp lực do nợ xấu tồn tại, lãi suất cho vay giảm, tăng trưởng tín dụng chậm…
“Kết quả lợi nhuận quý II/2024 của ngành ngân hàng sẽ có sự phân hóa mạnh. Chỉ có một số ngân hàng công bố con số tăng trưởng vượt trội 40%-50%, còn lại chỉ tăng trưởng ở mức ổn định, thấp hơn các ngành khác. Do đó, nếu đầu tư dưới 6 tháng, cổ phiếu ngành ngân hàng không bằng các ngành công nghệ, năng lượng, bán lẻ…” – ông Thành phân tích.
Tăng trưởng tín dụng có thể đạt 14%
Trong báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm 2024, Công ty Chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 14% vào năm nay, với mức tăng trưởng GDP dự kiến 6,3%-6,5%. Tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô dự kiến sẽ có nhu cầu cao hơn nhờ lãi suất cho vay thấp và doanh số bán lẻ phục hồi. MBS cũng kỳ vọng hoạt động nhập khẩu sẽ tăng trưởng 18%-20% trong năm nay.
Người Lao Động