Lãnh đạo VIB, HDBank và Techcombank mới đăng ký mua lượng lớn cổ phiếu ngân hàng còn VPBank thì lên kế hoạch mua cổ phiếu quỹ. Ông Hồ Vân Long – Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Ban dịch vụ tài chính VIB vừa đăng ký mua 1,5 triệu…
Ông Hồ Vân Long – Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Ban dịch vụ tài chính VIB vừa đăng ký mua 1,5 triệu cổ phiếu VIB nhằm đầu tư tài chính dài hạn. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận trong thời gian từ 18/11 – 17/12/2022.
Kết phiên giao dịch 15/11, cổ phiếu VIB giảm 0,57% xuống còn 17.000 đồng/cp. Ước tính theo mức giá này, ông Long cần chi ra khoảng 26 tỷ đồng để thực hiện giao dịch.
Tại HDBank, hai lãnh đạo ngân hàng là ông Nguyễn Hữu Đặng – Phó chủ tịch HĐQT và ông Đào Duy Tường – Trưởng Ban Kiểm soát đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu HDB, dự kiến giao dịch từ 15/11.
Trước đó, hôm 4/11 ông Phạm Quốc Thanh – Tổng Giám đốc HDBank đã hoàn tất mua 659.700 cổ phiếu HDB và nâng tổng số cổ phiếu sở hữu lên 1,9 triệu đơn vị sau hai đợt mua vào trong năm nay.
Theo thông báo của Techcombank, ông Phan Thanh Sơn – Phó Tổng Giám đốc ngân hàng đã đăng ký mua 200.000 cổ phiếu TCB nhằm phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận trong thời gian từ 31/10 – 23/11/2022.
Trong khi đó VPBank mới đây thông báo chốt ngày đăng ký cuối cùng vào ngày 18/11 để lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc mua lại cổ phiếu quỹ. Ngân hàng dự kiến sẽ lấy ý kiến cổ đông trong tháng 11 này và hiện chưa công bố chi tiết phương án mua lại cổ phiếu quỹ.
Trước đó, tại tại buổi gặp mặt nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo VPBank cho biết ngân hàng sẽ mua cổ phiếu quỹ và xin ý kiến cổ đông vào cuối tháng 11. Khi đó, ngân hàng sẽ thông báo cụ thể hơn về khối lượng cũng như phương án, thời gian mua cổ phiếu quỹ.
Lãnh đạo VPBank nhận định việc mua cổ phiếu quỹ là một trong những công cụ hiệu quả không chỉ ở thị trường trong nước mà cả thị trường nước ngoài để tăng tính thanh khoản của cổ phiếu, mang lại lợi ích cho cổ đông khi thị trường bình ổn, vượt qua khủng hoảng.
Lãnh đạo VPBank cho rằng với tiềm lực vốn lớn, ngân hàng hoàn toàn có thể nghiên cứu việc mua cổ phiếu quỹ để gia tăng lợi ích của nhà đầu tư trong dài hạn, một phần nào đó đóng góp vào thanh khoản của toàn thị trường.
Những thông tin giao dịch trên xuất hiện trong bối cảnh cổ phiếu ngân hàng liên tục giảm sâu, khiến nhiều mã mất hơn nửa giá trị kể từ đầu năm.
Theo dữ liệu của WiGroup, khoảng 50% các ngân hàng đang được niêm yết có mức định giá P/B nhỏ hơn 1. Trong đó, chiếm phần lớn là các ngân hàng có quy mô vốn hóa nhỏ trong ngành, ngoại trừ TCB đang bị thị trường đánh giá tiêu cực do các lo ngại về việc kinh doanh mảng trái phiếu và cho vay bất động sản. Định giá P/B tính đến ngày 3/11 của nhóm ngân hàng chỉ ở mức 1,37, tiệm cận với giai đoạn Covid 19 bùng phát trong năm 2020 và thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 10 năm là 1,8 lần.
WiGroup cho rằng, mức định giá hiện tại là đang có sự phản ánh những khó khăn mà ngành đang gặp phải ở thời điểm hiện tại và trong tương lai khi (1) áp lực tăng lãi suất ảnh hưởng đến NIM và tăng trưởng tín dụng, (2) tỷ lệ nợ xấu và chi phí trích lập gia tăng và có thể trầm trọng hơn khi thị trường bất động sản đóng băng.
Còn theo đánh giá của các chuyên gia Dragon Capital, ngành ngân hàng tiếp tục công bố số liệu tích cực so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế tăng 52%, song so với quý trước, lợi nhuận nhóm này giảm 4,1%. Trong bối cảnh chính sách tiền tệ đang thắt chặt, Dragon Capital dự báo triển vọng ngành ngân hàng khó vượt trội, qua đó kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn cho năm 2023.
Tuy triển vọng yếu đi, nhưng Dragon Capital cho rằng nhiều rủi ro đã được phản ánh vào giá. Định giá thị trường đang ở vùng rất hấp dẫn khi về gần mức thấp nhất 10 năm. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cần phải theo dõi đà tăng lãi suất và những diễn biến xảy ra trên toàn cầu. Và quan trọng hơn hết, Chính phủ sẽ đưa ra những chính sách nào để hỗ trợ lĩnh vực tài chính.
Nhịp sống Thị trường
Trả lời