Cổ phiếu này chứng kiến chuỗi tăng mạnh 4 phiên gần nhất, trong đó có tới 2 phiên tăng kịch trần. Thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu bất động sản hồi phục tích cực sau chuỗi giảm giá sâu trước đó. Vượt trội hơn mặt bằng chung, cổ phiếu…
Thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu bất động sản hồi phục tích cực sau chuỗi giảm giá sâu trước đó. Vượt trội hơn mặt bằng chung, cổ phiếu SGR của Tổng Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (Saigonres) chứng kiến chuỗi tăng mạnh 4 phiên gần nhất, trong đó có 2 phiên kịch trần.
Hiện, SGR đang giao dịch ở mức 37.300 đồng/cp (+5,67%,+2.000), tương ứng mức tăng 46% chỉ sau 1 tuần từ 15/8. Thậm chí, SGR đang leo lên sát vùng đỉnh lịch sử hơn 39.000 đồng từng đạt được hồi tháng 1/2022.
Với khoảng 60 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa SGR theo đó tăng hơn 700 tỷ đồng trong vòng 1 tuần lên xấp xỉ 2.240 tỷ đồng.
Đà tăng ấn tượng của cổ phiếu SGR diễn ra ngay trước thềm doanh nghiệp này chốt danh sách cổ đông lấy ý kiến bằng văn bản vào ngày 29/8 tới đây. Thời gian thực hiện trong tháng 9 và tháng 10/2024. Nội dung cụ thể chưa được thông báo.
Ở một diễn biến liên quan, doanh nghiệp bất động sản này ghi nhận động thái mới tại tỉnh Thái Nguyên. Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên đã công bố kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị Nam Tiến 2 tại phường Nam Tiến, TP Phổ Yên hồi cuối tháng 7 vừa qua.
Theo đó, nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án là Liên danh Sài Gòn Thái Nguyên, bao gồm CTCP Tổng CTCP Địa ốc Sài Gòn (Saigonres, SGR), Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, DIG) và CTCP Hưng Thịnh Incons (HTN).
Được biết, khu đô thị Nam Tiến 2 có diện tích 352,862m2. Tổng mức đầu tư gần 3,825 tỷ đồng, trong đó chi phí thực hiện hơn 3,403 tỷ đồng, còn chi phí bồi thường, tái định cư gần 422 tỷ đồng. Tiến độ đầu tư dự kiến kéo dài từ quý 2/2024 đến hết quý 3/2029.
Các sản phẩm nhà ở bao gồm: nhà ở liền kề (xây thô, hoàn thiện mặt ngoài); chung cư hỗn hợp (thương mại dịch vụ, căn hộ chung cư); đất ở đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền cho người dân tự xây nhà ở theo quy định của pháp luật đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản; quỹ đất tái định cư với diện tích gần 21,300m2; quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội với diện tích trên 32,200m2.
Tình hình kinh doanh ‘ảm đạm’ sau năm thăng hoa
Trở lại với Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn, Saigonres là doanh nghiệp cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước Công ty Xây dựng Kinh doanh nhà Gia Định thuộc Sở Địa Chính – Nhà Đất Thành phố Hồ Chí Minh.
Saigonres được biết tới là công ty chuyên ngành về đầu tư kinh doanh địa ốc, xây dựng các công trình công nghiệp, dân dụng, kinh doanh, xuất nhập khẩu VLXD, cho thuê máy móc thiết bị, tư vấn đầu tư và thiết kế xây dựng, khai thác khoáng sản và nhà ở sinh thái vườn.
Về tình hình kinh doanh, sau khi đạt mốc lợi nhuận cao trong năm 2022, kết quả kinh doanh năm 2023 của Saigonres sụt giảm khá mạnh. Doanh thu thuần đạt 100 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt hơn 103 tỷ đồng, lần lượt giảm tới 85% và 52% so với thực hiện năm 2022.
Doanh nghiệp này cho biết năm 2023 là một năm đầy thử thách với nền kinh tế nói chung và BĐS nói riêng. Ngoài ảnh hưởng từ chính sách thắt chặt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, kênh huy động vốn qua trái phiếu bị kiểm soát, các dự án BĐS của Tổng Công ty tại TP.HCM và khu vực lân cận cũng gặp nhiều khó khăn trong thủ tục pháp lý, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.
Sang nửa đầu năm 2024, doanh thu thuần của SGR ghi nhận gần 77 tỷ đồng, tăng 166% so với cùng kỳ 2023. Tuy nhiên, doanh thu tài chính trong kỳ giảm đến 94% còn đem lại vỏn vẹn 5 tỷ đồng, nguyên nhân do giảm lãi tiền gửi, tiền cho vay/chậm thanh toán, cổ tức được chia và doanh thu hợp tác đầu tư. Kết quả, công ty báo lãi sau thuế 6 tháng đầu năm 2024 “bay hơi” 92% còn hơn 2 tỷ đồng.
Nhịp sống thị trường