Liên tiếp những thông tin bất ngờ liên quan đến doanh nghiệp này đã được công bố. Công ty cổ phần Bến xe miền Tây (WCS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2024. Theo đó, doanh thu công ty đạt gần 41 tỷ đồng, tăng 10% so với…
Công ty cổ phần Bến xe miền Tây (WCS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2024. Theo đó, doanh thu công ty đạt gần 41 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Mức doanh thu này còn cao hơn quý 1 năm nay, cũng là giai đoạn cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán. Đây là mức doanh thu hàng quý cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty.
Cùng với đó, doanh thu từ hoạt động tài chính quý 3/2024 của bến xe này đã giảm 27%. Thu nhập khác trong quý của bến xe này tăng 18% so với quý 3/2023, ở mức 1,5 tỷ đồng.
Trong quý 3/2024, doanh nghiệp này không phát sinh bất cứ chi phí nào liên quan đến hoạt động tài chính hay bán hàng, còn chi phí quản lý doanh nghiệp chỉ tăng nhẹ.
Sau khi trừ thuế và chi phí, Bến xe Miền Tây báo lãi hơn 20,2 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất kể từ quý 4/2014 và cao thứ hai trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của Bến xe Miền Tây đạt 120 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 60 tỷ đồng, lần lượt tăng 13% và 15,6% so với cùng kỳ. Biên lãi ròng tương ứng đạt tỷ lệ 50%.
Theo kế hoạch, trong năm 2024, Bến xe Miền Tây đặt mục tiêu doanh thu 160 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 68,8 tỷ đồng, lần lượt tăng 2% và 4% so với năm ngoái. Đây đều là các kế hoạch kinh doanh cao nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp. Với kết quả đã đạt được, doanh nghiệp này hoàn thành 75% kế hoạch doanh thu và hơn 87% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính đến hết tháng 9/2024, tiền và các khoản tương đương tiền của công ty ghi nhận 123,6 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn không quá 3 tháng chiếm tỉ trọng lớn nhất, đạt 95,8 tỷ đồng (hơn 77%).
Bến xe Miền Tây có tên gọi trước đây là Xa cảng Miền Tây, là một trong những bến xe lớn nhất TP.HCM được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 1973. Sau năm 1975, Nhà nước tiếp quản, bến xe tiếp tục hoạt động và trực thuộc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM.
Năm 2006, Bến xe Miền Tây chính thức thành Công ty Cổ phần Bến xe Miền Tây. Ngành nghề kinh doanh là khai thác và kinh doanh bến xe, kinh doanh dịch vụ phục vụ trong bên; vận tải hành khách; cho thuê mặt bằng và kiốt; dịch vụ bốc xếp hàng hóa… Năm 2010, công ty được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Bến xe Miền Tây có 3 cổ đông lớn gồm Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn – SAMCO sở hữu 51% vốn, America LLC sở hữu 23,8% và CTCP Đầu tư Thái Bình nắm giữ 10,02%.
Trên thị trường chứng khoán, công ty này chỉ là một doanh nghiệp nhỏ khi có vốn điều lệ 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, cổ phiếu của bến xe lại vô cùng đắt đỏ, liên tục nằm trong top những mã có thị giá cao nhất sàn chứng khoán . Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/10, cổ phiếu WCS dừng lại ở mốc 262.000 đồng/cổ phiếu. Thị giá này đã tăng mạnh 41% so với đầu năm.
Cùng với việc thị giá tăng cao, WCS còn được biết đến với việc chia cổ tức bằng tiền cao “khủng” trên sàn chứng khoán. Chẳng hạn như năm 2018 và năm 2019, đơn vị này đã trả cổ tức bằng tiền với tỉ lệ cao kỷ lục lên đến 400% và 516%. Gần đây nhất, WCS đã trả cổ tức năm 2023 cho cổ đông với tỉ lệ 160%,. Doanh nghiệp này đã tạm ứng cổ tức tiền mặt tỉ lệ 144% vào tháng 3 và hoàn tất thanh toán 16% còn lại trong ngày 21/6 vừa qua.
Nhịp Sống Thị Trường