Agriseco Research sàng lọc và lựa chọn ra 5 nhóm ngành được kỳ vọng có tăng trưởng lợi nhuận cao trong Quý 3/2024. Mùa báo cáo tài chính Quý 2/2024 đã khép lại với bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp tiếp đà hồi phục từ mức đáy cuối năm 2022….
Mùa báo cáo tài chính Quý 2/2024 đã khép lại với bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp tiếp đà hồi phục từ mức đáy cuối năm 2022. Theo thống kê từ FiinPro-X, lợi nhuận của toàn thị trường trong Q2/2024 ước tăng khoảng 27% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 13% so với Q1/2024, trong đó Khối tài chính và Khối Phi tài chính đều ghi nhận tăng trưởng tích cực.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Agirseco cho rằng sang Quý 3/2024, cơ hội tìm kiếm các nhóm ngành tăng trưởng lợi nhuận cao dần khan hiếm hơn, yếu tố nền KQKD thấp cùng kỳ sẽ không còn là câu chuyện chính. Tuy nhiên, một số nhóm ngành vẫn có thể tăng trưởng tích cực nhờ một số yếu tố hỗ trợ như hoạt động thương mại xuất nhập khẩu có nhiều khởi sắc, mặt bằng lãi suất duy trì mức thấp giúp tiết giảm chi phí lãi vay, quy mô nguồn vốn, tài sản gia tăng.
Agriseco Research tiếp tục sàng lọc và lựa chọn ra 5 nhóm ngành được kỳ vọng có tăng trưởng lợi nhuận cao trong Quý 3/2024 là Phân bón, Bán lẻ, Chăn nuôi, Ngân hàng và nhóm Logistics.
Thứ nhất, nhóm phân bón
được Agriseco kỳ vọng triển vọng lợi nhuận Q3/2024 tăng trưởng mạnh 1.620% so với mức nền thấp cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận nhóm phân bón có thể đạt khoảng 3.200 tỷ đồng, tăng 243%.
Theo Agriseco, hiện giá và sản lượng ure đang duy trì ở mức ổn định và kỳ vọng sẽ tăng cao trong giai đoạn cuối năm khi vụ Đông Xuân đến gần. Sau khi chuyển dần sang pha thời tiết La Lina, nhu cầu phân bón toàn cầu cũng được kỳ vọng sẽ cải thiện giúp giá phân bón phục hồi tốt hơn trong cuối năm. Tăng trưởng lợi nhuận ngành phân bón cũng được đóng góp bởi DCM khi nhà máy của DCM hết khấu hao giúp ghi nhận khoản lợi nhuận cao hơn từ năm 2024.
Thứ hai, nhóm bán lẻ
cũng được CTCK này kỳ vọng lợi nhuận tiếp tục duy trì tăng trưởng mạnh 178% trong Q3/2024 so với mức nền thấp cùng kỳ. Trong đó, động lực cho sự phục hồi của ngành bán lẻ đến từ nhu cầu bán lẻ tiêu dùng phục hồi nhờ các chính sách hỗ trợ, kích cầu tiêu dùng, du lịch như giảm thuế VAT, tăng tiền lương cơ bản, mở rộng miễn thị thực cho khách du lịch.
Bên cạnh đó, tình trạng cạnh tranh về giá giữa các chuỗi bán lẻ đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ điện máy chấm dứt giúp cải thiện biên lợi nhuận các doanh nghiệp và các động lực riêng của từng doanh nghiệp từ mảng bán lẻ nhà thuốc (FRT) hay mảng bách hóa (MWG) sẽ hỗ trợ cho ngành này. Cụ thể, chuỗi Long Châu của FRT đã đóng góp khoảng 110 tỷ đồng lợi nhuận trong Q2, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Trong khi đó, chuỗi Bách Hóa Xanh của MWG cũng liên tục cải thiện hiệu quả hoạt động và đã đem về lợi nhuận kể từ Q2/2024.
Thứ ba, nhóm chăn nuôi
được dự báo lợi nhuận tăng trưởng 28% khi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN) hạ nhiệt. Giá một số loại nguyên liệu TACN như giá lúa mỳ, giá ngô đã giảm từ 30 – 40% so với mức đỉnh trong năm 2023.
Với đặc thù nguyên liệu TACN chủ yếu nhập khẩu, các doanh nghiệp chăn nuôi ở Việt Nam có thể tiết giảm được chi phí đầu vào trong bối cảnh giá nguyên liệu TACN hạ nhiệt. Giá heo hơi phục hồi tích cực kể từ đầu năm 2024. Hiện tại, giá heo hơi bình quân đang được giao dịch ở ngưỡng 65000 – 70.000 đồng/kg, tăng khoảng 30% kể từ đầu năm nay.
Thứ tư, với nhóm ngân hàng
, đội ngũ phân tích kỳ vọng lợi nhuận ngành ngân hàng trong Q3/2024 duy trì đà tăng (ước tính +24% yoy) trên nền thấp cùng kỳ năm ngoái dựa vào các yếu tố như tăng trưởng tín dụng tiếp tục khả quan, NIM cải thiện lên mức trên 3,7% trong quý tới và tỷ lệ nợ xấu toàn ngành dần hạ nhiệt.
Cuối cùng, nhóm Logistics
cũng được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan trong quý 3 nhờ hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi, giá cước vận tải các tuyến đang có xu hướng tăng mạnh mẽ và giá thuê tàu định hạn liên tục duy trì mức cao do tình trạng bất ổn địa chính trị.
Nhịp sống thị trường