Theo công ty, dù 2 nhà máy thép ngưng hoạt động nhưng công ty vẫn phải gánh chịu nhiều chi phí, khiến kết quả kinh doanh thua lỗ nặng Công ty Cổ phần Thép Pomina (mã POM) đã công bố BCTC công ty mẹ quý 2/2024. Doanh thu thuần giảm…
Công ty Cổ phần Thép Pomina (mã POM) đã công bố BCTC công ty mẹ quý 2/2024. Doanh thu thuần giảm mạnh 84% so với cùng kỳ xuống 46 tỷ. Pomina tiếp tục ghi nhận tình trạng kinh doanh dưới giá vốn khiến công ty lỗ gộp 52 tỷ, nặng hơn khoản lỗ gộp 26 tỷ trong cùng kỳ năm trước.
Các khoản chi phí được tiết giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên vẫn gây áp lực lớn lên tình hình kinh doanh của công ty. Trong đó đáng kể nhất là chi phí tài chính với 158 tỷ, giảm 34% so với quý 2/2023; hơn 131 tỷ đồng đến từ chi phí lãi vay. Chi phí QLDN giảm 24% xuống 43 tỷ đồng.
Kết quả, Pomina lỗ sau thuế hơn 279 tỷ, giảm đôi chút so với khoản lỗ 349 tỷ trong cùng kỳ năm 2023. Đây là quý lỗ thứ 9 liên tiếp của doanh nghiệp ngành thép này.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của Pomina giảm mạnh 96% từ mức nghìn tỷ xuống còn vỏn vẹn 48 tỷ đồng. Số lỗ sau thuế ghi nhận hơn 504 tỷ đồng.
Theo giải trình của Thép Pomina, việc thua lỗ là do nhà máy thép Pomina 3 và Pomina 1 ngưng hoạt động nhưng vẫn phải gánh chịu chi phí như chi phí quản lý, chi phí lãi vay. Công ty cũng đang tìm kiếm nhà đầu tư để tái cấu trúc lại để có thể sản xuất lại trong thời gian sớm nhất.
Tới cuối quý 2/2024, tổng tài sản của Pomina đạt 8.356 tỷ, trong đó chưa tới 8 tỷ đồng tiền mặt. Khoản mục chi phí xây dựng dở dang ghi nhận hơn 5.700 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tổng tài sản.
Bên cạnh đó, Pomina đầu tư hơn 800 tỷ đồng vào công ty con tuy nhiên phải trích lập dự phòng gần 240 tỷ đồng.
Nợ phải trả của doanh nghiệp đạt 7.263 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, vay nợ tài chính 4.343 tỷ đồng.
Từng là một trong những nhà sản xuất thép xây dựng lớn nhất Việt Nam với thị phần gần 30%, tuy nhiên Thép Pomina dần trở nên lép vế trước sự vươn lên mạnh mẽ của Hòa Phát. Bước qua chu kỳ bùng nổ, lợi nhuận của doanh nghiệp đi xuống rõ rệt, thậm chí thua lỗ. Pomina thậm chí phải dừng hoạt động sản xuất lò cao từ ngày 23/9/2022, đồng thời phải chấm dứt hợp đồng lao động với một số cán bộ công nhân viên của công ty do kinh doanh quá khó khăn.
Giai đoạn 2022-2023 công ty thua lỗ kỷ lục. Với khoản lỗ đậm sau nửa đầu năm nay, tổng lỗ lũy kế tính tới thời điểm 30/6/2024 đạt xấp xỉ 1.800 tỷ đồng, tương đương 63% vốn góp của chủ sở hữu.
Diễn biến mới nhất, đầu tháng 8 vừa qua, Pomina đã có thông báo chính thức ký hợp đồng hợp tác chiến lược với Công Ty Thép Nansei (Nhật Bản). Trong đó, Nansei sẽ cung cấp đủ nguồn nguyên vật liệu cần thiết cho CTCP thép Pomina 2 vận hành công suất tối đa bắt đầu từ tháng 9/2024, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Đồng thời Pomina cũng ký MOU (biên bản ghi nhớ) với một nhà đầu tư lớn và chuyên nghiệp với mục tiêu khởi động lại dự án lò cao vào đầu năm 2025 nhằm đón đầu nhu cầu đầu tư công và các dự án bất động sản dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2025. Danh tính của nhà đầu tư mới này chưa được tiết lộ.
Công ty kỳ vọng sẽ vận hành lại lò cao vào quý 4/2024 sau thời gian ngừng hoạt động để đón đầu sự trở lại của các dự án bất động sản dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ vào các tháng cuối năm.
Trên thị trường, cổ phiếu POM sau khi bị huỷ niêm yết bắt buộc trên HoSE đã trở lại giao dịch trên UPCoM từ cuối tháng 5/2024. Thị giá hiện đạt 3.000 đồng/cp.
Nhịp Sống Thị Trường