Xu hướng lãi suất giảm đã có tác động tích cực tới diễn biến trên thị trường chứng khoán tuần qua, thanh khoản và chỉ số chứng khoán đều bứt phá ấn tượng… Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số VN-Index đã ghi nhận mức tăng 2,5% trong tuần (29-5…
Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số VN-Index đã ghi nhận mức tăng 2,5% trong tuần (29-5 đến 2-6) khi đóng cửa ở mức 1.090,8 điểm, vượt đường xu hướng dài hạn MA200 lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 2-2023. Đà tăng tích cực cũng lan tỏa sang sàn Hà Nội với chỉ số HNX tăng mạnh 3,9% lên mức 226,0 điểm và chỉ số Upcom bật tăng 4,2% lên mức 84 điểm.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect (VND):
Cổ phiếu ngân hàng giúp chỉ số bùng nổ
Sau động thái hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), một loạt NH thương mại đã điều chỉnh lãi suất huy động và cho vay trong tuần qua. Xu hướng lãi suất giảm đã có tác động tích cực tới diễn biến trên thị trường chứng khoán.
Cụ thể, thanh khoản thị trường tiếp tục có sự cải thiện ấn tượng với giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn tăng mạnh 27,2% so với tuần trước, lên mức 18.509 tỉ đồng/phiên. Cùng với sự bùng nổ của thanh khoản, các chỉ số chứng khoán đã có sự bứt phá trong tuần qua.
Điểm chưa cải thiện trong tuần qua là động thái tiếp tục bán ròng của khối ngoại với giá trị 1.185 tỉ đồng trên sàn Hose (dù đã giảm 50% so với tuần trước) nhưng khối ngoại mua ròng 8 tỉ đồng trên sàn HNX và bán ròng 103 tỉ đồng trên sàn Upcom.
Thị trường chứng khoán đang được hưởng lợi từ làn sóng giảm lãi suất
Thị trường bùng nổ về điểm số với sự đóng góp lớn đến từ nhóm cổ phiếu NH sau thời gian tích lũy dài như VCB, TCB, MBB, BID. Ngành chứng khoán duy trì đà tăng ấn tượng trong bối cảnh thanh khoản thị trường hồi phục, tiêu biểu như VND, SSI, HCM… Dòng tiền trong nước đang dần quay trở lại thị trường chứng khoán trong bối cảnh lãi suất giảm.
Tuần tới, chỉ số VN-Index có thể kiểm định lại mốc 1.080 điểm và nếu duy trì thành công trên ngưỡng này, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chuyển dịch trạng thái từ “xu hướng đi ngang trước đó” sang “xu hướng tăng điểm”.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam:
Dòng tiền phân hóa giữa các nhóm chỉ số
Tuần tới, thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh trong phiên giao dịch đầu tuần sau khi chỉ số VN-Index kiểm định mức kháng cự 1.095 điểm.
Vùng hỗ trợ gần nhất của chỉ số này là 1.078 – 1.085 điểm, đây là vùng khoảng trống tăng giá được hình thành trong phiên cuối tuần 2-6. Dòng tiền sẽ phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu khi áp lực bán có thể gia tăng lên nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, đặc biệt là nhóm cổ phiếu penny.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Theo đồ thị tuần, chỉ số VN-Index ghi nhận tăng 2,5% so với tuần giao dịch trước đó và đồ thị giá có dấu hiệu thoát khỏi giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho thấy xu hướng tăng trung hạn có thể sẽ sớm rõ ràng hơn trong giai đoạn tới. Đồng thời, rủi ro trung hạn vẫn ở mức thấp và xu hướng trung hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích, khối khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán Maybank Investment Bank:
Giải ngân đầu tư công góp đà tăng của chứng khoán
Tuần qua, thị trường chuyển biến theo chiều hướng thuận lợi với nhịp tăng mạnh đến chủ yếu từ 2 phiên đầu và cuối tuần sau những phiên giằng co đi ngang của tuần trước. Thông tin giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 20,4% kế hoạch góp phần cho đà tăng của thị trường. Trong bối cảnh thông tin không còn nhiều, các thông tin tiêu cực được lắng xuống và môi trường lãi suất tiền gửi giảm, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân có vẻ đã tích cực quay trở lại và có phần quyết liệt hơn.
Số liệu cho thấy nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước gần như là bên nhóm bán ròng, dù giá trị mua ròng của nhóm tự doanh cải thiện song không đáng kể. Ngoài ra, nhóm nhà đầu tư dài hạn vẫn tiếp tục bán ròng. Về xu hướng tuần tới, một số rung lắc có thể sẽ xuất hiện do nhu cầu chốt lời ngắn hạn khi chỉ số có thêm các bứt phá lớn. Dù vậy, xu hướng chủ đạo hơn vẫn sẽ tiếp tục là đi lên.
Người Lao Động