(KTSG Online) – Dù khác âm thầm và lặng lẽ nhưng hầu hết các nhà băng nhỏ đang chuyển đổi số. Thế nhưng, nếu không tham gia cuộc đua tái cấu trúc từ bên trong, các ngân hàng sẽ khó lòng sáng tạo thêm sản phẩm và dịch vụ mới…
(KTSG Online) – Dù khác âm thầm và lặng lẽ nhưng hầu hết các nhà băng nhỏ đang chuyển đổi số. Thế nhưng, nếu không tham gia cuộc đua tái cấu trúc từ bên trong, các ngân hàng sẽ khó lòng sáng tạo thêm sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường.
Trong thập niên qua, có thể dễ dàng điểm tên những ông lớn ngân hàng chuyển đổi số nhưng với các ngân hàng quy mô từ nhỏ đến trung bình thì khá hiếm hoi. Tuy nhiên, năm 2024, trong bối cảnh không gian giao dịch mạng có nhiều thay đổi về quy tắc như việc khách hàng phải định danh điện tử, nhiều ngân hàng, trong đó có những ngân hàng vừa phải công bố các kết quả của việc chuyển đổi số.
Ví dụ, Ngân hàng An Bình (ABBank) đã ra mắt nền tảng ngân hàng số dành riêng cho doanh nghiệp quản lý hồi đầu tháng 11. Đại diện ABBank cho biết, sau 3 tháng chuyển giao dữ liệu từ hệ thống cũ, 100% khách hàng doanh nghiệp SMEs đã có thể giao dịch trên nền tảng mới dựa trên sự kết hợp với Backbase. Đây là một sản phẩm cụ thể hóa cho chiến lược đa kênh của ngân hàng, được xây dựng trên nền tảng công nghệ mở, tức cho phép tích hợp thêm nhiều dịch vụ khác nhau.
Tương tự, hồi tháng 5 năm ngoái, Ngân hàng OCB cũng chính chức ra mắt OCB OMNI thế hệ mới giúp tăng tốc triển khai các sản phẩm dịch vụ và tính năng như quản lý tài khoản, tiền gửi, thanh toán hóa đơn, dịch vụ thẻ, vay… Ngân hàng này cho biết, các dịch vụ được được điều chỉnh phù hợp với đặc thù riêng của thị trường Việt Nam.
Tại hội nghị thường niên ENGAGE Asia 2024, chia sẻ với báo giới, ông Phạm Duy, Giám đốc khối ngân hàng số và dữ liệu của ABBank, cho biết ngân hàng tập trung đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ trong hơn hai năm qua. Mục tiêu mà ABBank hướng đến đầu tư phát triển dữ liệu cho đến con người, từ đó tạo ra sản phẩm, dịch vụ “gần như là mới hoàn toàn”.
Trong khi đó, ông Lù Duy Nguyên, Phó giám đốc Khối bán lẻ, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Ngân hàng số của Ngân hàng OCB, cho biết tỷ lệ sử dụng của khách hàng vẫn đang trong xu hướng tăng từ khi vận hành hệ thống mới. “Điều này có nghĩa là khả năng sử dụng hệ thống mới tốt hơn và người dùng tham gia nhiều hơn. Quan trọng nhất là trải nghiệm mượt mà tránh lỗi, vì hệ thống mới có thể có lỗi phát sinh”, ông Nguyên nói tại sự kiện trên.
Nhiều ngân hàng nhỏ trong năm qua cũng tăng cường ra mắt sản phẩm mới từ câu chuyện số hóa. Chẳng hạn, Ngân hàng Bản Việt (BVBank) giới thiệu giải pháp thanh toán toàn diện dành cho nhà bán hàng Digistore và ngân hàng số dành cho khách hàng cá nhân. Ngân hàng này cũng tham gia dịch vụ cung cấp thanh toán QR xuyên biên giới với Thái Lan, Campuchia và gần đây nhất là Lào.
Thay đổi kiến trúc hệ thống cũ kỹ là cơ hội để sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mới và mở rộng thị phần. Theo chia sẻ của đại diện BVBank, số lượng khách hàng mới tăng trưởng của năm 2024 lên đến 40%. Một báo cáo trước đó cũng cho thấy phương thức thanh toán bằng mã VietQR tại ngân hàng tiếp tục tăng vượt trội, tăng 15 lần về số lượng giao dịch và 4 lần về giá trị giao dịch so với năm 2023.
Một ví dụ điển hình khác là PVCombank. Theo bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc ngân hàng số PVCombank, chia sẻ tại một diễn đàn công nghệ ngân hàng diễn ra vào giữa tháng 12-2024, việc chuyển đổi số giúp các ngân hàng nhỏ cạnh tranh hiệu quả hơn trong việc mở rộng thị trường.
Theo tính toán, chi phí phát triển một khách hàng qua kênh trực tuyến chỉ bằng khoảng một nửa so với kênh truyền thống. “Chuyển đổi số còn giúp các ngân hàng nhỏ như chúng tôi phát triển khách hàng mới nhanh, đỡ tốn kém hơn và đặc biệt là tiếp cận được những vùng không có phòng giao dịch”, bà Nga nói.
Một bài học khác là ngân hàng “thuần số”, tức không có chi nhánh vật lý Cake by VPBank sẽ tăng trưởng nhanh khi đi cùng xu hướng giao dịch tài chính trực tuyến. Ra mắt năm 2021, số lượng người dùng nhanh chóng đạt 3 triệu trong hai năm đầu tiên, sau đó lên gần 5 triệu tính đến cuối năm 2024. Tổng hồ sơ đăng ký vay tiêu dùng trung bình mỗi 400.000 tháng, doanh thu bình quân trên mỗi người dùng năm 2024 cũng gấp 3 lần so với năm 2023, theo chia sẻ của đại diện Cake.
Trên thực tế, có nhiều nhà băng định hướng đi công nghệ từ sớm. Trong đó, có những ông lớn như Techcombank hay những ngân hàng quy mô nhỏ hơn như TPBank. Những ngân hàng này được đánh giá là khá thành công trong chuyển đổi số với số lượng người dùng và giao dịch tăng cao, tính bằng lần.
Theo báo cáo thường niên phát hành năm 2024 của TPBank, 98% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số. Hơn 90% các hoạt động tại ngân hàng được số hoá, giảm thiểu hồ sơ, giấy tờ, bản cứng trong các quy trình nghiệp vụ, giúp tiết kiệm 40% chi phí vận hành và 60% thời gian giao dịch trung bình tại quầy của khách hàng.
Chia sẻ tại hội nghị trước đó, ông Riddi Dutta, Phó Chủ tịch Khu vực châu Á của Backbase, cho biết Techcombank hay TPBank hiện chỉ mất từ 2-3 tuần để đưa ra một tính năng mới thay vì mất bình quân khoảng 6 tháng khi sử dụng kiến trúc truyền thống. “Điều này nghĩa là các ngân hàng có thể vận hành với hiệu suất cao hơn với quy mô lớn, có khả năng co giãn theo lưu lượng khách hàng. Từ đó có thể đưa sản phẩm rất nhanh, đúng và cần thiết ra thị trường”, ông Dutta nói.
Đích đến cuối cùng của cuộc chuyển đổi số vẫn là lợi nhuận, ngân hàng cũng không ngoại lệ. Dù vậy, số vốn đầu tư ban đầu cao sẽ khiến cho các giám đốc công nghệ đau đầu với bài toán cân nhắc tỷ suất lợi nhuận.
Thực tế không dễ để chuyển đổi thành công, chẳng hạn PVCombank từng có nhiều dự án công nghệ thất bại, trong đó có lần thử nghiệm chương trình khởi tạo khoản vay trực tuyến với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Lý do là vì quy trình cho vay của ngân hàng rất phức tạp và rắc rối trong khi hệ thống công nghệ mua về khi đó lại khó tùy chỉnh theo. Lượng dữ liệu khổng lồ mà phải nhập tay khiến cho mọi thứ trở nên bất khả thi. PVCombank sau đó đầu tư lại hệ thống ngân hàng lõi và chuyển đổi lại từ đầu trong dự án khác.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, chia sẻ trường hợp ngân hàng BIDV đã rút gọn thời gian nâng cấp cơ bản hệ thống ngân hàng lõi từ 3 năm xuống còn 2 năm. Tuy nhiên, ông Lực vẫn đánh giá là “chưa thực sự hài lòng lắm” nếu xét trên mặt bằng chung.
Theo ông, với các ngân hàng nhỏ, khó khăn lớn nhất chính là quy mô dữ liệu nhỏ và nguồn lực. Còn với các ngân hàng lớn, vấn đề nằm ở quy trình thủ tục để chuyển đổi số, đặc biệt là những ngân hàng cần có sự cho phép của các bên liên quan về đầu tư công nghệ như Ngân hàng nhà nước.
“Có ba thách thức lớn. Một là cam kết của người đứng đầu; hai là thuyết phục các bên liên quan khi sản phẩm chưa thể có kết quả ngay và ba là khách hàng và môi trường pháp lý hoạt động”, ông Lực nói.
Thách thức tiếp theo là duy trì sự chuyển đổi liên tục trong bối cảnh tiến bộ công nghệ trên thế giới ngày càng đi nhanh và đi xa hơn. Chẳng hạn, trí tuệ nhân tạo (AI) trước đây được các ngân hàng nhắc nhiều trong việc giúp tự động hóa quy trình nhưng nay có thể ứng dụng vào hoạt động quảng cáo tiếp thị, tương tác với khách hàng và theo hướng cá nhân hóa nhiều hơn.
Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, ngân hàng trong năm nay sẽ tiếp tục tập trung mạnh mẽ vào chuyển đổi số, không chỉ nâng cao trải nghiệm khách hàng mà còn tối ưu hóa hoạt động để gia tăng hiệu quả hoạt động. Ngân hàng đang đầu tư vào các công nghệ tiên tiến như AI hay dữ liệu lớn… để cải thiện chất lượng dịch vụ, mang lại sự tiện ích tối đa cho khách hàng.
Tại Việt Nam, tương lai của công nghệ ngân hàng được nhắc đến với rất nhiều cơ hội như luật hóa nền tảng mở, thử nghiệm về fintech hay công nghệ blockchain. Vấn đề tiếp theo sẽ là pháp lý, quản trị rủi ro và quyền lợi của các bên liên quan.
Công nghệ cũng sẽ dẫn đến những vấn đề mới cho các nhà lãnh đạo ngân hàng. Một khảo sát của Bloomberg Intelligence phỏng vấn hơn 100 giám đốc công nghệ trong các ngân hàng tại Phố Wall và trên thế giới mới đây, cho thấy trung bình mỗi ngân hàng sẽ giảm 3% lực lượng lao động mỗi năm, tương đương 200.000 việc làm trong 3-5 năm. Các ngân hàng vẫn phải không ngừng sáng tạo để tìm kiếm công thức lấy thêm thị phần.
Tác giả: Dũng Nguyễn – Trình bày: Thu Trang