Lãi suất huy động vẫn đi lên, nhưng quan điểm về lãi suất điều hành đã thay đổi?

A.I (KTSG) – Tuy xu hướng lãi suất huy động vốn vẫn đang đi lên, những dự báo về lãi suất điều hành đã thay đổi đáng kể so với giai đoạn trước. Điều gì đã dẫn đến những kỳ vọng mới về chính sách tiền tệ cho giai đoạn…

Fatz Admin lúc 2024-08-25
A.I

(KTSG) – Tuy xu hướng lãi suất huy động vốn vẫn đang đi lên, những dự báo về lãi suất điều hành đã thay đổi đáng kể so với giai đoạn trước. Điều gì đã dẫn đến những kỳ vọng mới về chính sách tiền tệ cho giai đoạn tới?

Techcombank đã tăng lãi suất lần thứ 4 trong vòng chưa đến bốn tháng qua, với kỳ hạn 1-2 tháng tăng 0,2 điểm phần trăm, lên 2,9%/năm. Ảnh: T.L

Thanh khoản thôi dồi dào, lãi suất đi lên tất yếu

Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng của Techcombank đã được điều chỉnh tăng 0,2 điểm phần trăm, lên 2,9%/năm, kể từ đầu tuần này (ngày 10-8-2024). Đây là lần tăng lãi suất thứ 4 của Techcombank trong vòng chưa đến bốn tháng qua. Tại VIB, lãi suất tiền gửi cũng tăng 0,2 điểm phần trăm, lên 3,2%/năm, ở kỳ hạn tương tự, đánh dấu lần tăng thứ 9 kể từ tháng 5 đến nay.

QUẢNG CÁO

Sau bước tăng mạnh mẽ trong tháng 6 và tháng 7, tháng 8 này tiếp tục chứng kiến làn sóng tăng lãi suất huy động vốn của các ngân hàng. Có thể kể thêm các ngân hàng như VPBank, TPBank, OCB, VietBank… Trong bối cảnh thanh khoản hệ thống đã không còn dồi dào như trước, khi tín dụng tăng tốc nhanh hơn từ nửa cuối quí 2-2024, cộng thêm việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng cung đô la Mỹ ra thị trường để ổn định tỷ giá, lãi suất huy động vốn tiếp tục đi lên là điều có thể hiểu được.

Để phần nào hóa giải áp lực lên lãi suất và bù đắp lượng tiền đồng bị hút vào qua kênh ngoại tệ, nhà điều hành đã tăng cường bơm tiền đồng qua kênh tín phiếu và cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO). Thống kê từ đầu quí 3-2024 đến cuối tuần trước (ngày 16-8-2024), đã có hơn 90.700 tỉ đồng được bơm ra qua hai kênh này, còn nếu tính từ đầu tháng 8 thì con số là gần 29.400 tỉ đồng.

Ngày 5-8-2024, NHNN còn đồng loạt giảm lãi suất tín phiếu và lãi suất OMO 0,25 điểm phần trăm, từ 4,5%/năm xuống 4,25%/năm. Đây là lần đầu tiên NHNN giảm lãi suất OMO kể từ cuối năm 2023. Trước đó, nhà điều hành đã có hai lần điều chỉnh tăng loại lãi suất này vào trung tuần tháng 4 và tháng 5-2024, từ 4% lên 4,25% và sau đó từ 4,25% lên 4,5%. Như vậy, có thể thấy, trái với kỳ vọng trước đây rằng lãi suất điều hành sẽ tăng, khả năng giảm lãi suất thậm chí có thể đang trở lại.

Tính đến giữa tháng 8 vừa qua, lãi suất tiền gửi bình quân của 35 ngân hàng trong nước tại kỳ hạn 1-5 tháng đã tăng thêm 18 điểm cơ bản so với thời điểm cuối quí 2; kỳ hạn 6-11 tháng tăng 17 điểm cơ bản; kỳ hạn 12 tháng tăng 14 điểm cơ bản, riêng các kỳ hạn dài từ 13 tháng trở lên ổn định hơn khi chỉ tăng 4 điểm cơ bản.

Còn nếu so với cuối quí 1-2024, thời điểm các ngân hàng bắt đầu bước vào làn sóng tăng lãi suất huy động vốn kéo dài cho đến nay, lãi suất tiền gửi bình quân của 35 ngân hàng trong nước đã tăng đến 46 điểm cơ bản ở kỳ hạn 1-5 tháng; tăng 52 điểm cơ bản ở kỳ hạn 6-12 tháng và tăng 29 điểm cơ bản ở các kỳ hạn dài từ 13 tháng trở lên. 1% tương đương với 100 điểm cơ bản.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất vay mượn của các ngân hàng vẫn đang neo cao hơn nhiều so với giai đoạn trước. Tính đến cuối tuần trước, lãi suất kỳ hạn qua đêm nằm ở mức 4,58%/năm; kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần tương ứng là 4,59%/năm và 4,7%/năm. Có lẽ giai đoạn lãi suất thị trường 2 ở mức quanh 1%/năm khó quay trở lại trong thời gian còn lại của năm nay.

Nhiều ý kiến cho rằng tín dụng sẽ còn tăng mạnh mẽ hơn trong những tháng cuối năm nay, vì nửa đầu năm chỉ mới tăng 6% trong khi mục tiêu cả năm đề ra là 14-15%. Vì vậy, các ngân hàng sẽ cần tăng cường huy động vốn lớn hơn nữa để đáp ứng mục tiêu kinh doanh. Theo đó, mặt bằng lãi suất tiền gửi có thể còn tiếp tục điều chỉnh tăng trong giai đoạn tới.

Nhưng quan điểm về lãi suất điều hành đã thay đổi

Tuy xu hướng lãi suất huy động vốn vẫn đang đi lên, những dự báo về lãi suất điều hành đã thay đổi đáng kể so với giai đoạn trước. Thời điểm cuối năm 2023, nhiều tổ chức tin rằng NHNN có thể phải tăng lãi suất điều hành trong năm 2024, thậm chí một số dự báo còn cho rằng điều này sẽ sớm diễn ra trong quí 1, nhưng thực tế cho đến nay mọi thứ vẫn đang giữ nguyên.

Hệ quả là thời gian gần đây giới phân tích đã thay đổi quan điểm, với niềm tin mới là lãi suất điều hành sẽ được duy trì như mức hiện tại đến hết năm nay. Như báo cáo được phát hành vào cuối tháng 7 của Ngân hàng HSBC, các chuyên gia của tổ chức này nhận định NHNN sẽ duy trì lãi suất chính sách 4,5% trong năm nay, bất chấp quan ngại chưa dứt về ngoại hối.

Trước đó vào tháng 6, Ngân hàng UOB cũng kỳ vọng NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách chủ chốt trong thời gian còn lại của năm 2024, trên cơ sở cân bằng giữa các yếu tố phục hồi kinh tế ổn định, áp lực lạm phát vừa phải và tiền đồng yếu đi so với đô la Mỹ. Diễn biến điều hành cho thấy, thay vì thay đổi lãi suất điều hành, NHNN đang tập trung thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ các hoạt động kinh tế, các lĩnh vực tăng trưởng mới, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn và nhà ở xã hội.

Lãi suất điều hành hiện nay bao gồm trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới sáu tháng đang nằm ở mức 4,75%/năm; lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,5%/năm và lãi suất tái chiết khấu ở mức 3%/năm. Cả ba mức lãi suất này đã được duy trì từ ngày 19-6-2023 đến nay, dù có một số thời điểm áp lực lên lãi suất lớn đến nỗi những tưởng nhà điều hành phải tăng các mức lãi suất này, tuy nhiên sau đó mọi áp lực cũng dần được hóa giải và qua đi.

Đáng chú ý là ngày 5-8 vừa qua, NHNN còn đồng loạt giảm lãi suất tín phiếu và lãi suất OMO 0,25 điểm phần trăm, từ 4,5%/năm xuống 4,25%/năm. Đây là lần đầu tiên NHNN giảm lãi suất OMO kể từ cuối năm 2023. Trước đó, nhà điều hành đã có hai lần điều chỉnh tăng loại lãi suất này vào trung tuần tháng 4 và tháng 5-2024, từ 4% lên 4,25% và sau đó từ 4,25% lên 4,5%. Như vậy, có thể thấy, trái với kỳ vọng trước đây rằng lãi suất điều hành sẽ tăng, khả năng giảm lãi suất thậm chí có thể đang trở lại.

Hiện áp lực tỷ giá đã hạ nhiệt đáng kể, nhà điều hành có thể nghĩ đến kịch bản này. Giá mua bán đô la Mỹ của các ngân hàng tính đến đầu tuần này ghi nhận mức giảm mạnh 260 đồng so với cuối tháng 7, trong khi trên thị trường không chính thức giảm đến 380 đồng. Việc xuất siêu hàng hóa vẫn mạnh mẽ, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và kiều hối tăng trưởng ổn định, hoạt động du lịch quốc tế phục hồi, nguồn cung ngoại tệ dồi dào hơn đang phần nào hóa giải áp lực mất giá lên tiền đồng. Nhiều dự báo gần đây cho rằng tiền đồng sẽ tăng giá trở lại trong giai đoạn cuối năm nay.

Đặc biệt, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) gần như chắc chắn sẽ bắt đầu hạ lãi suất cơ bản đô la Mỹ trong cuộc họp tháng 9 tới, điều này cũng sẽ giúp chính sách tiền tệ của các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam bớt chịu áp lực hơn so với trước. Giới đầu tư thậm chí kỳ vọng Fed có thể có đến ba lần giảm lãi suất trong các cuộc họp vào tháng 9, tháng 11 và tháng 12 năm nay, với tổng mức giảm lên đến 1%. Khi Fed đã chính thức quay lại lộ trình nới lỏng chính sách tiền tệ và giảm lãi suất, bên cạnh những nền kinh tế lớn khác, các nền kinh tế nhỏ hơn như Việt Nam có thể hành động tương tự.

Thụy Lê

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.