Lý giải bức tranh sáng tối lợi nhuận ngân hàng quí 3

(KTSG) – Trong quí 3-2023, tổng thu nhập lãi thuần của 27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán giảm 4.360 tỉ đồng, tương đương giảm gần 4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có đến 18 ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm. Đây là diễn…

Fatz Admin lúc 2023-11-04

(KTSG) – Trong quí 3-2023, tổng thu nhập lãi thuần của 27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán giảm 4.360 tỉ đồng, tương đương giảm gần 4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có đến 18 ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm. Đây là diễn biến hiếm khi xảy ra trong nhiều năm trở lại đây, do thu nhập lãi thuần thường duy trì xu hướng tăng trưởng theo quy mô kinh doanh đi lên.

Lợi nhuận trước thuế trong quí 3-2023 của VPBank giảm 1.397 tỉ đồng, tương đương giảm 31% so với cùng kỳ. Ảnh: LÊ VŨ

Bức tranh được dự báo trước

Tổng lợi nhuận trước thuế (LNTT) của 27 ngân hàng niêm yết đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí 3-2023 đạt gần 59.605 tỉ đồng, giảm hơn 971 tỉ đồng, tương đương giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có đến 16 ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm, chiếm tỷ trọng 59%, cho thấy bức tranh chung của ngành ngân hàng khá ảm đạm, trong bối cảnh hoạt động của nền kinh tế và kết quả kinh doanh của nhiều ngành nghề, doanh nghiệp khác đều suy yếu.

QUẢNG CÁO

Năm ngân hàng có LNTT giảm mạnh nhất so với cùng kỳ quí 3-2022 gồm VPBank giảm gần 1.397 tỉ đồng, tương đương giảm 31%; Eximbank giảm hơn 971 tỉ đồng (76%); Techcombank giảm hơn 872 tỉ đồng (13%); SHB giảm 833 tỉ đồng (26%) và BIDV giảm hơn 780 tỉ đồng (giảm 12%).

Xét theo tốc độ giảm tương đối, Eximbank đứng đầu, kế tiếp là Bắc Á (giảm 73%); Bản Việt (68%); Việt Á và VietBank (cùng 67%); ABBank (66%) và PGBank (60%).

Dĩ nhiên, vẫn có một số ngân hàng duy trì được tăng trưởng LNTT trong quí 3. Có thể kể đến như Vietcombank tăng gần 1.485 tỉ đồng, tương đương tăng 20%; MBBank tăng 988 tỉ đồng (16%); VietinBank tăng 714 tỉ đồng (17%); ACB tăng 560 tỉ đồng (13%); Sacombank tăng 553 tỉ đồng (36%); OCB tăng 445 tỉ đồng (49%)…

Xét theo số lợi nhuận tuyệt đối, trong quí 3, có 16 ngân hàng công bố LNTT trên 1.000 tỉ đồng. Trong đó, năm ngân hàng có LNTT lớn nhất là Vietcombank đạt 9.051 tỉ đồng; MBBank đã vượt qua BIDV để vươn lên đứng thứ 2 với mức LNTT gần 7.284 tỉ đồng; kế tiếp là BIDV lãi gần 5.893 tỉ đồng; Techcombank và ACB lần lượt xếp thứ 4 và thứ 5 với mức lãi 5.843 tỉ đồng và 5.035 tỉ đồng. VietinBank đã rớt xuống vị trí thứ 6 với LNTT 4.871 tỉ đồng.

Bảy ngân hàng báo lãi dưới 100 tỉ đồng trong quí 3 gồm Bản Việt lãi 21,6 tỉ đồng; ABBank lãi 29,5 tỉ đồng; VietBank lãi 49,6 tỉ đồng; PGBank lãi 56,6 tỉ đồng; VietA Bank lãi 63 tỉ đồng; SaigonBank lãi 64,7 tỉ đồng và bất ngờ nhất là Bắc Á khi chỉ còn lãi hơn 77 tỉ đồng. Đáng lưu ý, một ngân hàng ghi nhận lỗ trong quí 3 năm nay.

Yếu tố nào ảnh hưởng?

Đi sâu vào báo cáo tài chính của 27 ngân hàng niêm yết đã công bố báo cáo tài chính nói trên, sẽ thấy một số yếu tố đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng trong quí 3 vừa qua cũng như giai đoạn chín tháng đầu năm nay.

Thứ nhất, báo cáo tài chính cho thấy trong quí 3, tổng thu nhập lãi thuần của 27 ngân hàng giảm 4.360 tỉ đồng, tương đương giảm gần 4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có đến 18 ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm. Đây là diễn biến hiếm khi xảy ra trong nhiều năm trở lại đây, do thu nhập lãi thuần thường duy trì xu hướng tăng trưởng theo quy mô kinh doanh đi lên.

Sắp tới, nếu như câu chuyện thoái thu lãi hay trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chỉ mang tính ngắn hạn, thì việc xử lý, thu hồi nợ xấu để hạn chế nguồn vốn bị mắc kẹt vào các tài sản này sẽ mang lại nhiều hệ lụy lâu dài hơn. Dù vậy, điểm tích cực là chi phí vốn của nhiều ngân hàng vẫn đang trong quá trình giảm…

Có hai nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên.

Đầu tiên là do chi phí trả lãi tiền gửi của tất cả ngân hàng đều tăng mạnh so với cùng kỳ, do lãi suất huy động bình quân đã lên cao hơn. Dù những tháng qua mặt bằng lãi suất tiền gửi đã giảm nhanh trở lại, nhưng một lượng vốn lớn huy động ở vùng lãi suất cao trước đây vẫn còn kẹt lại, nên thực tế chi phí vốn đầu vào của nhiều ngân hàng vẫn đang cao hơn nhiều so với giai đoạn trước.

Kế tiếp là do tăng trưởng tín dụng của hầu hết các ngân hàng khá trì trệ từ đầu năm đến nay nói chung và quí 3 nói riêng, khiến thu nhập lãi không theo kịp mức tăng của chi trả lãi. Một số ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng khá khiêm tốn như Eximbank và Bản Việt chỉ tăng 4,2%; Saigon Bank tăng 4,3%; Bắc Á tăng 4,8%; PGBank tăng 5%.

Ngoài ra, nợ xấu tăng mạnh so với đầu năm cũng khiến nhiều ngân hàng không chỉ chịu áp lực phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, mà còn phải thoái thu các khoản lãi chưa thu được, càng làm ảnh hưởng lên nguồn thu nhập từ lãi. Đáng lưu ý là với các khoản nợ được tái cơ cấu, các ngân hàng dù được phép giữ nguyên nhóm nợ nhưng vẫn phải thoái thu lãi định kỳ nếu không thu được.

Các ngân hàng ghi nhận chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong quí 3 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022 có thể kể đến như: VIB tăng 1.459 tỉ đồng; TPBank tăng 964 tỉ đồng; BIDV tăng 520 tỉ đồng; Eximbank tăng 466 tỉ đồng; Techcombank tăng 335 tỉ đồng… Ở chiều ngược lại, Sacombank giảm chi phí trích lập dự phòng được 1.598 tỉ đồng; Vietcombank giảm 1.284 tỉ đồng; VietinBank giảm 800 tỉ đồng… Đây cũng là lý do chủ yếu giúp ba ngân hàng này tăng được lợi nhuận so với cùng kỳ.

Thứ hai, ở các khoản thu nhập ngoài lãi, tổng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của 27 ngân hàng tuy có sự tăng trưởng 446 tỉ đồng so với cùng kỳ, tương đương tăng hơn 3%, nhưng vẫn có đến 14 ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm. Trong bối cảnh nhiều hoạt động mang lại nguồn thu nhập dịch vụ lớn trong những năm qua như trái phiếu doanh nghiệp, bancassurance bị kiểm soát chặt chẽ hơn, không ít ngân hàng đã bị ảnh hưởng. Dù vậy, một số ngân hàng đã nỗ lực tìm kiếm và đa dạng hóa các nguồn thu khác, nên vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng.

Đáng lưu ý là việc thị trường ngoại hối biến động mạnh hơn trong quí 3, với tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng liên tục đi lên, đã mang lại cơ hội cho nhiều ngân hàng lướt sóng tỷ giá và lãi lớn ở hoạt động kinh doanh ngoại hối. Thống kê cho thấy tổng lãi thuần từ hoạt động này của 27 ngân hàng tăng mạnh 2.889 tỉ đồng so với cùng kỳ, tương đương tăng đến 62%. Đây được xem là một trong những yếu tố giúp kéo lại lợi nhuận cho nhiều ngân hàng.

Một số ngân hàng có mức tăng trưởng lớn ở hoạt động kinh doanh ngoại hối có thể kể đến như BIDV tăng 881 tỉ đồng; VIB tăng 377 tỉ đồng; VietinBank tăng 292 tỉ đồng; Seabank tăng 261 tỉ đồng; MSB tăng 238 tỉ đồng.

Song song đó, lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư cũng phần nào giúp các ngân hàng co kéo lại, đóng góp tích cực vào lợi nhuận. Một số ngân hàng ghi nhận tăng lãi lớn từ hoạt động này như ACB tăng vọt 883 tỉ đồng; TPBank tăng 544 tỉ đồng; HDBank tăng 528 tỉ đồng; Techcombank tăng 478 tỉ đồng; Eximbank tăng 161 tỉ đồng; VietA Bank tăng 129 tỉ đồng.

Trước những dự báo nợ xấu và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới và đạt đỉnh trong quí 4 này, lợi nhuận của các ngân hàng có thể tiếp tục chịu tác động tiêu cực trong thời gian tới. Trong khi đó, đối với nợ tái cơ cấu, các ngân hàng vẫn phải thoái thu lãi và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng theo lộ trình quy định. Đặc biệt, nếu như câu chuyện thoái thu lãi hay trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chỉ mang tính ngắn hạn, thì việc xử lý, thu hồi nợ xấu để hạn chế nguồn vốn bị mắc kẹt vào các tài sản này sẽ mang lại nhiều hệ lụy lâu dài hơn.

Dù vậy, điểm tích cực là chi phí vốn của nhiều ngân hàng vẫn đang trong quá trình giảm và sẽ còn giảm nhanh hơn trong thời gian tới, khi mặt bằng lãi suất tiền gửi thời gian qua đã đi xuống đáng kể và các khoản tiền gửi giai đoạn lãi suất cao đang đáo hạn dần. Điều này sẽ phần nào giúp biên độ lãi suất đầu ra – đầu vào ở hoạt động tín dụng và đầu tư, cũng như lợi nhuận của các ngân hàng có sự cải thiện theo chiều hướng tích cực hơn.

Triệu Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.