Đà tăng mạnh cổ phiếu CET diễn ra trong bối cảnh các giao dịch cổ đông lớn diễn ra dày đặc. Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tuần giao dịch tương đối hưng phấn khi VN-Index chinh phục thành công mốc cản 1.100 điểm. Trong bối cảnh…
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tuần giao dịch tương đối hưng phấn khi VN-Index chinh phục thành công mốc cản 1.100 điểm. Trong bối cảnh đó, không ít những cổ phiếu lớn nhỏ đều tranh thủ bứt phá, đáng chú ý cổ phiếu CET của CTCP HTC Holding còn thiết lập đà tăng một mạch kịch trần 7 phiên liên tiếp.
Sau nhịp hồi phục nhẹ giữa tháng 3, cổ phiếu này chủ yếu lình xình với mức thị giá “trà đá” 4.000 đồng/cp. Từ mức giá 4.100 đồng (phiên 31/5), cổ phiếu CET tăng vọt lên mức 7.500 đồng (phiên 9/6), tương ứng mức tăng 83% chỉ sau hơn 1 tuần giao dịch. Mức thị giá này đã giúp CET leo lên mức đỉnh cao nhất trong vòng 14 tháng trở lại đây.
Không những tăng mạnh về điểm số, thanh khoản cũng trở nên sôi động và cải thiện mạnh. Từ những phiên giao dịch chỉ có vài trăm cổ phiếu đến nhỉnh hơn 1.000 cổ phiếu thậm chí còn “tắt thanh khoản”, CET đã có những phiên lên tới vài chục nghìn cổ phiếu được khớp lệnh. Đáng chú ý, nhiều phiên giao dịch hàng xuất hiện hàng triệu cổ phiếu được thỏa thuận sang tay.
Cổ đông lớn liên tục “sang tay”
Đà tăng mạnh cổ phiếu CET diễn ra trong bối cảnh các giao dịch cổ đông lớn diễn ra dày đặc.
Mới đây nhất, cổ đông lớn nhất của công ty là ông Trần Hoàng Cường đã bán ra hơn 540 nghìn cổ phiếu để giảm tỷ lệ sở hữu từ 23,97% xuống còn 15,01% trong ngày 2/6.
Không chỉ ông Cường, 2 cổ đông lớn khác là bà Lê Thị Tuyết Vân và ông Huỳnh Tấn Thọ đã lần lượt bán ra 1,2 triệu cổ phiếu và 70 nghìn cổ phiếu trong ngày 1/6. Sau giao dịch, bà Vân đã không còn là cổ đông lớn của công ty; tỷ lệ sở hữu của ông Thọ cũng giảm xuống 7,57%.
Ngược chiều giao dịch, cùng ngày 1/6, CTCP Magnolia Investment mua vào 1,3 triệu cổ phiếu (tương ứng tỷ lệ sở hữu 21,49%) và trở thành cổ đông lớn. Trong phiên giao dịch này, xuất hiện giao dịch thỏa thuận 1,3 triệu cổ phiếu CET, với tổng giá trị 5,85 tỷ đồng.
Sang ngày 2/6, công ty đón nhận thêm một cổ đông lớn khác là CTCP Đầu tư Vian Hà Nội sau khi mua vào 1 triệu cổ phiếu để nâng tỷ lệ nắm giữ lên 16,53%; trước đó doanh nghiệp này không sở hữu cổ phiếu nào. Vian Hà Nội đã chi 4,9 tỷ đồng cho việc nắm giữ 1 triệu cổ phiếu CET trong phiên 2/6.
Kết quả kinh doanh không mấy khả quan
Theo tìm hiểu, HTC Holding tiền thân là CTCP Tech – Vina được thành lập từ tháng 10/2009 với số vốn ban đầu là 3 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh của công ty bao gồm sản xuất chiết xuất các sản phẩm hương liệu tự nhiên; Sản xuất nước hương liệu chưng cất; Bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu (trừ gỗ, tre, nứa) và động vật sống…
Sản phẩm chính tinh dầu quế của doanh nghiệp được sản xuất tại nhà máy tỉnh Lào Cai. Cành quế, vỏ quế, lá quế được thu mua từ hơn 8.000 hộ nông dân trồng quế trong vùng nguyên liệu 5.000 ha, sau đó vận chuyển và đưa vào dây chuyền sản xuất, chế biến tinh dầu. Tính tới hiện tại, CET có vốn điều lệ là 60,5 tỷ đồng.
Nhìn lại năm 2022, dù doanh thu HTC Holding đạt mức kỷ lục gần 100 tỷ đồng, song lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp vẫn ở mức thấp, vỏn vẹn 1 tỷ đồng. Do kinh doanh với giá vốn cao, phần lợi nhuận hầu hết đều bị ăn mòn khá nhiều.
Kết thúc quý 1/2023, CET ghi nhận doanh thu đạt gần 24 tỷ đồng, tăng tới 140% so với cùng kỳ năm ngoái; tuy nhiên giá vốn hàng bán tăng mạnh 145% nên lợi nhuận trước thuế gần như đi ngang so với cùng kỳ, đạt hơn 273 triệu đồng.
Thông tin cập nhật từ HTC Holding, ngày 7/6 là ngày giao dịch không hưởng quyền tham dự ĐHCĐ thường niên năm 2023 của Công ty. Đại hội dự kiến sẽ tổ chức ngày 30/6, địa điểm Công ty sẽ thông báo cụ thể cho cổ đông trong thư mời.
2 cổ đông lớn nhất của Novaland mới bán 1/5 trên tổng số 88 triệu cổ phiếu NVL đăng ký trước đó
Nhịp sống thị trường