Kinh tế Việt Nam ra sao khi kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy thoái?

Theo ông Trần Thăng Long, năm 2023 có thể sẽ là năm khó dự báo hơn nhưng trong xu hướng dài hạn vẫn là một chu kỳ lớn của nền kinh tế Việt Nam, chúng ta sẽ vẫn vượt qua giai đoạn này. Trao đổi trong Talk show Phố Tài…

Fatz Admin lúc 2022-11-08
Kinh tế Việt Nam ra sao khi kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy thoái?

Theo ông Trần Thăng Long, năm 2023 có thể sẽ là năm khó dự báo hơn nhưng trong xu hướng dài hạn vẫn là một chu kỳ lớn của nền kinh tế Việt Nam, chúng ta sẽ vẫn vượt qua giai đoạn này.

Trao đổi trong Talk show Phố Tài chính (The Finance Street) trên VTV8, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, năm 2023 có thể sẽ là một năm khó dự báo hơn nhưng với nỗ lực của Việt Nam cũng như nỗ lực của hệ thống doanh nghiệp và người dân Việt Nam, trong xu hướng dài hạn vẫn là một chu kỳ lớn của nền kinh tế Việt Nam, chúng ta sẽ vẫn vượt qua giai đoạn này.

BTV Mùi Khánh Ly: Kinh tế thế giới đã bước vào giai đoạn lãi suất tăng và Việt Nam cũng vậy, theo ông nền kinh tế toàn cầu nói chung đang bị ảnh hưởng như thế nào trong giai đoạn này?

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán BIDV (BSC): Mặt bằng lãi suất của các quốc gia đều đang gia tăng bắt nguồn từ ngân hàng trung ương của Mỹ là Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED). Đồng USD là đồng tiền quan trọng nhất trong thương mại cũng như trong đầu tư, đã tăng giá. Do vậy chi phí chung của các nền kinh tế, các doanh nghiệp đều sẽ gia tăng về mặt chi phí tài chính.

QUẢNG CÁO

Thứ hai, USD mạnh cũng khiến hoạt động tiêu dùng ở rất nhiều các quốc gia khác suy giảm do tỷ giá suy giảm so với USD. Ở Việt Nam đâu đấy tỷ giá mà chúng ta so với cùng kỳ năm trước đã có mức độ giảm khoảng 7% so với USD. Tuy nhiên, các quốc gia khu vực Đông Nam Á và ở Châu Á nói chung thì mức mức giảm giá so với USD rơi vào từ 15%-20%. Cá biệt như Nhật Bản là khoảng 30%. Do vậy mức ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước cũng như việc nhập khẩu lạm phát ở các quốc gia này đều khá cao.

Một yếu tố quan trọng nữa là khi mặt bằng lãi suất lên và đồng USD lên giá liên tục so với tất cả các đồng tiền chủ chốt ấy cũng khiến cho dòng vốn đầu tư trên thị trường có xu hướng rút về những quốc gia phát triển, đặc biệt ở đây là rút về phía Hoa Kỳ. Trong vòng khoảng 6 – 9 tháng vừa rồi, chúng ta đều nhìn thấy xu hướng chung dòng tiền từ các thị trường mới nổi, từ các thị trường cận biên, có xu hướng rút về thị trường Mỹ, khiến cho chỉ số chứng khoán của rất nhiều thị trường có mức suy giảm khá lớn, không chỉ riêng Việt Nam.

Vậy theo ông giai đoạn tăng lãi suất này sẽ kéo dài đến bao lâu?

Các ngân hàng trung ương chắc chắn là trong giai đoạn hiện tại sẽ phải có nhiều cân nhắc hơn so với đầu năm. Liên quan đến vấn đề chu kỳ tăng lãi suất có thể kéo dài bao lâu, chúng ta có thể tham khảo một chút trong lịch sử. Ba đợt tăng lãi suất gần nhất của Hoa Kỳ là đợt năm 1999-2000, đợt hai năm 1994-1995 và đợt năm 2005-2006. Trong 3 đợt đó có 2 đợt chu kỳ kéo dài tăng lãi suất xấp xỉ 1 năm, còn lại là đợt gần nhất là năm 2005 – 2006 kéo dài lâu hơn, xấp xỉ 2 năm. Nên đợt này từ khi FED bắt đầu tăng lãi suất đã kéo dài được khoảng 6 tháng, như vậy kỳ vọng đến giữa năm 2023, lúc đấy sẽ tương đương với trung bình của 2 lần trước. Còn kéo dài hơn thì sẽ phải sang đến năm sau nữa là năm 2024.

Ngoài ra, tôi nghĩ có thể tham chiếu thêm một yếu tố nữa là trong 3 đợt nâng lãi suất gần nhất của Hoa Kỳ, mức độ nâng lãi suất là khác nhau, tức là tăng lên khoảng 5%, 6% và 7%. Thì đợt này các nhà kinh tế học đặt mục tiêu mức lãi suất năm sau của FED sẽ nâng lên khoảng 4,75%. Mức này là mức mà thực ra đang thấp hơn so với cả 3 lần gần nhất mà FED tăng lãi suất. Trong 3 lần đấy họ không gặp những vấn đề lớn liên quan đến cấu trúc nền kinh tế hiện tại cũng như là liên quan đến vấn đề địa chính trị, lạm phát. Vào thời điểm giữa năm sau ta sẽ nhìn rõ hơn điều này.

Ngoài ra, người ta cũng có một quan điểm cho rằng khi nào mức lãi suất điều hành và mức lạm phát tiến về gần nhau, đấy là lúc ngân hàng trung ương quay theo hướng thay đổi quan điểm trở lại; có thể là quay sang hướng hỗ trợ nền kinh tế, tránh việc đưa nền kinh tế đưa vào tình suy thoái sâu hơn và khó khăn hơn.

Một số nền kinh tế lớn đang có dấu hiệu hiệu của suy thoái, theo ông liệu điều này có xảy ra và ở mức độ nào?

Đây là một nguy cơ mà có thật chứ không phải nó ở cách xa. Theo thống kê của Bloomberg, xác suất xảy ra suy thoái lớn nhất là ở Châu Âu, sau đến Hoa Kỳ. Quay lại vấn đề liên quan đến suy thoái trong nền kinh tế thật. Về mặt cung, năm 2021, hoạt động sản xuất ở Hoa Kỳ và Châu Âu phát triển rất mạnh mẽ, sang đến đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng bắt đầu suy giảm. Chỉ tiêu PMI ở Mỹ đầu năm còn ở mức 59, bây giờ đang tiến dần về khoảng mức 52 điểm. Còn Châu Âu đã dưới 50 điểm lâu rồi, loanh quanh khoảng 48 điểm.

Thứ hai là từ góc độ cầu, tốc độ tiêu dùng của Hoa Kỳ và Châu Âu suy giảm đáng kể. Hoa Kỳ đã suy giảm về 0 tính đến tháng 9 năm vừa rồi, và đối với cả Châu Âu từ tháng 4 thì bắt đầu đã xuống dưới 0 và đang suy giảm. Chúng ta thấy rằng cả cung và cầu đang suy giảm. Khi mà Châu Âu và Hoa Kỳ là 2 khu vực kinh tế rất quan trọng của thế giới mà đi vào tình trạng như vậy thì xác suất suy thoái chung sẽ gia tăng. Nó dẫn đến việc các quốc gia, trong đó có những quốc gia như Việt Nam sẽ phải cân nhắc lại rất nhiều các chính sách để đảm bảo rằng chúng ta có thể là vững vàng để đi qua giai đoạn này.

Với bối cảnh kinh tế toàn cầu như vậy thì kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?

Đúng là các chỉ tiêu vĩ mô của Việt Nam so với các quốc gia khác trong tình hình hiện tại thì đều thấy rõ ràng chúng ta đang làm tương đối tốt. Điều này cũng phải ghi nhận cho nhà làm chính sách cũng như chính sự tự lực vươn lên của doanh nghiệp và người dân ở trong nước. Tuy nhiên những điều chỉnh trong thời gian gần đây của chính sách cũng bắt đầu thấm vào doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng bắt đầu thấy sự ảnh hưởng của việc lãi suất gia tăng thì sức ép về chi phí tài chính của họ gia tăng, thanh khoản của suy giảm đi, cảm thấy khó khăn hơn khi tiếp cận với vốn. Đồng thời thấy rằng các đơn hàng cũng không thuận lợi như giai đoạn 2 năm trước. Nhìn vào dài hạn thì tôi cũng cũng thấy rằng nó cũng sẽ có những chuyển biến nhất định.

Trong suốt giai đoạn 2, 3 năm vừa rồi, rất nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi, nếu như không có dịch bệnh Covid thì họ sẽ không bao giờ nghĩ đến chuyện phải chuyển đổi số, gọi họp online với đối tác thay vì cứ phải bay đi bay về như trước đây, rất nhiều những chi phí phát sinh từ những công việc đó. Chuyển đổi đang diễn ra từ chính tự lực của doanh nghiệp nhưng đồng thời nó sẽ cần có thời gian và trong khoảng thời gian đó cũng cần phải có những sự hỗ trợ định hướng tới chính sách từ phía các cơ quan quản lý của nhà nước, để đảm bảo cho hệ thống doanh nghiệp trong nước sẽ đủ sức và đủ thời gian để thích nghi với giai đoạn sắp tới, khi mà rất nhiều những yếu tố mà bất định chúng ta còn chưa đoán được sẽ diễn ra như thế nào.

Do vậy, tôi nghĩ năm 2023 có thể sẽ là một năm khó dự báo hơn và chúng tôi vẫn tin tưởng rằng với nỗ lực của Việt Nam cũng như nỗ lực của hệ thống doanh nghiệp và người dân Việt Nam, trong xu hướng dài hạn vẫn là một chu kỳ lớn của nền kinh tế Việt Nam, chúng ta sẽ vẫn vượt qua giai đoạn này.

Vừa rồi chúng ta đã bàn về kinh tế vĩ mô, còn về thị trường chứng khoán luôn được cho là phản ánh trước nền kinh tế, vậy thì trong những quý tới thị trường sẽ như thế nào, thưa ông?

Theo như nhìn nhận của chúng tôi, trong suốt thời gian vừa rồi thị trường bắt đầu chiết khấu những rủi ro liên quan đến việc suy thoái. Không chỉ Việt Nam, mọi người thấy trong suốt 9 tháng vừa rồi các thị trường gần như đồng pha hết.

Chúng ta giảm rất mạnh, giảm khoảng 29%, nhưng chúng ta nhìn sang xung quanh, Hàn Quốc cũng giảm để 25%-26% và đặc biệt là Hoa Kỳ các chỉ số chính cũng giảm đâu đấy khoảng 23%. Những mức độ đó là đủ hay chưa thực ra cũng rất khó nói.

Theo như góc nhìn của chúng tôi, định giá thì thị trường Việt Nam đang là tương đối thấp so với trung bình. Theo như thống kê, vùng định giá này với nhà đầu tư dài hạn, thông thường 2, 3 năm trở lên họ thu được lợi nhuận tương đối tốt, nhưng ngược lại thì nó không đảm bảo rằng sẽ không có những biến động trong ngắn hạn.

Vậy nhà đầu tư nên làm gì vào thời điểm này?

Đối với các nhà đầu tư, tôi đánh giá rằng vẫn phải tương đối thận trọng, phụ thuộc vào khả năng tiêu thụ rủi ro cũng như khung thời gian mà họ có thể đầu tư. Giai đoạn hiện tại vẫn là giai đoạn đang có những biến động trong thị trường tài chính, nên nhà đầu tư phải hết sức cảnh giác và nên giữ một tâm thế thận trọng và có thể duy trì đầu tư ở mức độ vừa phải để có thể kiểm soát được rủi ro.

Theo Cẩm Thạch

Nhịp sống kinh doanh

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *