Đã có những tín hiệu tích cực xuất hiện trên thị trường lãi suất khi một số ngân hàng bắt đầu công bố các gói tín dụng cho vay ưu đãi trở lại hoặc giảm lãi vay với khách hàng doanh nghiệp. Ngày 15-2, theo ghi nhận của PV Báo…
Ngày 15-2, theo ghi nhận của PV Báo Người Lao Động, không chỉ lãi suất huy động tiếp tục hạ nhiệt ở một số kỳ hạn tại một số ngân hàng thương mại mà lãi suất cho vay cũng bắt đầu “quay xe” đi xuống.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vừa áp dụng giảm 1 điểm % lãi suất vay cho với khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỉ đồng. Khách hàng có thể thực hiện đăng ký vay vốn bằng tính năng Giải ngân online trên nền tảng BIZ MBBank để được hưởng lãi suất ưu đãi giảm đến 1 điểm %. Việc hoàn thành ký kết hợp đồng tín dụng và các thủ tục thế chấp tài sản bảo đảm với MB sẽ được thực hiện sau đó.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng bắt đầu triển khai giảm lãi suất cho vay tối đa 1 điểm % đối với các khoản vay ngắn hạn phục vụ mục đích kinh doanh. Đây là nỗ lực của SeABank nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn với mức lãi suất phù hợp, chung tay cùng thúc đẩy phát triển kinh tế.
Lãi suất cho vay bắt đầu có những tín hiệu tích cực
Cụ thể, gói ưu đãi 3.000 tỉ đồng giảm lãi suất cho vay tối đa 1 điểm % được SeABank chủ động triển khai nhằm hỗ trợ các cá nhân, hộ kinh doanh, cơ sở kinh doanh có nhu cầu vay vốn ngắn hạn tối đa 12 tháng. Các khoản vay phục vụ sản xuất và thương mại trong các lĩnh vực như chăn nuôi, nông, lâm, ngư nghiệp sẽ được giảm so với lãi suất cho vay hiện hành của ngân hàng. Ngoài ra, SeABank cũng giảm 0,5 điểm % cho các khoản vay kinh doanh khác.
Từ đầu tháng 2 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tăng thanh khoản cho hệ thống, room tín dụng đã mở ra với định hướng 14-15% và sẽ có điều chỉnh phù hợp, lãi suất liên ngân hàng cũng hạ nhiệt những ngày qua… Những yếu tố này hỗ trợ cho lãi suất đi xuống.
Trước đó, Ngân hàng Bản Việt cũng triển khai chương trình cho vay khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với lãi suất từ 10,5%/năm. Đây là tín hiệu tốt giúp khách hàng muốn bổ sung vốn để đẩy mạnh sản xuất – kinh doanh, nông nghiệp hoặc đầu tư trang thiết bị ngay từ quý I/2023. Hạn mức của gói tín dụng ưu đãi là 1.000 tỉ đồng với lãi suất 10,5%/năm khi khách hàng giải ngân từ nay tới 30-4, hoặc đến khi chương trình hết hạn mức. Mức lãi suất ưu đãi áp dụng tối đa 3 tháng tính từ thời điểm giải ngân.
Không chỉ nỗ lực giảm lãi suất, các ngân hàng thương mại cũng tăng cường huy động nguồn vốn quốc tế với chi phí thấp nhằm có thêm nguồn lực cho vay lãi suất thấp.
Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) vừa công bố huy động thành công 20 triệu USD, tương đương 471,7 tỉ đồng từ BlueOrchard – một tổ chức quản lý quỹ đầu tư tác động toàn cầu hàng đầu, nhằm mở rộng danh mục cho vay với doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy các hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
“Huy động vốn từ thị trường quốc tế là điểm sáng của các ngân hàng, trong đó có Nam A Bank nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp mở rộng sản xuất – kinh doanh” – đại diện Nam A Bank nói.
Người lao động