Một CTCK hạ dự báo VN-Index từ 1.460 về 1.100 điểm trong năm 2025

Dù vậy, TTCK Việt Nam vẫn còn những yếu tố nội tại tích cực giúp thị trường có cơ hội xuất hiện các nhịp hồi phục đan xen. TTCK Việt Nam có diễn biến tăng nhẹ trong quý 1/2025 với động lực đến từ kết quả vĩ mô 2024 khả…

Fatz Admin lúc 2025-04-12
Một CTCK hạ dự báo VN-Index từ 1.460 về 1.100 điểm trong năm 2025

Dù vậy, TTCK Việt Nam vẫn còn những yếu tố nội tại tích cực giúp thị trường có cơ hội xuất hiện các nhịp hồi phục đan xen.

TTCK Việt Nam có diễn biến tăng nhẹ trong quý 1/2025 với động lực đến từ kết quả vĩ mô 2024 khả quan, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tích cực, các cam kết thúc đẩy tăng trưởng của Chính phủ cho năm 2025, cùng với đó là môi trường lãi suất thấp được duy trì. Dù vậy, bước sang đầu quý 2, thị trường đang trải qua nhiều sóng gió trước các sự kiện thuế đối ứng từ Mỹ.

Trong báo cáo chiến lược mới đây, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định rằng triển vọng thị trường chứng khoán thời gian còn lại của năm 2025 sẽ gặp nhiều thử thách. Áp lực chính đến từ chính sách thuế quan của ông Trump áp lên hàng hoá nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam.

Song song, tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp vẫn có sự cải thiện nhẹ so với cùng kỳ, và mặt bằng lãi suất dù tăng cao hơn so với ước tính ban đầu nhưng vẫn ở vùng thấp sẽ là các yếu tố giúp thị trường không sụt giảm quá mạnh.

QUẢNG CÁO

Với tình hình thế giới nhiều biến động, KBSV giữ quan điểm thận trọng hơn với tăng trưởng EPS toàn thị trường về mức 5% (điều chỉnh giảm so với trước đó).

Cụ thể, các nhóm ngành dẫn dắt bao gồm Y tế (+12% so với cùng kỳ), CNTT (+10%), Nguyên vật liệu (+7%),đây là những nhóm ngành ít có rủi ro hơn trong việc bị áp thuế. Nhóm nguyên vật liệu được hưởng lợi khi đầu tư công được đẩy mạnh như một biện pháp để thúc đẩy kinh tế.

Các nhóm ngành tăng trưởng thấp hơn so với mặt bằng chung gồm Công nghiệp, Hàng tiêu dùng không thiết yếu. KBSV đánh giá nhóm này sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi chính sách thuế quan, đặc biệt là các nhóm xuất khẩu các mặt hàng sang Mỹ như dệt may, thuỷ sản. Ngoài ra, nhóm Ngân hàng với tỷ trọng lớn cũng tương ứng chịu điều chỉnh tăng trưởng, do những rủi ro biến động vĩ mô bất thường có thể diễn ảnh hưởng đến hoạt động của toàn ngành.

Một CTCK hạ dự báo VN-Index từ 1.460 về 1.100 điểm trong năm 2025- Ảnh 1.

Mỹ có thể áp mức thuế 46% đối với Việt Nam đem tới rủi ro đối với hoạt động xuất khẩu. Kinh tế Việt Nam vốn ảnh hưởng nhiều bởi xuất khẩu nên việc áp thuế quan sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng, đặc biệt là những ngành nghề như dệt may, thuỷ sản. Tuy nhiên, những chính sách và biện pháp kích thích của chính phủ vẫn sẽ là yếu tố tích cực giúp cải thiện tình hình kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và hướng tới mục tiêu cải thiện tăng trưởng GDP.

Theo KBSV, đỉnh điểm của cuộc chiến thương mại có thể sẽ diễn ra trong tháng 4/2025, sau khi Mỹ công bố chính sách thuế quan và các quốc gia khác đưa ra các biện pháp đáp trả/thương lượng.

Các tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán có thể được cân bằng trở lại vào cuối quý 2/2025, do thị trường đã chiết khấu một phần để phản ánh những tác động tiêu cực, bên cạnh đó những rủi ro bất định có thể giảm xuống do các định hướng chính sách trong Tradewar 2.0 dần rõ ràng hơn ”, báo cáo nêu rõ.

Thêm nữa, đội ngũ phân tích KBSV còn dự báo rằng chính sách thuế đối ứng với mức thuế 46% nếu áp dụng cho Việt Nam có thể ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng GDP 8% do sự suy giảm trong hoạt động xuất khẩu, khu vực đầu tư và tiêu dùng ảnh hưởng gián tiếp.

Đối với triển vọng thị trường trong năm 2025 , KBSV kỳ vọng chỉ số VN-Index đạt mức 1.100, tương ứng mức tăng trưởng EPS toàn thị trường 5%, và mức định giá P/E của VN-Index giảm xuống 11,9, so với thời điểm cuối 2024 ở mức 14,6 lần (thấp hơn mức bình quân 10 năm gần nhất là 16.6 lần).

Một CTCK hạ dự báo VN-Index từ 1.460 về 1.100 điểm trong năm 2025- Ảnh 2.

KBSV đánh giá, TTCK Việt Nam vẫn còn những yếu tố nội tại tích cực giúp thị trường có cơ hội xuất hiện các nhịp hồi phục đan xen.

Trong đó có thể kể đến như việc đưa vào hệ thống giao dịch KRX vào đầu tháng 5 và nâng hạng thị trường vào tháng 9, đầu tư công được đẩy mạnh khi đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, chính sách kích cầu tiêu dùng, mặt bằng lãi suất dù tăng trở lại nhưng vẫn ở mức thấp, trong khi các doanh nghiệp niêm yết vẫn ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ.

Dương Ngọc

Nhịp sống thị trường

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.

Từ khoá: