(KTSG Online) – Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi đã được thông qua ngày 18-1, hướng đến mục tiêu quản lý ngành ngân hàng tốt hơn, bao gồm kiểm soát chặt chẽ hơn nhóm cổ đông ngân hàng về cả tỷ lệ sở hữu lần giới hạn cấp tín…
(KTSG Online) – Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi đã được thông qua ngày 18-1, hướng đến mục tiêu quản lý ngành ngân hàng tốt hơn, bao gồm kiểm soát chặt chẽ hơn nhóm cổ đông ngân hàng về cả tỷ lệ sở hữu lần giới hạn cấp tín dụng.
Ngày 18-1 vừa qua, tại kỳ họp quốc hội bất thường lần thứ 5, Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Dự thảo Luật tăng 7 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 11 năm ngoái.
Một số nội dung chính được nhắc đến nhiều là quản trị ngân hàng. Bao gồm như tổ chức, quản trị điều hành của tổ chức tín dụng (những trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ; nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát; tỷ lệ sở hữu cổ phần).
Vấn đề nổi bật tiếp theo là can thiệp sớm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng; xử lý trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt, vay, cho vay đặc biệt.
Luật sửa đổi quy định các hạn chế để bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng (về giới hạn cấp tín dụng, quyền, nghĩa vụ của công ty kiểm soát). Câu chuyện xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm cũng được nhắc đến.
Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024, riêng khoản 3 điều 200 và khoản 15 Điều 210 có hiệu lực từ 1-1-2025.
Sau thảo luận, có một số ý kiến của đại biểu được tiếp thu chỉnh lý bao gồm quy định liên quan đến tỷ lệ sở hữu của quỹ tín dụng nhân dân (khác với ngân hàng); hoạt động đại lý bảo hiểm; quy định cổ đông lớn phải công bố và công khai thông tin để minh bạch; thuyết minh rõ về vấn đề tài chính của việc can thiệp sớm tổ chức tín dụng hay chấm dứt can thiệp sớm.
Về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm được chỉnh lý theo hướng quy định về chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ tại khoản 3 Điều 200 và về chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản đã nhận làm tài sản bảo đảm trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành để thu hồi nợ tại khoản 15 Điều 210 của dự thảo Luật.
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Maybank IB (MSVN), có ba vấn đề đáng chú ý trong việc sửa đổi lần này là giảm giới hạn quyền sở hữu ngân hàng, giới hạn tín dụng và can thiệp vào tái cơ cấu ngân hàng.
Với trường hợp giảm tỷ lệ sở hữu, một cá nhân sở hữu tối đa 3% vốn điều lệ ngân hàng (so với 5% trước đây), tương tự tổ chức cũng giảm từ 15% xuống 10%, nhóm cổ đông và các bên liên quan giảm từ 20% xuống 15%.
Theo MSVN, quy định này có thể tăng thêm chi phí cho nhà băng, trong khi tỷ lệ giới hạn sở hữu hiện tại ở Việt Nam đã ở mức thấp so với nhiều quốc gia khác, đồng thời là rào cản trong việc thu hút nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Các nhà băng cũng sẽ phải giới hạn tín dụng khi chỉ được cho vay tối đa 10% tổng vốn chủ sở hữu đối với một khách hàng (giảm từ mức 15% trước đây) và giảm từ 25% xuống 15% với với một nhóm khách hàng và người có liên quan. Việc cho vay vượt quá mức này phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Điều này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch cho vay của một số ngân hàng cũng như tạo thách thức cho các doanh nghiệp trong việc đảm bảo nguồn vốn lớn.
Câu chuyện tích cực hơn là việc can thiệp tái cơ cấu. Các ngân hàng có lỗ lũy kế vượt quá 15% vốn điều lệ sẽ bị can thiệp sớm. Trong giai đoạn này, các ngân hàng phải tự giải quyết vấn đề của mình. Các ngân hàng đang đối mặt rủi ro rút tiền gửi hàng loạt, và/hoặc lỗ lũy kế vượt quá 100% vốn điều lệ,… sẽ bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Nhìn chung, Luật TCTD sửa đổi hướng đến mục tiêu tăng cường quản lý hoạt động của ngành, cụ thể là liên quan đến quyền sở hữu, và cho vay các bên liên quan. Việc mở rộng đối tượng bị coi là liên quan, đồng thời giảm giới hạn cho vay với các bên liên quan là nhắm đến mục tiêu hạn chế việc cho vay sân sau. Tuy nhiên, MSVN cũng khuyến nghị nhà đầu tư nên quan tâm nhiều hơn đến các quy định ảnh hưởng đến yêu cầu về vốn, tính toán rủi ro của ngân hàng, vì đó sẽ ảnh hưởng mạnh và trực tiếp lên ROE.
“Với luật TCTD sửa đổi, chúng tôi không thấy gây thay đổi cơ cấu gì cho ROE và cũng chỉ nhằm mục tiêu quản lý ngành ngân hàng tốt lên”, nhóm phân tích của MSVN bình luận.
Xử lý nợ xấu cũng được nhắc đến nhiều, trong đó là việc luật hóa Nghị quyết 42 của Quốc hội năm 2017 về xử lý nợ xấu, hết hiệu lực từ 31-12-2023 sau khi đã được gia hạn. Trong đó, một vấn đề mới là câu chuyện của xử lý tài sản đảm bảo.
Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) bình luận quy định tại khoản 3 Điều 200, về việc chuyển nhượng tài sản đảm bảo để thu hồi nợ sẽ gặp vướng mắc. Lý do là vì theo Luật kinh doanh bất động sản thì việc chuyển nhượng dự án (hoặc một phần) phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai, trong khi thực tế thì đa phần các dự án đều chưa hoàn thành nghĩa vụ này.
Một vấn đề quan trọng cũng được đại biểu quốc hội nhắc đến nhiều là câu chuyện tăng cường khả năng giám sát thực thi, vì trước đó cũng đã có biện pháp kiểm soát sở hữu chéo hay hạn mức cấp tín dụng. Ngoài ra, quy định cụ thể Luật cũng cần hướng đến việc hướng rút gọn hơn thời gian xử lý các thủ tục hành chính về việc xử lý nợ xấu.
Ngày 15-1, Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị số 01 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024, trong đó có việc tập trung nghiên cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định về tổ chức, hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng.
Trong đó, tiếp tục triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”, xử lý các TCTD yếu kém, triển khai cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt.
NHNN cũng sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các rủi ro, tồn tại và sai phạm của tổ chức tín dụng, góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, ngân hàng.
Kinh tế Sài Gòn Online