Trung tâm tiêm chủng Long Châu, thuộc FPT Retail, đang mở rộng mô hình thần tốc. – Quý 4/2023, doanh thu Long Châu đạt 5.000 tỷ đồng, vượt qua doanh thu 4.000 tỷ đồng của FPT Shop. – Nợ phải trả của Long Châu là 5.377 tỷ đồng, năm 2023….
– Quý 4/2023, doanh thu Long Châu đạt 5.000 tỷ đồng, vượt qua doanh thu 4.000 tỷ đồng của FPT Shop.
– Nợ phải trả của Long Châu là 5.377 tỷ đồng, năm 2023.
Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail – FRT) đang sở hữu hai thương hiệu chính FPT Shop và Long Châu. Trong đó, trước đây Long Châu được biết đến nhiều là hệ thống nhà thuốc, nay thương hiệu này gắn với chuỗi trung tâm tiêm chủng đầy tham vọng khi FPT Shop đang “đuối sức”.
Theo báo cáo năm 2021, FPT Retail ghi nhận doanh thu tăng 53%, lên 22.495 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế tăng vọt từ 10,2 tỷ đồng lên 444 tỷ đồng, nhờ sự tăng trưởng của chuỗi nhà thuốc Long Châu và nhu cầu laptop tăng cao trong đợt dịch
Dù năm 2023, FPT Retail ghi nhận lỗ sau thuế 345,6 tỷ đồng, chuỗi nhà thuốc Long Châu vẫn là điểm sáng với doanh thu tăng trưởng 60%, giúp bù đắp cho sự sụt giảm của FPT Shop. Riêng quý 4/2023, doanh thu Long Châu đạt 5.000 tỷ đồng, vượt qua doanh thu 4.000 tỷ đồng của FPT Shop.
Đến cuối 2023, chuỗi nhà thuốc Long Châu đạt 1.750 cửa hàng và đặt mục tiêu mở thêm 400 nhà thuốc trong năm 2024, nâng tổng số cửa hàng lên 1.900. Hồi đầu tháng này, Long Châu thông báo đạt 1.789 nhà thuốc. Tại quý 1/2024, doanh thu Long Châu tiếp tục tăng 68% so với cùng kỳ năm 2023, hơn 5.530 tỷ đồng.
Giám đốc điều hành FPT Retail, bà Nguyễn Đỗ Quyên, từng chia sẻ rằng Long Châu đang thành lập một đội ngũ để học cách vận hành hệ thống phòng khám chẩn đoán hình ảnh. Tuy nhiên, trước mắt, Long Châu sẽ tập trung vào lĩnh vực tiêm chủng với mục tiêu trở thành cái tên đầu tiên mà người dân nhớ đến khi nhắc đến tiêm chủng.
Năm 2024, Long Châu đặt mục tiêu mở 100 trung tâm tiêm chủng, tiến tới 500 trung tâm đến năm 2027. Công ty sẽ phát triển mô hình tiêm chủng tại nhà thuốc (Pharmacy-Based Immunization – PBI), phổ biến ở nhiều nước như Mỹ, Úc, New Zealand và Singapore.
FPT Retail đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 tăng 17%, 37.300 tỷ đồng, và lợi nhuận trước thuế đạt 125 tỷ đồng, chuỗi Long Châu đóng vai trò chính yếu.
Quay ngược thời gian, khi Long Châu mới về tay FPT Retail, từ năm 2018 đến năm 2020, công ty này liên tục thua lỗ với các khoản lỗ 65 triệu đồng (năm 2018), 41,9 tỷ đồng (năm 2019), 113 tỷ đồng (năm 2020). Đến năm 2021, FPT Long Châu chấm dứt chuỗi thua lỗ, khi lợi nhuận sau thuế đạt 4,9 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế năm 2022 và 2023 của FPT Long Châu tăng vọt lên 53,3 tỷ đồng và 152 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu tăng nhanh nhưng nợ cũng tăng. Cụ thể, nợ phải trả của FPT Long Châu lần lượt là 323 tỷ đồng (năm 2019), 538 tỷ đồng (năm 2020), 1.985 tỷ đồng (năm 2021), 3.245 tỷ đồng (năm 2022) và 5.377 tỷ đồng (năm 2023).
Tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tại FPT Long Châu đạt 7,2 lần (năm 2019), 5,4 lần (năm 2020), 17,4 lần (năm 2021), 8 lần (năm 2022) và 8,8 lần (năm 2023).
Tại ngày 31/12/2023, nợ phải trả của FPT Long Châu là 5.377 tỷ đồng, cao gấp 8,8 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 90% tổng nguồn vốn. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nợ, đạt 54,3% (tương đương 2.921 tỷ đồng).
Theo sau là phải trả người bán ngắn hạn với 1.794 tỷ đồng, tăng 1.046 tỷ đồng, tương đương 140% so với hồi cuối năm 2022.
Cũng tại ngày 31/12/2023, FPT Long Châu ghi nhận 5.376 tỷ đồng nợ ngắn hạn, 5.226 tỷ đồng tài sản ngắn hạn và 4.468 tỷ đồng hàng tồn kho.
Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của FPT Retail đạt 12.637 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho chiếm giá trị lớn nhất. Tuy nhiên, hạng mục này ghi nhận giảm 11%, xuống còn 7.537 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả của FPT Retail tính đến cuối quý 1/2024 là 7.217 tỷ đồng và toàn bộ là nợ ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu đạt 1.780 tỷ đồng, bao gồm cả 276 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Đời Sống Pháp Luật