A.I (KTSG) – Giữa cơn sóng giá vàng và tỷ giá, liệu lãi suất điều hành có sớm được điều chỉnh? Và liệu nhà điều hành có chấp nhận đánh đổi giữa lãi suất, tỷ giá và giá vàng? Cần lưu ý rằng tỷ giá được dự báo sẽ vẫn…
(KTSG) – Giữa cơn sóng giá vàng và tỷ giá, liệu lãi suất điều hành có sớm được điều chỉnh? Và liệu nhà điều hành có chấp nhận đánh đổi giữa lãi suất, tỷ giá và giá vàng? Cần lưu ý rằng tỷ giá được dự báo sẽ vẫn rất khó lường khi vẫn chịu nhiều áp lực.
Tác động lan tỏa mạnh hơn
Sau khi có đợt phát hành chứng chỉ tiền gửi (CCTG) cho khách hàng cá nhân trong tháng 5-2024 với lãi suất cố định 8%/năm, kỳ hạn 85 tháng, PVcomBank mới đây thông báo tiếp tục phát hành CCTG đợt 2 năm 2024 với lãi suất 8%/năm. Thời gian phát hành từ ngày 31-5-2024 đến hết ngày 31-12-2024 hoặc đến khi hết hạn mức 5.000 tỉ đồng. Mức 8%/năm được xem là mức lãi suất hấp dẫn nhất hiện nay.
Xu hướng lãi suất huy động đi lên đang ngày càng rõ rệt hơn, với tốc độ tăng dường như cũng nhanh hơn trong thời gian gần đây. Cụ thể chỉ trong vòng một tháng qua, đã có hơn 25 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất, trong đó có những ngân hàng tăng liên tục 2-3 lần, với mức tăng khá mạnh. Trong bối cảnh lãi suất trên thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) tiếp tục neo ở mức cao, lãi suất qua đêm đến ngày 7-6-2024 vẫn trên mốc 4%/năm, lãi suất thị trường 1 (thị trường dân cư và tổ chức kinh tế) cũng vận động tăng lên cao hơn là điều tất yếu.
Có thể thấy giữa cơn sóng giá vàng và tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng, lãi suất huy động khó lòng đứng yên khi phải chịu quá nhiều áp lực. Rõ ràng việc dòng vốn đầu tư chuyển dịch sang các tài sản như vàng, ngoại tệ và liên tục đẩy giá các tài sản này lên cao, khiến nhà điều hành phải tăng lượng cung vàng và đô la Mỹ ra thị trường để bình ổn giá, vô hình trung đã rút bớt một lượng đáng kể tiền đồng ra khỏi hệ thống, phần nào gây áp lực lên thanh khoản và tiếp đó có thể là lãi suất tiền đồng.
Việc lãi suất huy động đi lên không đồng nghĩa với khả năng NHNN có thể phải tăng lãi suất điều hành. Có một số yếu tố có thể hỗ trợ cho chính sách giữ ổn định lãi suất điều hành của NHNN. Đầu tiên là việc một số NHTƯ đã bắt đầu giảm lãi suất điều hành, bất chấp Fed vẫn chưa hành động.
Trên thị trường vàng, chín phiên đấu thầu vàng miếng SJC trong tháng 4 và 5-2024 đã cung ra thị trường 48.500 lượng vàng, tương đương với hơn 4.200 tỉ đồng được hút về. Tuy nhiên, với việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thay đổi phương pháp bình ổn thị trường vàng (giảm chênh lệch giá trong nước và thế giới) bằng cách bán vàng trực tiếp cho bốn ngân hàng thương mại quốc doanh và Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) để những nơi này bán cho người dân từ ngày 3-6-2024 cho đến nay (11-6-2024), chưa rõ đã có thêm bao nhiêu lượng vàng được cung ra thị trường để có thể đo đếm thêm lượng tiền đồng đã bị hút vào. Với những hàng người xếp dài chờ mua vàng tại hệ thống bốn ngân hàng nói trên và Công ty SJC, có lẽ lượng vàng đã bán ra cũng không phải nhỏ.
Còn theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VDSC, trong giai đoạn từ 22-4 đến 27-5-2024, NHNN bán ra khoảng 4,1 tỉ đô la Mỹ để kiềm chế đà mất giá của tiền đồng, tương đương 105.500 tỉ đồng đã bị rút ra khỏi hệ thống. VDSC cũng dự báo NHNN có thể sẽ cần tiếp tục bán thêm ngoại tệ vào cuối quí 3, đầu quí 4 năm nay, thời gian cao điểm với nhu cầu ngoại tệ.
Trong khi đó, trên thị trường mở, trong hai tuần vừa qua, NHNN đã tiếp tục hút ròng hơn 103.000 tỉ đồng qua kênh phát hành tín phiếu và cho vay cầm cố giấy tờ có giá, trong đó hút ròng qua kênh tín phiếu là hơn 18.000 tỉ đồng và hút ròng qua kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá là hơn 85.000 tỉ đồng.
Như vậy, với hàng trăm ngàn tỉ đồng đã được rút ra khỏi hệ thống qua kênh bán vàng, bán ngoại tệ và thị trường mở, thanh khoản hệ thống chịu áp lực và từ đó kéo lãi suất tăng nhanh hơn là có thể hiểu được.
Có chấp nhận đánh đổi?
Trước tình hình này, liệu lãi suất điều hành có sớm được điều chỉnh? Và liệu nhà điều hành có chấp nhận đánh đổi giữa lãi suất, tỷ giá và giá vàng? Cần lưu ý rằng tỷ giá được dự báo sẽ vẫn rất khó lường, nhất là trước khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) neo lãi suất ở mức cao lâu hơn dự tính, trong khi cán cân thương mại hàng hóa trong nước đang đảo chiều nhập siêu trở lại.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sau khi xuất siêu 1,07 tỉ đô la Mỹ trong tháng 4 thì trong tháng 5 nước ta đã nhập siêu trở lại 1 tỉ đô la. Theo đó, lũy kế năm tháng đầu năm nay chỉ còn xuất siêu 8,01 tỉ đô la, thấp hơn mức xuất siêu 10,2 tỉ đô la của năm tháng đầu năm 2023. Việc cán cân thương mại đảo chiều dù đã được dự báo từ trước, nhưng rõ ràng sẽ vẫn có những tác động lên tỷ giá vốn vẫn đang chịu áp lực trong suốt thời gian qua. Và để kiềm chế tỷ giá, công cụ lãi suất đã liên tục được giới phân tích đề cập đến trong suốt những tháng qua.
Trong khi đó, báo cáo của Công ty Chứng khoán MBS mới đây dù cho rằng lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và ngân hàng thương mại nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, nhưng đồng thời cũng dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 0,7-1 điểm phần trăm, quay về mức 5,3-5,6%/năm trong nửa sau năm 2024. MBS cho rằng cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm.
Dù vậy, việc lãi suất huy động đi lên không đồng nghĩa với khả năng NHNN có thể phải tăng lãi suất điều hành. Có một số yếu tố có thể hỗ trợ cho chính sách giữ ổn định lãi suất điều hành của NHNN.
Đầu tiên là việc một số ngân hàng trung ương (NHTƯ) đã bắt đầu giảm lãi suất điều hành, bất chấp Fed vẫn chưa hành động.
Thứ Tư tuần trước (ngày 5-6), NHTƯ Canada (BoC) đã quyết định giảm lãi suất chính sách 0,25 điểm phần trăm, xuống còn 4,75%/năm, sau sáu cuộc họp liên tục giữ nguyên ở mức 5%/năm kể từ tháng 7 năm ngoái. Đây cũng là lần đầu tiên BoC hạ lãi suất kể từ tháng 3-2020, đồng thời trở thành nước đầu tiên trong nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) hạ lãi suất sau đại dịch Covid-19. Chỉ một ngày sau đó, đến lượt NHTƯ châu Âu (ECB) thông báo giảm lãi suất tham chiếu 0,25 điểm phần trăm, về mức 3,75%/năm, kết thúc mức lãi suất 4%/năm duy trì từ tháng 9-2023.
Thứ hai, dù lãi suất huy động đã và đang đi lên trở lại, nhưng hầu hết dự báo cho rằng mặt bằng lãi suất sẽ chỉ tăng lên tương đương với mức vào cuối năm 2023, do đó không nhất thiết phải có một động thái tăng lãi suất điều hành. Đơn cử như ở trần lãi suất tiền gửi, hiện lãi suất kỳ hạn một tháng cao nhất đang ở mức 3,5%/năm và cũng chỉ một ngân hàng niêm yết ở mức này. Hiện vẫn có đến 25/35 ngân hàng niêm yết lãi suất kỳ hạn một tháng từ 3%/năm trở xuống. Trong trường hợp lãi suất tiền gửi kỳ hạn một tháng có tăng mạnh thêm 1 điểm phần trăm trong nửa cuối năm nay, khung lãi suất niêm yết của hầu hết ngân hàng vẫn chưa chạm mức trần 4,5%/năm theo quy định hiện hành.
Thứ ba, thị trường vàng đang hạ nhiệt trong những tuần gần đây sau động thái bán vàng trực tiếp của NHNN cho nhóm “Big 4” để cung ra thị trường, do đó cũng góp phần giảm bớt áp lực lên lãi suất. Tính từ ngày 29-5 đến đầu tuần này (10-6), giá vàng SJC đã giảm tới 13,5 triệu đồng/lượng. Với giá vàng thế giới vẫn đang điều chỉnh sau khi có thông tin Trung Quốc ngừng mua vàng, cộng thêm những giải pháp can thiệp của NHNN và không loại trừ khả năng chính sách đánh thuế giao dịch vàng được áp dụng trong thời gian tới, rủi ro giảm thêm của giá vàng trong nước là đáng lưu tâm.
Cuối cùng, NHNN có lẽ sẽ kiên nhẫn chờ Fed chính thức giảm lãi suất trở lại, mà hầu hết dự báo đều tin rằng sẽ bắt đầu trong cuộc họp vào tháng 9 tới, tức chỉ còn ba tháng nữa. Khi Fed bắt đầu giảm lãi suất cùng với những diễn biến khó lường của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần, xu hướng giảm của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế có thể xảy ra.
Kinh tế Sài Gòn Online