PSI kỳ vọng sức mua tại các thị trường xuất khẩu chính sẽ hồi phục mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2024. Theo World Bank, thương mại toàn cầu dự kiến sẽ dần cải thiện trong 2024 – 2025, do nhu cầu tiêu dùng phục hồi, hàng tồn kho…
Theo World Bank, thương mại toàn cầu dự kiến sẽ dần cải thiện trong 2024 – 2025, do nhu cầu tiêu dùng phục hồi, hàng tồn kho giảm, chu kỳ công nghệ đang trở lại và tăng trưởng đầu tư tăng tốc.
Sức mua tại các thị trường xuất khẩu chính sẽ hồi phục mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2024
Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán Dầu khí (PSI) cho rằng nền kinh tế của phần lớn các đối tác thương mại lớn của Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong năm nay sẽ thúc đẩy xuất khẩu tiếp đà tăng trưởng.
Theo báo cáo từ IMF, triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024 lạc quan hơn so với kỳ vọng trước đó. GDP của hầu hết các đối tác thương mại lớn của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng cao hơn so với năm ngoái. Trong đó, tăng trưởng GDP của Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam dự báo đạt 2,6%. GDP Trung Quốc cũng tăng trưởng 5%. Trong khi đó, GDP khu vực Eurozone chậm lại với dự báo tăng trưởng dưới 1%.
Về mặt giá cả, lạm phát toàn cầu đang giảm nhanh, một phần do chính sách tiền tệ diều hâu của các ngân hàng trung ương, cùng với sự phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu ở Trung Quốc. Điều này kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến tiêu dùng tại các thị trường.
Bên cạnh đó, chứng khoán PSI cho biết chỉ số niềm tin người tiêu dùng về điều kiện kinh tế tại các thị trường trọng điểm cũng ghi nhận những dấu hiệu tích cực. Theo đó, tâm lý tiêu dùng dường như đã ổn định hơn và đang có sự phục hồi nhẹ (thị trường EU, UK). Ngoài ra, tại Mỹ – thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam – ghi nhận doanh số bán lẻ vẫn ổn định, trong khi số lượng đơn đặt hàng mới của các nhà sản xuất Mỹ tăng lên cho thấy sự lạc quan hơn về nhu cầu trong tương lai. Do đó, PSI kỳ vọng sức mua tại các thị trường xuất khẩu chính sẽ hồi phục mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2024.
Đồng thời, trong khoảng cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2024, Mỹ dự kiến sẽ đưa quyết định cuối cùng về việc nâng hạng vị thế cho Việt Nam lên “nền kinh tế thị trường”. Nhóm phân tích PSI đánh giá việc nâng hạng sẽ đem lại lợi ích chính cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi các cơ chế thuế tốt hơn được áp dụng hoặc điều chỉnh và hoạt động thương mại với Mỹ của các doanh nghiệp Việt sẽ được “mở đường”.
Tuy vậy, ngay cả khi không có quyết định nâng hạng này, PSI vẫn duy trì quan điểm tích cực đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong năm nay do Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất.
3 nhóm ngành dự kiến tăng trưởng vượt trội nửa cuối năm
Dự báo nửa cuối 2024 sẽ là giai đoạn “bùng nổ” cho xuất khẩu Việt Nam, PSI điểm tên 3 nhóm ngành chủ lực có triển vọng tăng trưởng vượt trội:
Thứ nhất, nhóm các sản phẩm công nghệ
Tính đến cuối quý 2/2024, xuất khẩu điện tử, máy tính và điện thoại, linh kiện đã có sự phục hồi khá tốt. Trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu với sản phẩm điện thoại và máy tính được dự báo tăng 4% trong 2024, doanh số điện thoại toàn cầu sẽ cải thiện, nhất là đối với sản phẩm điện thoại 5G.
Trong khi đó, doanh số máy tính toàn cầu dự kiến sẽ tăng trở lại do việc tích hợp các tính năng AI vào máy tính giúp thu hút thêm người dùng cá nhân và doanh nghiệp và nhiều máy tính sẽ cần được thay thế trước khi Windows 10 kết thúc hỗ trợ trong 2025.
Đáng chú ý, lĩnh vực sản phẩm bán dẫn toàn cầu (chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng công nghệ của Việt Nam) được dự báo tăng mạnh 17% trong 2024, nhờ việc tăng cường triển khai các công cụ tăng tốc xử lý công việc để hỗ trợ trí tuệ nhân tạo.
Do đó, PSI kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng công nghệ của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong 2024 – 2025, với kỳ vọng đảo chiều của chu kỳ hàng công nghệ toàn cầu.
Thứ hai, mặt hàng dệt may
Lạm phát hạ nhiệt và chi tiêu của người tiêu dùng đang dần hồi phục giúp các đơn đặt hàng trong nửa đầu năm 2024 của các doanh nghiệp dệt may khả quan hơn.
Trong nửa đầu năm, tổng giá trị nhập khẩu nguyên liệu sản xuất như xơ, sợi và vải các loại tăng lần lượt 20,7% và 11,9% so với cùng kỳ năm 2023, đây là tín hiệu cho thấy tình hình các đơn hàng dệt, may xuất khẩu vẫn đang khá tích cực và nhiều triển vọng cho nửa sau của năm 2024.
Theo PSI, một số doanh nghiệp có lợi thế về tập khách hàng đa dạng và yếu tố về ESG như TNG hay Eclat Textile (FDI Đài Loan), lượng đơn hàng đã được lấp kín đến đầu quý 4/2024. Trong khi đó, MSH dự định đưa nhà máy Xuân Trường 2 mới đi vào hoạt động kể từ cuối năm 2024, cho thấy sự tự tin của doanh nghiệp về sự trở lại của các đơn hàng. Nhóm phân tích kỳ vọng các đơn hàng sẽ tiếp tục được đảm bào và gia tăng trong nửa cuối năm khi vào mùa mua sắm tại các thị trường lớn.
PSI cũng cho biết, động lực chính của ngành dệt may sẽ đến từ việc nhu cầu tại thị trường Mỹ phục hồi, đặc biệt là vào mùa mua sắm cuối năm. Chi tiêu của người dân Mỹ đang dần hồi phục sau khi lạm phát hạ nhiệt, PSI kỳ vọng đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may sẽ hồi phục rõ rệt kể từ quý 4/2024 khi đây cũng là thời điểm các nhãn hàng bắt đầu chuẩn bị cho vụ xuân hè năm 2025.
Tuy nhiên, PSI cũng lưu ý rằng biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp dệt may khó tăng cao do chi phí nhân công tăng khi mà mức lương tối thiểu tăng 6% kể từ tháng 7/2024 (chi phí nhân công thường chiếm 30-50% tổng chi phí sản xuất).
Thứ ba, mặt hàng thủy sản như cá tra, tôm
Trong tháng 6/2024, xuất khẩu thủy sản ước đạt 875 triệu USD, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 14% so với cùng kỳ. Đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ đầu năm tới nay. Các sản phẩm xuất khẩu chính đều ghi nhận sự tăng trưởng từ mức nền thấp cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu cá tra tăng 4,8% với kim ngạch 920 triệu USD; xuất khẩu tôm tăng 7% với kim ngạch 1,65 tỷ USD.
Nửa cuối năm 2024, PSI dự báo sản lượng xuất khẩu cá tra sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn nhờ lượng hàng tồn kho tại các thị trường, đặc biệt là Mỹ suy giảm so với cùng kỳ và các nhà bán lẻ sẽ cần bổ sung hàng tồn kho trước mùa lễ hội cuối năm. Tiêu thụ cá tra cải thiện khi lạm phát hạ nhiệt, doanh số bán lẻ tại các nhà hàng tại Mỹ được duy trì ở mức trên 90 triệu USD. Đặc biệt, cá tra với giá hợp lý đang dần thay thế các loại cá thịt trắng khai thác tự nhiên khác. Trong khi đó, doanh số bán lẻ tại Trung Quốc cũng đang dần phục hồi trở lại. Ngoài ra, thuế chống bán phá giá (POR 19) ở mức thấp thúc là một trong những yếu tố thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng này.
Với mặt hàng tôm xuất khẩu, ngành tôm đã có sự tăng trưởng so với cùng kỳ kể từ tháng 3 chủ yếu nhờ vào sản lượng tăng trưởng trong khi giá bán tại các thị trường vẫn chưa cải thiện nhiều. PSI kỳ vọng giá xuất khẩu tôm sẽ gia tăng ở nửa cuối năm, nhất là ở thị trường Nhật Bản do được ưa chuộng và chi phí vận chuyển thấp. Trong khi đó, tại Mỹ và Trung Quốc, giá bán sẽ khó tăng hơn do mặt hàng tôm sơ chế từ Ấn Độ, Ecuador với giá rẻ đang có lợi thế hơn so với Việt Nam.
“Chúng tôi cũng kỳ vọng rằng việc Mỹ xem xét nâng hạng Việt Nam lên nền kinh tế thị trường trong thời gian tới sẽ giúp tháo gỡ những rào cản thuế chống trợ cấp đối với xuất khẩu tôm Việt Nam, hỗ trợ cho quá trình phục hồi của tôm Việt Nam”, báo cáo cũng nêu rõ.
An ninh Tiền tệ