Tiền gửi đổ mạnh vào hệ thống ngân hàng trong bối cảnh lãi suất huy động ở mức cao nhất nhiều năm và các kênh đầu tư khác nhiều rủi ro. Trong báo cáo về ngành ngân hàng mới đây, Chứng khoán Mirae Asset cho biết tiền gửi khách hàng…
Trong báo cáo về ngành ngân hàng mới đây, Chứng khoán Mirae Asset cho biết tiền gửi khách hàng tại 27 ngân hàng niêm yết đã tăng đáng kể trong quý 4/2022, do mức lãi suất huy động tăng cao trong giai đoạn này. Cụ thể, hơn 62% tổng số tiền gửi huy động được của nhóm ngân hàng niêm yết trong năm 2022 đến từ quý 4, nâng tổng huy động tăng từ mức 4,1% cuối quý 3 lên tới 10,7% cuối năm 2022.
“Trong số các loại tài sản có thu nhập cố định, lãi suất tiền gửi hấp dẫn hơn so với trái phiếu chính phủ, trong khi rủi ro thấp hơn nhiều so với so với trái phiếu doanh nghiệp”, nhóm phân tích nhận định.
Số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố cũng cho thấy, đến cuối tháng 11/2022, tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 11,55 triệu tỷ đồng, tăng hơn 126.600 tỷ đồng so với cuối tháng 10.
Đáng chú ý, cả tiền gửi dân cư lẫn doanh nghiệp đều có tăng trưởng trong tháng 11. Trong đó, tiền gửi dân cư tăng 84.597 tỷ đồng lên 5,74 triệu tỷ; tiền gửi doanh nghiệp tăng 42.041 tỷ đồng lên 5,8 triệu tỷ đồng. Đây đều là mức tăng theo tháng cao nhất kể từ tháng 3/2022.
Thực tế, 2022 là năm vô cùng sóng gió với các nhà đầu tư, từ trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, bất động sản, cho tới tiền ảo hoặc một số đồng ngoại tệ.
Trong bối cảnh các kênh đầu tư truyền thống khác đều diễn biến thiếu tích cực, lãi suất huy động lại bật tăng mạnh trong năm 2022. Sau nhịp tăng mạnh vào quý III và quý IV, lãi suất huy động tại các ngân hàng đều đã tăng từ 2 – 3 điểm % so với cuối năm 2021 và cao hơn 1 – 1,5 điểm % so với giai đoạn trước dịch Covid-19.
Đến cuối tháng 12, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đã chạm mức 7,4%/năm theo hình thức gửi tiền tại quầy và lên tới hơn 8% đối với hình thức gửi tiền trực tuyến. Trong khi các ngân hàng tư nhân lớn huy động kỳ hạn này với lãi suất phổ biến quanh vùng 8,5 – 9%/năm, cá biệt lên trên 9%/năm với số tiền gửi lớn. Tại các ngân hàng tư nhân nhỏ, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng thậm chí đã lên tới trên dưới 9,5%/năm.
Theo VnDirect, nếu so với tỷ suất thu nhập trên giá (E/P) của VN-INDEX hiện là 8,4% (chưa bao gồm tỷ suất cổ tức là 1,7%) thì lãi suất tiền gửi của một số ngân hàng nhỏ ở khoảng 9,5% là tương đối hấp dẫn cùng với rủi ro rất thấp.
“Trong bối cảnh thị trường cổ phiếu, trái phiếu, và bất động sản vẫn tồn tại những rủi ro nhất định thì tiền gửi ngân hàng vẫn sẽ là lựa chọn ưa tiên cho những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp và có nhu cầu thường xuyên/ngắn hạn về dòng tiền”, VnDirect đánh giá.
Mặt khác, sau nhịp tăng mạnh vừa qua, lãi suất huy động bắt đầu hạ nhiệt trong bối cảnh tiền gửi tăng tốt còn tín dụng có xu hướng chậm lại, đi cùng các biện pháp hỗ trợ thanh khoản của Nhà điều hành.
Sau khi thống nhất áp dụng mức lãi suất trần 9,5%, các ngân hàng mới đây tiếp tục đạt được đồng thuận giảm lãi suất huy động thêm 0,5 điểm % trước ngày 6/3. Riêng nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước, do mức lãi suất đã thấp nên sẽ chỉ giảm khoảng 0,2%/năm so với hiện hành.
Không chờ đến mốc thứ Hai tuần sau (6/3), nhiều ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất huy động ngay trong cuối tháng 2 và đầu tháng 3 như MSB, PG Bank, PvcomBank, Saigonnank, OCB, với mức giảm dao động từ 0,3 – 0,8 điểm % tùy kỳ hạn.
VnDirect kỳ vọng xu hướng giảm của lãi suất huy động này có thể tiếp tục trong vài tháng tới do những yếu tố chính sau đây: 1) một lượng lớn tiền gửi đã quay lại hệ thống ngân hàng trong quý IV/2022, 2) chỉ đạo của chính phủ/NHNN trong việc giảm lãi suất huy động/cho vay, 3) chính phủ đẩy mạnh đầu tư công qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế, 4) thay đổi về cách tính tỷ lệ LDR có lợi cho các ngân hàng quốc doanh.
“Chúng tôi kỳ vọng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng sẽ giảm dần về mức 6,7% và 7,5% vào cuối năm 2023”, VnDirect cho biết.
Chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển cũng cho rằng dòng tiền sẽ tiếp tục tìm đến kênh tiền gửi ngân hàng trong thời gian tới, qua đó giúp kìm hãm đà tăng của lãi suất.
”Hiện nay, mặc dù các ngân hàng đã khống chế lãi suất không để vượt quá 9,5% song đây vẫn là mức tương đối cao trong nhiều năm trở lại đây. Đồng thời, các nhà băng lớn như nhóm Big 4 hiện cũng chỉ đang niêm yết mức lãi suất quanh mức 7-8%/năm. Thậm chí với các kỳ hạn dài, các ngân hàng này cũng để mức lãi suất không quá cao. Điều đó như một tín hiệu cho thấy lãi suất thời gian tới sẽ không tiếp tục tăng”, ông Hiển nhận định.
Theo dự báo của vị chuyên gia này, phổ lãi suất huy động trong quý 1/2023 sẽ ở mức 6,5-7% đối với các ngân hàng lớn, chất lượng tốt và 8-9% đối với các nhà băng nhỏ. Dự kiến hết quý 2 thì lãi suất sẽ trở lại bình thường quanh 7%.
Nhịp sống Thị trường